Quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

13:00 | 04/07/2014 | PHÁP LUẬT
Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Nghị định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo chí (gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), xuất bản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật xuất bản; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Nghị định này áp dụng đối với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm.

Theo Nghị định, “Nhuận bút” là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) được sử dụng; “Thù lao” là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên uan đến tác phẩm theo quy định tại Nghị định này.

Mức nhuận bút, thù lao trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả và những người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm căn cứ vào thể loại, chất lượng tác phẩm, mức độ ảnh hưởng của tác phẩm đến kinh tế - xã hội, mức độ đóng góp vào tác phẩm, các quy định khuyến khích sáng tạo tác phẩm tại Nghị định này và quy định của cơ quan báo chí sử dụng tác phẩm hoặc theo hợp đồng sử dụng xuất bản phẩm với nhà xuất bản. Mức nhuận bút của tác giả không thấp hơn mức thù lao của người tham gia công việc có liên quan đến tác phẩm cùng thể loại.

Tác phẩm thuộc loại hình sáng tác, nghiên cứu được trả nhuận bút cao hơn tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, biên soạn, chú giải, tuyển tập và hợp tuyển. Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định của cơ quan sử dụng tác phẩm khi tác phẩm đó được sử dụng làm tuyển tập, hợp tuyển, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm và biên soạn thành tác phẩm mới hoặc dịch sang ngôn ngữ khác. Đối với tác phẩm gốc được dịch sang ngôn ngữ khác để thể hiện loại hình báo chí khác hoặc ấn phẩm báo chí khác của cùng một cơ quan báo chí, việc chi trả nhuận bút thực hiện theo quy định của từng cơ quan báo chí.

Đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo in, báo điện tử, bao gồm: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được cơ quan báo chí sử dụng; Lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên và những người tham gia thực hiện các công việc có liên quan đến tác phẩm báo chí; Người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí.

Nghị định quy định khung nhuận bút cho tác phẩm in, báo điện tử được quy định như sau:

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút bằng 10% mức tiền lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là mức tiền lương cơ sở). Đối với cơ quan báo chí tự bảo đảm chi phí hoạt động, việc trả nhuận bút cao hơn mức bình quân chung do Tổng biên tập quyết định căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút nhưng không vượt quá hệ số tối đa tại khung nhuận bút.

Nhuận bút được tính như sau:

Nhuận bút = Mức hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút.

Nghị định quy định đối tượng hưởng nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm báo nói, báo hình; nhuận bút đối với tác phẩm báo nói, báo hình; quỹ nhuận bút của báo nói, báo hình;…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2014.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Chương II, Chương V, Chương VI Nghị định số 61/2002/NĐ-CP hết hiệu lực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới