9 mục tiêu chính đảm bảo an ninh mạng trong thời kỳ chuyển đổi số toàn cầu
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đưa con người bước vào một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Kỹ thuật ICT khiến cho chính phủ các nước, mọi ngành nghề được số hóa, trí thông minh hóa. Ngày nay, các nước cần tích cực nắm bắt làn sóng chuyển đổi sang kỹ thuật số, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hiện tại, 156 quốc gia trong tổng số 194 quốc gia trực thuộc Liên Hợp Quốc đã ban hành quy hoạch tổng thể phát triển ICT quốc gia hoặc kế hoạch băng rộng quốc gia. Rất nhiều nước cũng lần lượt ban hành kế hoạch chuyển đổi sang kinh tế số.
Năm 2011, Mỹ đưa ra kế hoạch nhằm nâng cao nâng lực cạnh tranh của ngành chế tạo trong nước, đảm bảo địa vị dẫn đầu trong ngành chế tạo của nước này trên trường quốc tế. Singapore đưa ra kế hoạch quốc gia thông minh (Smart National). Năm 2013, Kenya đưa ra kế hoạch trung và dài hạn lần thứ hai (2013-2017) về phát triển băng rộng quốc gia. Năm 2015, Trung Quốc đưa ra kế hoạch trở thành cường quốc về chế tạo, theo kế hoạch, tới năm 2025, Trung Quốc sẽ bước vào hàng ngũ các cường quốc về sản xuất.
Theo Sách trắng của Huawei được công bố tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019, loài người đang bước vào thế giới của Internet vạn vật (IoT), trí tuệ vạn vật. Tới năm 2025, số lượng thiết bị đầu cuối thông minh cá nhân có thể đạt tới con số 40 tỷ, số lượng kết nối trên toàn thế giới có thể đạt tới con số 100 tỷ, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng đám mây sẽ đạt 85% và tỷ lệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đạt tới 86%. Làn sóng AI sẽ lan tỏa tới mọi ngành, mọi nghề.
ICT đang là bệ phóng để chuyển hướng sang số hóa, trí thông minh hóa. Theo thống kê, cứ mỗi 1 USD đầu tư thêm cho kỹ thuật số sẽ thúc đẩy tăng trưởng thêm 20 USD vào GDP của quốc gia, tỉ lệ thu lợi nhuận của đầu tư dài kỳ cho kỹ thuật số bằng 6,7 lần so với đầu tư phi kỹ thuật số. Đến năm 2025, nền kinh tế số, được hỗ trợ và thúc đẩy bằng công nghệ ICT, có thể đạt quy mô lên tới 23.000 tỷ USD.
Thực tế, cơ hội và thách thức luôn song hành cùng nhau. Các kỹ thuật ICT mới như 5G, IoT, AI, đám mây cho phép chuyển đổi sang kỹ thuật số trên toàn thế giới, đồng thời cũng mang tới nhiều rủi ro cho an ninh mạng trong việc ứng dụng những kỹ thuật mới này.
Ông Mika Lauhde, Phó Chủ tịch phụ trách bảo mật mạng và quyền riêng tư toàn cầu của Huawei, chia sẻ tại Hội thảo: “Khi mọi vật được kết nối cũng là lúc quy mô bị tấn công lớn hơn, dễ bị tổn thương hơn. Việc chia sẻ tài nguyên và các nền tảng mở sẽ khiến ranh giới truyền thống của phòng vệ bị lu mờ đi. Thông tin dữ liệu chi tiết hơn cũng đồng nghĩa với tăng nguy cơ rò rỉ và gây tác hại lớn hơn”.
Ông Mika Lauhde - Phó Chủ tịch phụ trách bảo mật mạng và quyền riêng tư toàn cầu của Huawei phát biểu tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019.
Sách trắng nêu rõ, máy học và AI sẽ tăng cường đối đầu trong việc tấn công và phòng thủ, thông qua AI việc bảo vệ sẽ nhanh chóng kiểm tra các mối đe dọa an ninh mới. Nhưng, các công cụ dùng để tấn công cũng ngày càng trở nên tiên tiến hơn.
Bên cạnh đó, các ngưỡng kỹ thuật thực hiện việc tấn công cũng càng ngày càng thấp, thiết bị đầu cuối trở thành đối tượng tấn công mới, tủ lạnh, robot hút bụi, đồng hồ đo nước, đèn đường cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công tiềm tàng.
Đồng thời, biên giới an ninh mạng truyền thống đã bị phá vỡ, các vị trí vật lý khác nhau và các thiết bị phân tầng mạng sau khi được kết nối mạng, sẽ sản sinh ra càng nhiều điểm tấn công hơn nữa. Đáng chú ý, những kẻ tấn công đã chuyển hướng từ việc trực tiếp lợi dụng những lỗ hổng của thiết bị để tấn công thiết bị sang việc tiến hành các thao tác mô phỏng hợp pháp thông qua các công cụ tự động hóa, tiếp đó là các hình thức mới như lợi dụng thiết bị làm bàn đạp để phát động tấn công.
Cùng với tiến bộ và phát triển không ngừng của kỹ thuật thông tin và mạng lưới viễn thông, nguy cơ và thách thức mà an ninh mạng phải đối mặt cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc xây dựng một bộ khung giải quyết vấn đề an ninh mạng công khai, minh bạch, dễ hình dung sẽ giúp ích cho toàn bộ ngành công nghiệp số tiếp tục phát triển một cách lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của kỹ thuật viễn thông và giúp cho việc giao lưu trao đổi của loài người.
Xu hướng rủi ro an toàn, an ninh mạng
Để đảm bảo an ninh mạng, Huawei cho rằng cần thực hiện 9 mục tiêu chính sau: Hợp tác cởi mở, minh bạch; Chủ động giao lưu, đối thoại; Tuân thủ những quy định pháp luật về an toàn và bảo vệ quyền riêng tư; Kiểm định được công nhận quốc tế; Phản ứng về lỗ hổng an ninh; Nâng cao ý thức và trách nhiệm của nhân viên; Đảm bảo an toàn trong thiết kế, nghiên cứu phát triển và bàn giao dự án; Nghiêm cấm “cửa hậu”, tránh giả mạo và Truy xuất nguồn gốc.
Đại diện của Huawei cho rằng, Phong bế (khép kín) là lỗ hổng lớn nhất, hợp tác là chìa khóa đáng tin cậy, sáng tạo là bức tường lửa tốt nhất, tiêu chuẩn là thước đo đáng tin cậy nhất, sinh thái là tấm lưới bảo vệ tốt nhất. An ninh mạng là cuộc đua marathon không có điểm đích, cần tất cả các bên cùng tích cực ứng phó, tạo dựng nên một thế giới thông minh đáng tin cậy, an toàn, cùng có lợi.
Nguyệt Thu