10 Hội nghị về sự kiện an toàn thông tin tiêu biểu trên thế giới năm 2024

14:00 | 10/05/2024 | AN TOÀN THÔNG TIN
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới an toàn, an ninh mạng đang được định hình rõ ràng hơn, việc gắn kết và chia sẻ thông tin về các sự kiện bảo mật, nền tảng, công nghệ, giải pháp mới hay chương trình đào tạo rất quan trọng. Nhận thức được điều này, nhiều hội nghị, hội thảo và triển lãm về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin đã được tổ chức trên toàn cầu, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau như các chuyên gia bảo mật, sinh viên, nhà nghiên cứu, các lãnh đạo, nhà quản lý,… Tạp chí An toàn thông tin sẽ gửi tới quý độc giả thông tin tổng hợp về 10 hội nghị và sự kiện bảo mật tiêu biểu trong năm 2024.

1. HỘI NGHỊ AN NINH MẠNG TOÀN CẦU 2024

Hội nghị An ninh mạng toàn cầu 2024 là sự kiện trực tuyến được tổ chức bởi Nhà xuất bản Packt (Vương quốc Anh), trong 03 ngày từ 20- 22/3/2024. Sự kiện là hành trình trải nghiệm với các chuyên gia bảo mật thông qua các buổi tọa đàm và trưng bày các gian hàng sản phẩm công nghệ. Người tham dự sẽ có cơ hội tương tác trực tiếp với các diễn giả, tham gia thảo luận và giải quyết các vấn đề bảo mật trong thời gian thực. Điều đặc biệt, trước khi diễn ra các phiên là chương trình Bootcamp CompTIA Security + 701 vào ngày 18/3/2024 và được giảng dạy bởi chuyên gia bảo mật nổi tiếng Ian Neil.

Chương trình nghị sự của Hội nghị bao gồm ba phiên. Phiên thứ nhất có chủ đề “Biên giới an ninh mạng”, gồm các tham luận báo cáo về những mối đe dọa mạng mới nổi; cải thiện khả năng bảo mật đám mây; phân tích về các cuộc tấn công web và giải mã các xu hướng bảo mật chiến lược hàng đầu của Gartner năm 2023. Phiên thứ hai có chủ đề “Playbook bảo mật” với các báo cáo về đám mây lai; kiến trúc Zero Trust; trí tuệ nhân tạo (AI); học máy và bảo vệ danh tính. “Các cuộc tấn công và mối đe dọa” là chủ đề trong phiên cuối cùng, các diễn giả sẽ trình bày về tấn công đám mây; phân tích mã độc; thông tin về mối đe dọa và kiểm tra xâm nhập với Kali Linux [1].

2. SỰ KIỆN BLACK HAT ASIA 2024

Được phát triển từ một hội nghị thường niên duy nhất trở thành chuỗi sự kiện an ninh mạng có uy tín trên thế giới, Black Hat Asia cung cấp cho cộng đồng bảo mật những nghiên cứu, sự phát triển và xu hướng mới nhất về an toàn, an ninh mạng. Black Hat Asia khuyến khích sự hợp tác giữa giới học thuật, nhà nghiên cứu và các nhà lãnh đạo trong khu vực công - tư. Ngày nay, các sự kiện về Black Hat được tổ chức hàng năm tại Mỹ, châu Âu và châu Á. Năm 2024, Black Hat Asia dự kiến diễn ra từ ngày 16-19/4/2024 tại Singapore.

Tại đây, những người tham dự sẽ được trải nghiệm khóa đào tạo về các kỹ năng bảo mật được giảng dạy bởi các chuyên gia có chuyên môn cao về các kỹ thuật tấn công và phòng thủ mọi cấp độ. Sau đó, các diễn giả sẽ trình bày và chia sẻ các nghiên cứu, ví dụ như mã độc, các lỗ hổng mới, công cụ nguồn mở, cách khai thác lỗ hổng zero-day. Bên cạnh đó là các chủ đề bảo mật từ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng đến IoT, bảo vệ mạng, thiết bị di động và bảo mật ứng dụng [2].

3. HỘI NGHỊ RSA 2024

Hội nghị RSA là một chuỗi hội nghị quốc tế về bảo mật thông tin diễn ra tại Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và UAE, với số lượng thành viên đăng ký tham gia mỗi năm trung bình khoảng 45.000 người. Diễn ra từ ngày 06-09/5/2024 tại Trung tâm Moscone San Francisco, Mỹ, Hội nghị RSA 2024 dự kiến quy tụ nhiều chuyên gia, lãnh đạo và diễn giả tới từ các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ an ninh mạng hàng đầu trên thế giới, nhằm thảo luận các xu hướng mới nổi như các mối đe dọa mạng và đưa ra các chiến lược, giải pháp để giải quyết các mối đe dọa hiện tại cũng như trong tương lai.

Hội nghị năm nay cung cấp các chương trình đào tạo và diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo cũng như sinh viên nhằm chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, kết nối hệ sinh thái bảo mật trên toàn cầu. Ngoài ra, để đa dạng hóa thông tin và hình thức truyền tải, Hội nghị RSA 2024 đã cung cấp một bộ thư viện gồm video, podcast, các bài báo cáo và hội thảo trực tuyến trên trang web: rsaconference.com.

4. HỘI NGHỊ EUROCRYPT 2024

Eurocrypt là hội nghị quốc tế thường niên về tất cả các khía cạnh của mật mã được tổ chức bởi Hiệp hội nghiên cứu mật mã quốc tế (IACR). Hội nghị Eurocrypt 2024 lần thứ 43 với chủ đề “Lý thuyết và ứng dụng kỹ thuật mã hóa”, dự kiến được diễn ra tại Kongresshaus, Zurich, Thụy Sĩ từ ngày 26- 30/5/2024.

Theo IACR, các tham luận trình bày tại Eurocrypt 2024 đề cập đến các chủ đề về lý thuyết cơ bản và toán học; thiết kế, đề xuất và phân tích các nguyên tắc và giao thức mật mã; triển khai và tối ưu hóa an toàn trong phần cứng hoặc phần mềm; các khía cạnh ứng dụng phần cứng hoặc phần mềm của mật mã.

5. HỘI NGHỊ QUẢN LÝ RỦI RO VÀ BẢO MẬT GARTNER

Hội nghị quản lý rủi ro và bảo mật Gartner diễn ra từ ngày 03-05/6/2024 tại Trung tâm hội nghị National Harbor, Mỹ, quy tụ các chuyên gia, nhà lãnh đạo và nhà nghiên cứu để cùng nhau khám phá bối cảnh ngày càng phát triển của rủi ro kỹ thuật số và chiến lược phục hồi. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức bởi công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner. Hiểu rõ hơn về những thách thức nhiều mặt của môi trường mạng phức tạp ngày nay, giải quyết các vấn đề từ thông tin về mối đe dọa tiên tiến đến ứng phó sự cố hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của yếu tố con người trong việc xây dựng hệ thống an ninh linh hoạt là những mục tiêu chính của Hội nghị năm nay.

6. HỘI NGHỊ CTCRYPT 2024

Dự kiến từ ngày 03-06/6/2024 tại thành phố Petrozavodsk, Nga, Hội nghị CTCrypt thường niên lần thứ 13 với chủ đề: “Xu hướng hiện đại trong mật mã học” (CTCrypt 2024) sẽ được diễn ra. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Học viện mật mã Liên bang Nga, Viện Toán học Steklov (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Trung tâm công nghệ quốc gia về mật mã kỹ thuật số Nga và Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn hóa “Cơ chế mã hóa và bảo mật” (TC 26).

Chủ đề của Hội nghị CTCrypt 2024 tập trung các khía cạnh liên quan đến mã hóa và kỹ thuật mật mã, bao gồm: Triển khai các kỹ thuật giải mã; đánh giá tính bảo mật của các thuật toán và giao thức mật mã của Nga; kỹ thuật mã hóa trong IoT; mật mã và điện toán lượng tử; mật mã hậu lượng tử; mật mã và trí tuệ nhân tạo; bảo vệ mật mã dữ liệu sinh trắc học; thiết kế và phân tích các thuật toán và giao thức mật mã.

7. HỘI NGHỊ VNICT 2024

Hội nghị Quốc gia lần thứ 27 “Một số vấn đề chọn lọc về Công nghệ thông tin và Truyền thông” (VNICT 2024) do Viện Công nghệ thông tin - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Nha Trang đồng tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa vào giữa năm 2024, với sự tham gia phối hợp của Câu lạc bộ các Khoa - Trường - Viện Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU).

