Hoa Kỳ - Quốc gia có năng lực không gian mạng hàng đầu trên thế giới (phần 1)
Mối quan hệ giữa năng lực không gian mạng với tiềm lực sức mạnh quốc gia
Tháng 6/2020, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã công bố báo cáo “Đánh giá năng lực mạng và sức mạnh quốc gia”, trong đó đưa ra phương pháp luận và đánh giá cụ thể năng lực của 15 quốc gia (gọi tắt là Báo cáo). Với việc đánh giá khả năng tác động của không gian mạng, Báo cáo có thể giúp ích cho các chính phủ và các tập đoàn lớn trong tính toán rủi ro và đưa ra quyết định chiến lược.
Các quốc gia được đề cập trong Báo cáo gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Australia (4 trong số các đồng minh nhóm tình báo Ngũ Nhãn - Five Eyes); Pháp và Israel (2 quốc gia đồng minh có năng lực mạnh nhất về không gian mạng của nhóm các quốc gia Five Eyes); Nhật Bản (cũng là đồng minh của các quốc gia Five Eyes, nhưng kém năng lực hơn trong các khía cạnh an ninh của không gian mạng, mặc dù có sức mạnh kinh tế); Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên (các quốc gia chính được cho là gây ra mối đe dọa không gian mạng đối với các lợi ích của phương Tây); Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam (bốn quốc gia ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển sức mạnh không gian mạng).
Báo cáo đánh giá năng lực của mỗi quốc gia theo 7 hạng mục: Chiến lược và học thuyết; Quản trị, chỉ huy và kiểm soát; Năng lực tình báo mạng cốt lõi; Ưu thế và sự phụ thuộc vào mạng; An ninh mạng và khả năng phục hồi; Vai trò dẫn dắt toàn cầu trong các vấn đề không gian mạng và Khả năng tấn công mạng.
Báo cáo phân loại năng lực mạng thành 03 cấp: Cấp 1 là Hoa Kỳ; Cấp 2 gồm Australia, Canada, Israel, Nga, Pháp, Trung Quốc và Vương quốc Anh; Cấp 3 gồm Ấn độ, Bắc Triều Tiên, Indonesia, Iran, Malaysia, Nhật Bản và Việt Nam.
Chuỗi bài báo về năng lực không gian mạng sẽ bắt đầu với Hoa Kỳ - Đất nước có mục tiêu chiến lược là thống trị không gian mạng ngay từ năm 1990.
Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có dấu ấn toàn cầu trong việc sử dụng không gian mạng cả lĩnh vực dân sự và quân sự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện vẫn cho rằng mình đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi Trung Quốc và Nga, do đó họ đang thực hiện một cách tiếp cận khẩn cấp để mở rộng khả năng không gian mạng của mình, từ hệ thống an ninh trong nước đến việc thực hiện tham vọng ở nước ngoài trong các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, kinh tế và quân sự.
Hoa Kỳ vẫn giữ được ưu thế so với tất cả các quốc gia khác về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), nhưng đây không phải là vị trí độc quyền. Có ít nhất 06 quốc gia châu Âu hoặc châu Á nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong một số khía cạnh nhất định của lĩnh vực ICT, hầu hết đều là đồng minh hoặc đối tác chiến lược thân cận của Hoa Kỳ ngoại trừ Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng là nước hoạt động hiệu quả trong bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, nhưng nước này cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và vẫn còn những điểm yếu lớn. Đây là lý do vì sao trong hơn 2 thập kỷ vừa qua, Hoa Kỳ giữ vai trò dẫn đầu trong việc huy động các nước xây dựng các nguyên tắc an ninh không gian mạng chung. Khả năng của Hoa Kỳ đối với các hoạt động tấn công mạng cũng phát triển hơn các quốc gia khác, mặc dù tiềm năng đầy đủ vẫn chưa được đánh giá hết.
Thứ nhất: Về chiến lược và học thuyết
Trong hơn 30 năm qua, Hoa Kỳ đã công bố một loạt chiến lược quốc gia về phòng vệ và đảm bảo an ninh không gian mạng, tập trung vào 3 hướng chính là: phòng vệ trong nước, xung đột cường độ thấp và chiến tranh cường độ cao. Những điều này được phản ánh trong “Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ năm 2017”, “Chiến lược Không gian mạng Hoa Kỳ năm 2018” và “Chiến lược Không gian mạng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ năm 2018”. Bên cạnh đó nó còn được bổ sung bởi nhiều tuyên bố chính sách và tài liệu học thuyết khác nhau.
Để bổ sung các chiến lược an ninh quốc gia, từ giữa những năm 1990, Hoa Kỳ đã phát triển chính sách an ninh mạng khu vực dân sự, ban đầu tập trung vào chống tội phạm mạng và ngăn ngừa tổn thất cho khu vực doanh nghiệp. Chiến lược chính thức được công bố năm 2018 và các tuyên bố chính sách, kế hoạch hành động, và các quyết định khác; một loạt lệnh hành pháp được ban hành sau đó, trong đó có sắc lệnh được Tổng thống Donald Trump ký trước khi rời vị trí tổng thống một ngày. Trong suốt 3 thập kỷ qua, ngày càng có thêm nhiều nước quan tâm đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia.
Các bên liên quan chính (gồm doanh nghiệp, giới học giả, chính phủ, cơ quan nhà nước, nhóm lợi ích quốc phòng, vệ binh quốc gia, các nhóm bảo vệ quyền riêng tư) đã hoạt động tích cực để hình thành một phản ứng tổng hợp của quốc gia, bao gồm các thách thức về con người cũng như kỹ thuật nhằm cải thiện an ninh không gian mạng. Mục đích chính tập trung vào việc khắc phục các lỗ hổng dẫn đến rò rỉ bí mật quốc gia, trộm cắp tài sản trí tuệ, ngăn chặn can thiệp của nước ngoài thông qua không gian mạng vào chính trường Hoa Kỳ và tình trạng không đảm bảo an ninh mạng của các lĩnh vực kinh tế và xã hội.
Trong các vấn đề quân sự, Hoa Kỳ đặt mục tiêu có phương án tấn công mạng trong mọi giai đoạn hoạt động và ở mọi cấp chỉ huy. Về mặt phòng thủ, mục đích là đảm bảo hệ thống phòng thủ trên phạm vi rộng, mạnh mẽ và khả năng phục hồi cao. Về cả hai mặt, Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, do mức độ ngày càng phụ thuộc vào kỹ thuật số nên trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, vẫn có khả năng Hoa Kỳ (bao gồm cả quân đội Hoa Kỳ) có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng. Phòng thủ toàn diện trong không gian mạng sẽ khó hoặc có lẽ không thể đảm bảo trong thời chiến.
Chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ đối với không gian mạng trong thời bình và chiến tranh (theo như định hướng của người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ, Tướng Paul Nakasone) là: “đạt được và duy trì ưu thế trên không gian mạng”. Định hướng này phản ánh khá rõ quan điểm của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Chiến lược không gian mạng năm 2018 của Bộ Quốc phòng đã thể hiện chi tiết về định hướng này. Trong đó, Bộ Tham mưu liên quân Hoa Kỳ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn nhằm xác định những hạn chế của năng lực không gian mạng hiện tại trên cả phương diện phòng thủ và tấn công, với quan điểm rõ ràng rằng hoạt động tấn công sẽ tối đa hóa các lợi thế hiện có.
Hoa Kỳ được đánh giá rất cao do đã có kế hoạch tổng thể, chi tiết cho các hoạt động trên không gian mạng, giúp huy động nguồn lực trên cả nước, trong các hoạt động bình thường và cả trường hợp khẩn cấp. Các chính sách và chiến lược mang tính toàn diện, được phổ biến rộng rãi và mang lại hiệu quả. Các cơ quan quan trọng của chính phủ, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, người dân và giới học thuật đang tham gia vào việc phát triển và thực hiện các chiến lược đó. Các chiến lược cũng chỉ ra rằng không gian mạng đang thay đổi nhanh chóng, những phức tạp cần phải khắc phục để khai thác các điểm yếu của đối thủ. Các mối đe dọa mạng liên tục mở rộng chứng tỏ nguy cơ gây rối loạn cao ngay cả khi có quy trình tiên tiến như của Hoa Kỳ.
