Nhiều Bộ, ngành, địa phương tích cực gửi nhận văn bản điện tử áp dụng chữ ký số

14:00 | 04/06/2019 | CA CQNN
Nhiều Bộ, ngành, địa phương rất tích cực triển khai nhiệm vụ, các văn bản gửi nhận 2 chiều được áp dụng chữ ký số, nền tảng hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu như: VPCP, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp

Chiều 29/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử và phân cấp chữ ký số.

Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội Vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ, một số tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh… và đại diện Tập đoàn VNPT, Viettel, Công ty Cổ phần FPT.

Cuộc họp nhằm mục tiêu đánh giá các nhiệm vụ đã thực hiện, xác định những khó khăn còn tồn tại để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại các Bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, nếu nhiệm vụ này không tốt thì không thể làm tốt các nhiệm vụ tiếp theo khi theo dự kiến trong tháng 6/2019 sẽ khai trương Hệ thống e-Cabine (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) và dự kiến tháng 11/2019 khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia.

"Từ ngày 12/3/2019 đến nay VPCP đã làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và thấy rằng nhiều Bộ, ngành, địa phương rất tích cực triển khai nhiệm vụ, các văn bản gửi nhận 2 chiều được áp dụng chữ ký số, nền tảng hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Một số đơn vị triển khai tích cực theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) là: VPCP, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hải Phòng…

Tuy nhiên việc triển khai đồng bộ ở các Bộ, ngành, địa phương còn chưa được chủ động, còn có những chậm chễ liên quan đến công tác hướng dẫn, đào tạo, cấp chứng thư số, vấn đề an toàn, bảo mật...". Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (VPCP), về kết quả gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia, đến nay, 100% các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử.

Từ ngày 12/3/2019 đến ngày 27/5/2019 đã có 36.327 văn bản gửi và 105.325 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó có 7.919 nghìn văn bản điện tử gửi đến VPCP và có 5.839 văn bản là có chữ ký số.

Đối với việc triển khai chữ ký số chuyên dùng trong gửi, nhận văn bản điện tử, đến nay Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 150 nghìn chứng thư số cho các Bộ, ngành, địa phương; cấp 96/154 (62%) chữ ký số cho lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 118/262 chữ ký số cho lãnh đạo các địa phương.

Hoàn thiện pháp lý, tránh "2 hệ thống vừa giấy vừa không giấy"

Đánh giá của các địa phương tham dự cuộc họp cho thấy, việc gửi nhận văn bản điện tử được dư luận người dân, doanh nghiệp tại các địa phương rất hoan nghênh và ủng hộ bởi Trục liên thông văn bản quốc gia giúp việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị hiệu quả hơn.

Đối với kết nối liên thông văn bản của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh cho biết các hệ thống đều đã kết nối thành công với Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi nhận văn bản điện tử. Tỉnh cũng kết nối thành công với các đơn vị cấp 2 của Bộ TT&TT; thực hiện phản hồi và theo dõi 6/6 trạng thái, 100% đơn vị của tỉnh đã được cấp chứng thư số, toàn bộ văn bản của các cơ quan đã thực hiện ký số văn bản điện tử (trừ văn bản mật), đáp ứng đúng yêu cầu của Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Với TP. Hà Nội, địa phương cho biết việc kết nối gửi nhận văn bản qua Trục liên thông văn bản quốc gia rất thuận lợi, giảm lượng phát hành văn bản giấy. Hà Nội dự kiến đến 15/6 sẽ hoàn toàn sử dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử.

Hoàn thiện cơ sở pháp lý là kiến nghị chung được nhiều địa phương nêu ý kiến. Theo đại diện Hải Phòng, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để không hình thành "Hai hệ thống văn thư vừa giấy vừa không giấy"; thứ 2 là toàn bộ hệ thống văn bản, khung pháp luật cho văn bản giấy từ trước đến nay khi chuyển sang văn bản điện tử cần phải thay đổi và phải bảo đảm tính kết nối. Các địa phương cũng nêu lên cần quy định về vấn đề lưu trữ hồ sơ điện tử; phân cấp quản lý chứng thư số... Tỉnh Quảng Ninh nêu kiến nghị, Trục liên thông văn bản quốc gia mới liên thông đến UBND cấp tỉnh, vì vậy địa phương mong muốn tiến độ liên thông các cấp còn lại được triển khai sớm hơn.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với VPCP, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư để đáp ứng yêu cầu xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; có phương án hướng dẫn về thể thức, quy trình ký số văn bản phát hành điện tử; đề nghị Bộ TT&TT sớm công bố Khung kiến trúc Chính phủ điện tử... Đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, FPT chịu trách nhiệm về hạ tầng, an ninh, an toàn cho hệ thống cũng như bảo đảm an toàn dữ liệu.

Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, qua các ý kiến đóng góp cho thấy quyết tâm cao của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. VPCP sẽ thành lập các Tổ công tác gồm sự tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan để xuống trực tiếp làm việc với các địa phương về thực hiện nhiệm vụ này.

M.C

Theo chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới