Hà Nội chỉ đạo đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức mình làm đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thông tin, cử cán bộ trực 24/7, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo an toàn thông tin trong suốt thời gian diễn ra kỳ bầu cử, cụ thể là triển khai các nhiệm vụ:
- Tổ chức kiểm tra, rà soát và đánh giá tổng thể về an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, trong đó ưu tiên một số hệ thống như cổng/trang thông tin điện tử, thư điện tử công vụ và các hệ thống trực tiếp có liên quan tới hoạt động bầu cử.
- Nghiêm túc thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về an toàn thông tin (Văn bản số 430/BTTTT- CATTT, ngày 9/2/2015, của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thư điện tử của cơ quan, tổ chức nhà nước; Văn bản số 2132/BTTTT-VNCERT, ngày 18/7/2011, của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho các cổng/trang thông tin điện tử).
- Tận dụng nguồn lực sẵn có để thực hiện giám sát, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.
- Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, kịch bản ứng phó và khắc phục khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, hướng dẫn kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ (tham khảo Tài liệu tuyên truyền và cẩm nang về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức do Cục An toàn thông tin phát hành).
- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet có trách nhiệm rà soát, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động bầu cử của cơ quan, tổ chức nhà nước hiện đang thuê dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý giao Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, của UBND thành phố, chủ động triển khai thực hiện.