Một phần quan trọng của chiến lược mạng năm 2018 là Sáng kiến răn đe không gian mạng. Sáng kiến chỉ ra việc Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh trong ứng phó với các cuộc tấn công mạng (bao gồm cả việc chia sẻ thông tin tình báo), tiến hành tấn công mạng chung, các tuyên bố ủng hộ công khai và cùng chịu trách nhiệm. Trong khi Chiến lược không gian mạng quốc gia nêu rằng có nhiều biện pháp trả đũa không liên quan đến không gian mạng, thì Chiến lược không gian mạng của Bộ Quốc phòng năm 2018 lại đề ra vai trò của các hoạt động không gian mạng của Hoa Kỳ trong việc kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia, bao gồm “phòng thủ chủ động để ngăn chặn các cuộc tấn công” và “cạnh tranh liên tục với các nhà mạng đối thủ (gọi là “can dự liên tục”).
Thứ hai: Về tổ chức, chỉ huy và kiểm soát
Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu trong việc thúc đẩy và thực hiện quản trị đa bên về an ninh không gian mạng (các bên cùng chia sẻ trách nhiệm) dựa trên đặc trưng văn hóa, chính trị tự do và sự phản ứng quyết liệt từ phía khu vực doanh nghiệp trước quy định đối với các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực doanh nghiệp đặc biệt liên quan đến bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng vì hầu hết nó nằm trong tay các doanh nghiệp tư nhân. Tính chất liên bang của hệ thống chính trị Hoa Kỳ giao quyền cho 50 Bang, cùng với các tổ chức và cơ quan khác của chính quyền có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh mạng quốc gia, đặc biệt là trong việc chống tội phạm mạng và công tác đào tạo. Quản trị mạng ở Hoa Kỳ mang tính đa nguyên cao.
Trong chính sách không gian mạng của Hoa Kỳ, Tổng thống có nhiều kênh để thực thi quyền hạn của mình như: cộng đồng tình báo, lực lượng vũ trang, các Bộ của nhà nước (Bộ An ninh nội địa, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, Bộ Năng lượng và Bộ Giao thông vận tải) và các cơ quan khác (chẳng hạn như Phòng thí nghiệm quốc gia). Hoạt động của các cơ quan, tổ chức này này đều được điều phối thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), do Tổng thống làm chủ tịch và các “Ủy ban chính” mà chủ tịch là cố vấn an ninh quốc gia.
Đối với an ninh mạng khu vực dân sự, chính quyền liên bang có 2 kênh chính để hoạch định chính sách. Kênh thứ nhất là Nhà Trắng, thông qua chỉ đạo của Giám đốc an ninh mạng dưới quyền NSC. Tổng thống được hỗ trợ trực tiếp bởi Cố vấn An ninh nội địa (dưới quyền Cố vấn An ninh quốc gia) và một phó Cố vấn An ninh quốc gia về an ninh mạng và công nghệ mới nổi. Kênh thứ hai là bên ngoài Nhà Trắng, thông qua Thư ký Bộ An ninh Nội địa (thành viên đầy đủ của NSC) và Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA).