Hội nghị là diễn đàn thường niên để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác. Hội nghị khuyến khích trưng bày giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ và những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. VNICT 2024 sẽ có 6 tiểu ban báo cáo, bao gồm: An toàn thông tin; cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; khai phá dữ liệu và học máy; công nghệ mạng, điều khiển, tự động hóa; nhận dạng, đa phương tiện và mô phỏng; công nghệ phần mềm và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

8. NGÀY HỘI TRIỂN LÃM AN NINH MẠNG VÀ ĐÁM MÂY CHÂU ÂU

Ngày hội Triển lãm An ninh mạng và đám mây châu Âu (Cyber Security and Cloud Expo Europe) dự kiến được tổ chức từ ngày 01-02/10/2024 tại Amsterdam, Hà Lan. Sự kiện này là một phần của chuỗi sự kiện công nghệ TechEx Europe. Theo ban tổ chức, sẽ có khoảng hơn 150 diễn giả trình bày các tham luận về hệ sinh thái an ninh mạng và đám mây, với các chủ đề chính bao gồm: Zero Trust; phát hiện và ứng phó mối đe dọa; quản lý định danh và truy cập; bảo mật ứng dụng; bảo mật đám mây; bảo vệ dữ liệu; chiến lược khắc phục sự cố; mạng và điểm cuối; quyền riêng tư; khả năng mở rộng an toàn; quản trị và rủi ro. Trong sự kiện này, các phiên và hội thảo sẽ tập trung vào những tiềm năng trong lĩnh vực an ninh mạng và đám mây, khám phá tác động đối với các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày.

9. HỘI THẢO KSE 2024

Hội thảo khoa học quốc tế Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống (KSE) lần thứ 16 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 05-07/11/2024 tại Kuala Lumper, Malaysia. Hội thảo là một diễn đàn quốc tế để các nhà khoa học trình bày và thảo luận các kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tiên tiến nhất trong lĩnh vực Kỹ nghệ Tri thức và Hệ thống - lĩnh vực quan trọng của ngành Công nghệ thông tin. Mục tiêu chính của KSE là tập hợp các nhà nghiên cứu, học viên và sinh viên không chỉ để chia sẻ kết quả nghiên cứu và ứng dụng thực tế mà còn thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực này.

Năm 2023, Hội thảo đã được diễn ra thành công tại Học viện Kỹ thuật mật mã. Trong năm nay, Hội thảo được đồng tổ chức bởi Hiệp hội quản lý Tri thức và Truy xuất thông tin Malaysia (PECAMP) và Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Các chủ đề tại KSE 2024 sẽ bao gồm nhiều chủ đề cấp thiết hiện nay như: Lý thuyết và ứng dụng học máy; xử lý hình ảnh và nhận dạng mẫu; dữ liệu và tổng hợp thông tin; hệ thống tương tác giữa người - máy;… Kỷ yếu tại Hội thảo sẽ được đăng tải thư viện số IEEE Xplore và các cơ sở dữ liệu khác.

10. HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ VCRYPTIS 2024

Với mục đích khẳng định tầm quan trọng của mật mã và an toàn thông tin trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số trong Chính phủ điện tử, đồng thời tạo dựng và phát triển môi trường trao đổi học thuật, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, kết nối hình thành cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ sở đào tạo về mật mã và an toàn thông tin tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia trên thế giới, Hội thảo khoa học quốc tế “Mật mã và An toàn thông tin” lần thứ I (VCryptIS 2024) dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 01-03/12/2024 tại Học viện Kỹ thuật mật mã.

Hội thảo này còn nhằm nêu bật và đánh dấu sự kiện Ban Cơ yếu Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, xây dựng thành công các thuật toán mã khối dân sự với nguyên lý thiết kế, cấu trúc, thành phần mật mã riêng, qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam cũng như Ban Cơ yếu Chính phủ trong bản đồ các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin. Tại VCryptIS 2024, sẽ có 5 nội dung thảo luận và được trình bày, bao gồm: Nền tảng của mật mã học; an toàn ứng dụng; các ứng dụng mới của mật mã; an toàn truyền thông và một phiên đặc biệt về kỹ thuật nghiệp vụ Cơ yếu. Một số bài được đánh giá cao tại Hội thảo sẽ được công bố và xuất bản bởi IEEE Xplore hoặc Springer.

Nguyễn Tuấn Hưng (Đại học Công nghệ Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới