Tham dự Hội thảo có Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ…, cùng hơn 400 chuyên gia, những người quan tâm về lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT).
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội thảo
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực tại mọi quốc gia trên thế giới nói chung, cũng như Việt Nam nói riêng. Cuộc cách mạng 4.0 được dự báo sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn…. Đồng thời, những tính năng xử lý thông tin sẽ được cải tiến bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 cũng đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức về ATTT, trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng về số lượng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), năm 2016 đã xảy ra 134.000 sự cố cố an ninh mạng - tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Cả VNCERT và Tập đoàn công nghệ BKAV đã cảnh báo mức độ phát triển và lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu (Ransomware) trong năm 2016, khi tỷ lệ email có chứa Ransomware là 1,6/10 email. Điều đáng lo ngại nhất là người dùng Việt Nam vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro mất ATTT.
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (thứ 2 từ phải qua) tham dự Hội thảo An toàn bảo mật 2017
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá: Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học – công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế, trí thức và sự chuyển biến trong chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra nhiều thời cơ mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, cũng đặt ra những nguy cơ thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, các cuộc tấn công mạng, tội phạm sử dụng CNTT - truyền thông tại Việt Nam ngày càng tăng về số vụ, tính chất và mức độ nghiêm trọng. Thực trạng trên đòi hỏi từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức và kỹ năng đảm bảo ATTT mạng, chủ động tăng cường các biện pháp tự bảo vệ, quản lý bảo mật, nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an toàn mạng.
Security World 2017 diễn ra với một Phiên báo cáo chính và hai Chuyên đề, với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo từ các cơ quan chính phủ, các tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực an toàn, bảo mật thông tin.
Phiên báo cáo chính đánh giá về hiện trạng và xu hướng ATTT đang diễn ra hiện nay và đề xuất một số giải pháp ATTT cho các tổ chức và doanh nghiệp, do Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an chủ trì.
Trong phần trình bày tham luận “Tổng quan tình hình an ninh mạng tại Việt Nam năm 2016”,Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an đánh giá:Các thiết bị thông minh đã trở nên phổ biến và quen thuộc, gắn liền với sinh hoạt, học tập, lao động, góp phần quan trọng hình thành xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Chính phủ điện tử đã được triển khai rộng khắp các địa phương, làm giảm nhiều thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Việt Nam đã nỗ lực trở thành quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á triển khai xây dựng thành phố thông minh để tạo môi trường sống tốt hơn. Tuy nhiên, sự phát triển của không gian mạng cũng làm nảy sinh nhiều nguy cơ, thách thức mới đối với an ninh quốc gia cũng như an toàn, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân.
Tham luận “Một số vấn đề cần quan tâm khi bàn về chủ quyền không gian mạng” của ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT; “An ninh, an toàn mạng tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp” của đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an…. cũng đã nêu lên bức tranh chung về ATTT tại Việt Nam năm 2016 và một số giải pháp nhằm đảm bảo ATTT cho các hệ thống.
Buổi chiều đã diễn ra hai phiên hội thảo chuyên đề và các phiên thảo luận.
Chuyên đề đề thứ nhất với chủ đề “Ứng phó rủi ro an ninh mạng và thông tin di động: Tầm nhìn và giải pháp” với nội dung tập trung bàn luận về các hiểm họa an toàn hiện hành cũng như đề xuất những giải pháp tiên tiến giúp các rổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Qua đó, tìm ra các giải pháp bảo mật thích hợp nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro an ninh mạng, cũng như nâng cao uy tín và hiệu quả kinh doanh.
Một số tham luận chính đã được các diễn giả trình bày trong chuyên đề thứ nhất gồm: Sống trong tâm bão APT; Giải pháp phòng ngừa rủi ro mất an toàn thông tin trong môi trường BOYD; Sự cần thiết của phòng thủ các thiết bị đầu cuối; Nhận dạng và ngăn ngừa các hiểm họa mã độc từ các tệp tin....
Chuyên đề thứ hai với chủ đề “An toàn hệ thống thông tin trong thời kỳ hiện nay”, các diễn giả phân tích về việc xác định các nguy cơ và tiếp cận các giải pháp thực tiễn trong việc xây dựng và tăng cường an toàn bảo mật cho hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tham luận được nhiều khán giả quan tâm là
“Hoạt động giám sát an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các mạng CNTT của các cơ quan Đảng, Nhà nước” do PGS. TS Trần Đức Sự, Giám đốc, Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày. Hiện nay, việc triển khai giám sát ATTT trên mạng CNTT trọng yếu của Đảng và Chính phủ là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ. Với hệ thống giám sát ATTT hiện đại và đồng bộ, hiện nay Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng đang triển khai giám sát cho gần 20 mạng CNTT trọng yếu của các cơ quan Trung ương, Bộ ngành và Tỉnh thành. Thông qua hoạt động giám sát, đã giúp phát hiện sớm các các loại tấn công, cảnh báo và ngăn ngừa rủi ro mất ATTT.
Đồng chí Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm CNTT và Giám sát an ninh mạng, trình bày tham luận tại Hội thảo.
Bên cạnh đó là các tham luận trình bày về các giải pháp ATTT như: Giải pháp kiểm thử hệ sinh thái an ninh thông tin; Giải pháp nâng cao khả năng bảo mật cho tổ chức và doanh nghiệp trước các nguy cơ tấn công mạng qua hệ thống in ấn; Bảo mật hệ thống với Công nghệ SDN….
Song song với Hội thảo, đã diễn ra Triển lãm công nghệ bảo mật 2017. Các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu như: Cisco, Microsoft, Huawei, Parasoft, Verint, Palo Alto Networks, Jupiter Networks, MobileIron, Security Box, CMC… giới thiệu những giải pháp và các sản phẩm an toàn thông tin hiện đại, về bảo mật mạng, bảo mật điện toán đám mây, mã hóa dữ liệu lớn, ảo hóa, quản lý nhận dạng và kiểm soát truy cập….
Triển lãm giải pháp và sản phẩm ATTT tại Hội thảo
Trải qua 12 kỳ tổ chức liên tiếp từ năm 2007, Security World đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín tại Việt Nam về lĩnh vực an toàn, bảo mật thông tin. Hội thảo năm nay với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp, tổ chức nắm bắt và đánh giá được các hiểm họa an toàn mạng hiện nay, cũng như đề xuất các phương án ứng phó kịp thời các sự cố ATTT, đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn bảo mật mới.