Các cơ quan này dựa vào chính sách đã có từ lâu về việc khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Hội đồng Cố vấn Cơ sở hạ tầng quốc gia của Tổng thống (tập hợp lãnh đạo điều hành cấp cao của khu vực tư nhân, các cơ quan nhà nước và địa phương) có trách nhiệm tư vấn về “cách giảm thiểu rủi ro vật lý và không gian mạng cũng như cải thiện an ninh và khả năng phục hồi của các thành phần hạ tầng quan trọng về an ninh quốc gia. Các cơ quan này đã đưa ra nhiều sáng kiến chiến lược, bao gồm: Trung tâm Phân tích và Chia sẻ thông tin (ISAC), cơ quan đầu tiên được thành lập dưới thời Tổng thống Bill Clinton; Khung đánh giá rủi ro mạng và khả năng phục hồi được DHS và Đại học Carnegie Mellon hợp tác công bố năm 2009; Sáng kiến quốc gia về giáo dục An ninh mạng, một tổ chức thuộc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia thuộc Bộ Thương mại.
Trong chỉ huy và kiểm soát đối với các hoạt động trên không gian mạng của Hoa Kỳ, có thể thấy rõ hai xu hướng chính: Lấp đầy khoảng trống chính sách thông qua việc thành lập các tổ chức, chức vụ mới với một loạt nhiệm vụ và trách nhiệm, Phân cấp quyền hạn cho các hoạt động tấn công. Mục đích là để nâng cao năng lực và hiệu quả của việc phòng thủ và tấn công trong không gian mạng. Hoa Kỳ đã đầu tư nguồn lực tài chính rất lớn cho những thay đổi này. Trong năm 2021, chính phủ đã yêu cầu cấp 18,7 tỷ USD cho các sáng kiến an ninh cụ thể.
Đối với chính sách an ninh quốc gia trên không gian mạng, có nhiều cơ quan, ban ngành tham gia vào việc phân quyền chỉ huy, kiểm soát hoạt động trên không gian mạng. Ngoài Nhà Trắng và Bộ An ninh nội địa, quan trọng nhất là Bộ Quốc phòng, vì nó có Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Bộ Chỉ huy Mạng; Bộ Ngoại giao; Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI), nơi điều phối tất cả các cơ quan tình báo và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), được phép báo cáo trực tiếp Tổng thống bên cạnh phối hợp với DNI.
Đối với việc lập kế hoạch và tác chiến trong lĩnh vực quân sự, hoạt động chỉ huy và kiểm soát phải phù hợp với các hoạt động quân sự. Tổng thống là Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh và Tham mưu trưởng (Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến) phải báo cáo Tổng thống. Theo cơ chế gọi là Cơ quan chỉ huy quốc gia, người đứng đầu có chức năng là Tổng tư lệnh, rồi xuống Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Vào năm 2012, Tổng thống Barack Obama khi đó đã ra lệnh các hoạt động tấn công mạng do quân đội tiến hành phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan và phải được Tổng thống cho phép.
Vào năm 2018, để đối phó với các cuộc tấn công mạng kéo dài vào Hoa Kỳ dưới ngưỡng xung đột vũ trang, Tổng thống Trump đã phê duyệt Sáng kiến răn đe không gian mạng CDI và ký chỉ thị tuyệt mật phân quyền đối với các hoạt động tấn công mạng cho các cơ quan khác nhau trong một số trường hợp nhất định.
Thứ ba: Về năng lực tình báo không gian mạng cốt lõi
Có nhiều bằng chứng cho thấy sự tinh vi, phạm vi rộng và chiều sâu hàng đầu thế giới của năng lực tình báo mạng cốt lõi của Hoa Kỳ. Tập trung vào năng lực mạng trong lĩnh vực quân sự do NSA cầm đầu, năng lực mạng trong lĩnh vực dân sự do CIA lãnh đạo với nhiều hoạt động bí mật ở nước ngoài và Cục Điều tra Liên bang (FBI) phụ trách bảo đảm an ninh mạng nội địa. Năng lực tình báo mạng cốt lõi của Hoa Kỳ được tăng cường hơn nữa thông qua hợp tác với các đối tác tình báo, điển hình là Liên minh Five Eyes. Five Eyes được cho là nhóm hợp tác tình báo quốc tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ còn phối hợp tích cực với các công ty và trường đại học trong khu vực tư nhân để phát triển và đánh giá các công nghệ quan trọng. Trong báo cáo tháng 3/2019 của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia phản ánh cụ thể mức độ tích hợp dân sự và quân sự, giữa nhà nước và tư nhân, đồng thời nêu định hướng mà cộng đồng tình báo có thể thực hiện để thích ứng hoặc khai thác các công nghệ mới. Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ với ngành công nghiệp và trường học trong định hình năng lực tình báo của Hoa Kỳ là rất quan trọng, cả về quy mô, sự tập trung và đầu tư, các quốc gia khác kể cả Trung Quốc cũng không thể sánh bằng. Năng lực tình báo mạng của Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi từ việc tập trung các nguồn lực để tổng hợp và đánh giá thông tin tình báo.
Với nguồn ngân sách 85 tỷ USD cho năm 2021 và sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ cùng với 03 cơ quan tình báo cốt lõi, quy mô và sự phức tạp của cộng đồng an ninh và tình báo Hoa Kỳ nổi tiếng là khó điều phối, thậm chí việc thành lập ODNI (sau sự kiện ngày 9/11) cũng chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề.
Thứ tư: Ưu thế và sự phụ thuộc vào mạng
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia mạnh nhất về năng lực ICT, cho dù được đánh giá trên khía cạnh quy mô nền kinh tế số, vai trò trong đổi mới toàn cầu hay mối quan hệ đối tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật. Nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu đối với lĩnh vực ICT Hoa Kỳ dẫn đến thành công thương mại chưa từng có của các công ty như Apple, Google và Microsoft; điều này đã thúc đẩy họ định hình tương lai của không gian mạng thông qua việc đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Kết quả là mức độ phụ thuộc toàn cầu vào các sản phẩm thương mại và tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ như công nghệ liên quan đến vi mạch, cáp truyền thông dưới biển, vệ tinh truyền thông và điện toán đám mây…. Nhưng ngược lại, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng dân sự của Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào không gian mạng hơn so với hầu hết các quốc gia khác, do đó cũng dễ bị tổn thương hơn.
Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ cá nhân, doanh nghiệp sử dụng Internet và công nghệ di động. Nhu cầu lớn thúc đẩy cải cách trong nước, từ đó lại khiến nhu cầu cao hơn nữa. Nền kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu của Cục Phân tích kinh tế của chính phủ Hoa Kỳ, năm 2018 kinh tế kỹ thuật số đóng góp 9% GDP nước này. Con số này không bao gồm số liệu của các lĩnh vực có doanh thu thứ cấp từ sản phẩm và dịch vụ ICT như lĩnh vực ngân hàng…. Không thể đánh giá toàn bộ sức mạnh trên không gian mạng và nền kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ chỉ bằng cách sử dụng dữ liệu đầu ra ICT truyền thống từ các nguồn tài chính quốc gia cho lĩnh vực ICT. Các lĩnh vực khác của nền kinh tế chẳng hạn như nông nghiệp, ngân hàng và chăm sóc sức khỏe (sử dụng dịch vụ ICT để tạo ra những đổi mới và doanh thu riêng) chưa được đưa vào thống kê quốc gia về lĩnh vực ICT.
Ví dụ, mỗi ngày ở Hoa Kỳ, các giao dịch tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD chỉ có thể được thực hiện nhờ các hệ thống ICT. Một trong những kỹ thuật được ưa chuộng là giao dịch theo thuật toán đối với cổ phiếu, phái sinh và tiền tệ, trong đó các hệ thống ICT được thiết lập sẵn để mua và bán theo các thông số nhất định được xác định trước. Điều này dẫn đến hình thức tạo ra của cải tự động, tốc độ cao mới, biến Hoa Kỳ trở thành trung tâm toàn cầu cho “chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số”. Theo tiêu chí về nền kinh tế kỹ thuật số được G20 thông qua, thì nền kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ chiếm khoảng 60% GDP.
Nhìn chung, Hoa Kỳ có ưu thế đáng kể đối với không gian mạng so với tất cả các quốc gia khác. Một số quốc gia, bao gồm Trung Quốc, muốn cạnh tranh với thành tựu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Trên thực tế, từ năm 2013 đến năm 2016, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc công bố ít nhất 70%, một số trường hợp gần như 100%, bằng sáng chế thuộc nhóm 25 công nghệ mới được OECD xem xét trở thành đại điện của “các công nghệ kỹ thuật số mũi nhọn”. Tuy nhiên, thị phần sản xuất toàn cầu của Hoa Kỳ lớn hơn của Trung Quốc, ngoại trừ hai công nghệ là sắp xếp điều khiển và thiết bị vật liệu hữu cơ.
Thế mạnh của các dịch vụ kỹ thuật số Hoa Kỳ ở chỗ có văn hóa chuyên ngành kỹ thuật sâu rộng và đầu tư cho đổi mới hàng đầu. Nước này có 59 trường đại học nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu toàn cầu theo xếp hạng của Times Higher Education (xem Bảng 1) và hệ sinh thái công nghệ và khởi nghiệp hàng đầu. Theo số liệu, năm 2019 Hoa Kỳ có 65.321 công ty khởi nghiệp được đăng ký, gấp gần chín lần con số ở quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ.
Bảng 1. Danh sách quốc gia sở hữu các trường đại học trong Top 200 toàn cầu theo xếp hạng của Times Higher Education
Đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ cao của Hoa Kỳ là một phần trung tâm của sự thống trị mà không quốc gia nào sánh kịp. Năm 2019, dữ liệu cho thấy tổng vốn đầu tư mạo hiểm ở nước này lớn hơn gấp ba lần so với Trung Quốc (135 tỷ USD so với 40 tỷ USD).
Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thế giới IMD năm 2020, đánh giá khả năng của một quốc gia về “ứng dụng và khai thác các công nghệ kỹ thuật số” trong hệ thống chính phủ, doanh nghiệp và xã hội, Hoa Kỳ ở vị trí thứ 10 và Trung Quốc ở vị trí thứ 20. Theo Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Hoa Kỳ chiếm 68% thị trường so với mức 22% của Trung Quốc (giá trị vốn hóa thị trường của 70 nền tảng kỹ thuật số lớn nhất thế giới). Xét về tỷ trọng trong tổng chi tiêu toàn cầu cho R&D, sử dụng ước tính sức mua tương đương, Hoa Kỳ đứng đầu trong năm 2019, thứ hai là Trung Quốc. Nhìn chung trong hai thập kỷ qua, khoảng cách giữa hai nước ngày càng rộng, đầu tư cho R&D của Hoa Kỳ gần gấp đôi so với Trung Quốc và tác động của tỷ lệ đầu tư R&D này vẫn còn đáng kể cho đến ngày nay.
Lấy đầu tư và kết quả từ nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) như một chỉ số đại diện quan trọng cho ưu thế trên không gian mạng, chúng ta có thể nhận thấy một số xu hướng. Từ năm 2008 đến 2017, lượng vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ vào AI đã vượt xa con số ở Trung Quốc (694 tỷ USD so với 185 tỷ USD). Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm 2018, nhưng cuối năm đó, toàn bộ lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc bị sụt giảm mạnh.
Về mặt nghiên cứu, vào năm 2016, 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ chiếm hai tỷ trọng lớn nhất trong các công bố liên quan đến AI được trích dẫn nhiều, lần lượt là 23% và 15%, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 17% và 12% vào năm 2018. Trung Quốc đã vượt qua cả hai, với tỷ lệ 28% vào năm 2018, trong khi thị phần của Ấn Độ tăng vọt lên 11% (tuy nhiên, cần lưu ý xếp hạng này chỉ thể hiện thành tựu nghiên cứu khoa học hơn là sức mạnh kinh tế, vì các công bố nguồn mở có thể được sử dụng ở bất kỳ đâu, không chỉ ở quốc gia nó được công bố; trong nhiều trường hợp, các nghiên cứu đó có sự tham gia của nhà khoa học nước ngoài, do đó thành tựu khoa học không hoàn toàn thuộc về quốc gia công bố). Nhìn chung, các số liệu thống kê không thể hiện chất lượng và sự năng động của lĩnh vực AI của Hoa Kỳ, như được chứng minh vào năm 2018, chẳng hạn Viện Công nghệ Massachusetts đã thành lập một trường khoa học máy tính đặc biệt nhằm phát triển các nghiên cứu liên quan đến AI cho các bộ phận không chuyên về công nghệ thông tin.
