Chơi Angry Birds cũng có thể bị do thám thông tin cá nhân
Theo tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được công bố trên các tờ báo trên, kể từ năm 2007, NSA và cơ quan tình báo GCHQ của Anh đã cùng hợp tác để tìm cách thu thập các thông tin cá nhân từ các ứng dụng trên điện thoại di động và máy tính bảng.
Tài liệu này cũng cho biết, hai cơ quan này đã tìm cách thu thập các thông tin về địa điểm, các website được truy cập và thông tin liên lạc cá nhân của người dùng từ hàng loạt các ứng dụng mạng xã hội, trò chơi, bản đồ trên điện thoại di động. Những dữ liệu này được thu thập nhờ các kỹ thuật tương tự như các kỹ thuật được dùng để nghe trộm các gói tin internet di động và dữ liệu tin nhắn văn bản. Hiện người ta vẫn chưa xác định chính xác quy mô của vụ việc này.
Bản báo cáo cũng tiết lộ rằng hai cơ quan tình báo của Anh và Mỹ đang ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của số dữ liệu thu được từ các ứng dụng di động. Theo một tài liệu từ năm 2008 của cơ quan tình báo Anh và được dẫn lại trên các tờ báo thì với chương trình do thám chung này “bất cứ ai sử dụng chương trình Google Maps trên một chiếc điện thoại đều đang tiến hành trợ giúp cho một hệ thống của GCHQ”.
Một bản báo cáo khác của GCHQ được đưa ra năm 2012, đã chỉ rõ cách thức mà cơ quan này sử dụng để lấy thông tin của người dùng trò chơi Angry Bird trên các điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android. Cho tới nay, trò chơi này đã đạt được 1,7 tỷ lượt tải về từ những người dùng điện thoại thông minh trên khắp thế giới.
Còn một tài liệu của NSA thì miêu tả về một “mỏ vàng”, nơi các nhà phân tích của NSA có thể thu thập được một lượng thông tin lớn từ các ứng dụng, bao gồm các mạng mà chiếc điện thoại kết nối đến, các tài liệu đã được tải về, các website được truy cập và các “danh sách bạn thân” trên điện thoại. Một số ứng dụng khác được đề cập đến trong các tài liệu vừa được tiết lộ có ứng dụng của website chia sẻ hình ảnh Flickr, mạng xã hội Flixster và các ứng dụng có kết nối tới Facebook.
Trước những cáo buộc này, NSA đã ra thông cáo khẳng định họ không quan tâm tới bất cứ dữ liệu nào ngoài “những mục tiêu tình báo nước ngoài phù hợp”. Bản thông cáo này cũng tuyên bố: “Bất cứ thông tin nào nói rằng việc thu thập thông tin tình báo của NSA tập trung vào điện thoại thông minh hay các giao tiếp truyền thông xã hội của người dân Mỹ là không chính xác”. Còn cơ quan tình báo Anh CGHQ nói rằng họ không bình luận về các vấn đề tình báo, nhưng khẳng định rằng tất cả các hoạt động của mình là “được phép, cần thiết và chính đáng”.
Cũng trong ngày 27/1, Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với năm hãng Internet lớn về việc các hãng này công bố tới công chúng thông tin về những yêu cầu từ NSA và các cơ quan tình báo khác. Google, Microsoft, Yahoo, Facebook và LinkedIn đã từng kiện chính phủ Mỹ về việc họ có quyền tiết lộ cho công chúng các thông tin về các yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan tình báo.