Apple ra mắt tính năng mới trên iPhone giúp bảo vệ quyền riêng tư

09:00 | 13/06/2019 | TIN TỨC SẢN PHẨM
Tính năng này giúp bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng khi gặp các yêu cầu đăng nhập trên các dịch vụ lạ.

Tại sự kiện ra mắt hệ điều hành iOS 13 mới đây, Apple đã giới thiệu một tính năng mới trên iPhone có tên Sign in with Apple. Đây là tính năng bảo mật hoàn toàn khác biệt, giúp bảo vệ quyền riêng tư khi người dùng bị yêu cầu đăng nhập trên các dịch vụ lạ. Mỗi khi có dịch vụ đòi hỏi đăng ký thì thay vì đăng nhập với Google hay Facebook, người dùng có thể lựa chọn sử dụng tính năng mới của Apple.

Theo đó, mỗi lần đăng nhập, tính năng Sign in with Apple sẽ tạo một email ảo và thay đổi liên tục khi đăng nhập lần tới. Người dùng cũng có thể đăng nhập vào Face ID và tạo một tài khoản mới cho dịch vụ mà không cần tiết lộ bất kỳ thông tin cá nhân nào. Tính năng Sign in with Apple sẽ xuất hiện trên máy tính Mac, iPhone, iPad và cả Apple Watch.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với hãng truyền thông CBS, CEO Apple - Tim Cook cho rằng, hãng sẽ chỉ tập trung vào người dùng. Trong khi đó, người dùng luôn muốn truy cập vào các dịch vụ trên nền web mà không bị kiểm soát. Theo Tim Cook, đó là một nhu cầu hợp lý của mọi người.

Theo Bud Tribble - Phó Chủ tịch Công nghệ phần mềm của Apple, tính năng này chính là thách thức chống lại quan điểm người dùng phải trả phí bằng sự riêng tư khi sử dụng các dịch vụ miễn phí. Trong khi các đối thủ của Apple là Google và Facebook khai thác dữ liệu từ người dùng của họ, quan điểm của Apple cho rằng, quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người và đưa quyền kiểm soát dữ liệu riêng tư cho người dùng nhiều hơn. Đây là điểm khác biệt của Apple so với Google hay Facebook, khi các công ty này luôn muốn khai thác dữ liệu nhằm phục vụ cho việc quảng cáo kiếm lời.

Ngoài ra, các ứng dụng đòi hỏi quyền theo dõi (tracking) của bên thứ ba trên iOS sẽ chỉ được phép xác định vị trí (location) của người dùng một lần duy nhất. Với những lần sau đó, ứng dụng sẽ phải hỏi lại người dùng xem có được cho phép hay không. Điều này nhằm giúp người dùng của Apple có thể kiểm soát tốt hơn dữ liệu của họ. Với hệ điều hành Android và iOS 12 trở về trước, việc một ứng dụng được cấp quyền tracking có nghĩa là nó sẽ được phép theo dõi người dùng liên tục cho đến khi vào phần cài đặt và loại bỏ quyền đó.

Đối với trình duyệt Safari, Bud Tribble cho biết, Apple cũng tiến hành khai thác quảng cáo trên đó giống như Chrome của Google. Tuy nhiên, hãng này sử dụng kỹ thuật để trình duyệt biết được những quảng cáo mà người dùng đã nhấp chuột vào, nhưng che giấu đi các thông tin cụ thể của người dùng khi gửi cho các nhà quảng cáo.

Apple tiến hành đánh giá khoảng 100.000 ứng dụng mỗi tuần trước khi đưa lên App Store. Thông thường, khoảng 40% trong số này sẽ bị từ chối vì không đảm bảo được các vấn đề về quyền riêng tư đối với người dùng.

Tính năng này là một minh chứng cho thấy quyền riêng tư của người dùng cũng có thể được bảo vệ và song hành với lợi ích của các nhà quảng cáo. Trước quan điểm có phần “đá xoáy” này của Apple, Google và Facebook đã từ chối đưa ra bình luận.  

T.U

Tin cùng chuyên mục

Tin mới