Tháng 2/2019, Tổng thống Trump đã công bố một sáng kiến quốc gia về AI (muộn hơn 2 năm so với Trung Quốc), nói rằng “sự lãnh đạo liên tục của Hoa Kỳ về AI có ý nghĩa nhất định đối với việc duy trì nền kinh tế và an ninh quốc gia cũng như định hình sự phát triển AI toàn cầu theo cách phù hợp với các giá trị, chính sách và ưu tiên của Hoa Kỳ”.
Năm 2020, chính phủ Hoa Kỳ báo cáo rằng họ đang trong lộ trình tăng gấp đôi đầu tư vào AI phi quốc phòng đến năm 2022, bao gồm thông qua việc phân bổ 850 triệu USD cho các hoạt động AI tại Quỹ Khoa học Quốc gia.
Dấu ấn toàn cầu của các công ty ICT và công nghệ cao có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng rất lớn, ví dụ như quyền sở hữu và các thỏa thuận sửa chữa tuyến cáp truyền thông dưới biển trên toàn cầu. Google là chủ sở hữu lớn nhất của các loại cáp dưới biển, các tập đoàn Hoa Kỳ có 36 đại diện trong số 169 thành viên của Ủy ban bảo vệ cáp quốc tế, so với 8 đại diện của Trung Quốc. Hoa Kỳ xác định các điểm đặt cáp ở nước ngoài, bao gồm một số ở Trung Quốc, là một phần của cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên chưa rõ Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc can thiệp vào các công trình lắp đặt đó.
Về khả năng kết nối không gian, Hoa Kỳ vận hành nhiều gấp ba lần số vệ tinh của Trung Quốc (xem Bảng 2). Hoạt động không gian mạng của quân đội Hoa Kỳ phụ thuộc nhiều vào các tài sản không gian của họ vì phần lớn các hoạt động mạng quân sự được thực hiện thông qua không gian bên ngoài, đặc biệt là thu thập thông tin tình báo, đánh giá thiệt hại và xác định mục tiêu.
Bảng 2. Danh sách số lượng vệ tinh của một số quốc gia (tháng 1/2021)
Mỹ cũng chiếm ưu thế trong việc sản xuất chip máy tính (xem Bảng 3), một thành phần thiết yếu trong tất cả các máy tính hiện đại. Đến nay, Hoa Kỳ không chỉ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường toàn cầu mà các công ty của Hoa Kỳ chuyên về thiết kế, sản xuất và kinh doanh sản phẩm bán dẫn chiếm 51% doanh số toàn cầu.
Bảng 3. Thị phần của các ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia trên thị trường toàn cầu năm 2020
Tuy nhiên, tất cả sức mạnh kinh tế kỹ thuật số của Hoa Kỳ dựa vào thị trường toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng (điều này phản ánh trong các khiếu nại của khu vực tư nhân chống lại chính quyền Trump liên quan đến nỗ lực cấm công ty trên khắp thế giới phụ thuộc vào chip máy tính được sản xuất toàn bộ hoặc thậm chí một phần ở Trung Quốc, như một phần của chuỗi cung ứng đa quốc gia). Nhiều công ty công nghệ và viễn thông, bao gồm cả những gã khổng lồ như Intel và Motorola, từ lâu đã phụ thuộc vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc để duy trì mô hình kinh doanh của họ.
(còn tiếp)
Trần Văn Liệu, Nguyễn Như Đức