Hiệu quả triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong Trục liên thông văn bản quốc gia

08:00 | 22/03/2019 | CA CQNN
Phát biểu tại Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia diễn ra vào chiều ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc nêu rõ, An toàn thông tin là vấn đề sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia. Để triển khai hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ và kịp thời của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, đặc biệt biểu dương và đánh giá cao Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc quản lý, triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số là một xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và chứng thư số sử dụng thiết bị phù hợp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho Trục liên thông văn bản quốc gia; hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương trong việc đăng ký chứng thư số và triển khai tích hợp trên các máy chủ bảo mật. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp các đơn vị phát triển hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ, thực hiện ký số văn bản điện tử khi gửi, nhận nhằm bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử.

Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin, với Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ là Ủy viên Ủy ban. Để triển khai nhiệm vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã khẩn trương thành lập Tổ công tác phục vụ triển khai Chính phủ điện tử do Đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ làm Tổ trưởng, Thành viên là các đồng chí Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện và nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Sự kiện Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương, đi vào hoạt động, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Từ ngày 19/01/2019 đến ngày 08/03/2019 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trong đó, Thanh tra Chính phủ chưa phát sinh gửi văn bản điện tử). Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích hợp thành công hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo các giao dịch điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia được xác thực, an toàn, bảo mật. Đến nay, toàn bộ 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương (gồm Văn phòng Trung ương Đảng; 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã được cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ và hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo Ngân hàng thế giới…).

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là thành phần quan trọng trong việc xác thực, đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Với mục tiêu phấn đấu đến tháng 6/2019, 100% cơ quan hành chính được cấp chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử trong môi trường mạng. Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo cung cấp chứng thực số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong môi trường mạng, trong đó đặc biệt quan trọng là phục vụ gửi nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giao nhiệm vụ, chỉ đạo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, cơ quan chuyên trách thực hiện cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục phụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị khẩn trương triển khai thực hiện. Công tác triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng được tiến hành khẩn trương, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các Bộ, ngành và địa phương. Đến nay, đã cung cấp gần 160.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Hiệu quả của việc ứng dụng và triển khai chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục được khẳng định trong thực tế.

Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang là đơn vị quyết tâm đi đầu trong giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại Văn phòng Chính phủ được xây dựng và phát triển, triển khai tới 100% cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ theo một quy trình xử lý hoàn chỉnh, khép kín và bảo mật cao. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phiên bản thiết bị di động được tích hợp giải pháp chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ, giúp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên thiết bị di động một cách nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc mọi nơi, thậm chí ngay trong các cuộc họp hay các chuyến đi công tác.

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Trục liên thông văn bản quốc gia ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia – Vietnam Data Exchange Platform (VDXP). Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp được triển khai, kết nối từ Trung ương đến địa phương thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu này. Dự kiến trong quý IV/2019, VDXP sẽ mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Hệ thống tham vấn chính sách (e-consultation), Hệ thống thông tin phục vụ hợp và xử lý công việc của Chính phủ (e-cabinet) và các hệ thống thông tin khác, cũng như kết nối, chia sẻ dữ liệu liên ngành, góp phần hiện thực hóa lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong tương lai không xa.

Thời gian tới, yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin cho Chính phủ điện tử tiếp tục đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ những yêu cầu, nhiệm vụ mới cần triển khai cấp bách; trong đó công tác triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là hết sức quan trọng. Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí; nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.

Thảo Uyên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới