Hội thảo - triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018
Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng; Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng; ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký VNISA; đại diện một số cơ quan, đơn vị của các Bộ, ban, ngành; các đơn vị tài trợ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và an toàn thông tin (ATTT) trong nước và trên thế giới….
Hiện nay, thế giới đang bước vào thời kỳ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các sản phẩm, dịch vụ thông minh. Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm ATTT sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và cần có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển chung. Đặc biệt, ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. Điều đó được thể hiện trong chủ đề sự kiện: “An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”.
Hội thảo bao gồm Phiên khai mạc toàn thể diễn ra vào buổi sáng, với tham luận chính Báo cáo thực trạng ATTT Việt Nam 2018 và các chỉ số đánh giá ATTT do ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên BCH VNISA trình bày. Theo đó, xu hướng phát triển ATTT mạng trong năm 2018 của Việt Nam đã có những nét chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tốc độ phát triển chưa cao, chỉ số An toàn thông tin VNISA Index đạt mức trung bình (45,6%). Các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam còn yếu trong các khâu tổ chức, quản lý, thực thi chính sách, bồi dưỡng kiến thức và kinh nghiệm bảo đảm ATTT.
Bên cạnh đó, tham luận của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế như Amazon Web Servers, Google, Cisco, Huawei, Jiral, Viettel…. đã trình bày về các vấn đề liên quan tới bảo vệ thông tin người dùng; bảo đảm ATTT cho IoT; điện toán đám mây dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ cho thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Tọa đàm Chuyển đổi số, IoT và Bảo mật dữ liệu
Buổi chiều đồng thời diễn ra 2 phiên hội thảo chuyên đề.
Chuyên đề 1 có chủ đề Chuyển đổi số, IoT và Bảo mật dữ liệu được chủ trì bởi Ông Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ và ông Trần Đăng Khoa, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.
Đáng lưu ý là tham luận “Hoạt động giám sát an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các mạng CNTT trọng yếu của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do ông Võ Văn Hoàng, Phó Trưởng phòng Giám sát An ninh mạng, Trung tâm CNTT&GSANM, Ban Cơ yếu Chính phủ trình bày.
Theo đó, nhằm nâng cao năng lực giám sát, hệ thống giám sát ATTT của Ban Cơ yếu Chính phủ đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo Watson để phát hiện nhanh và chính xác tương quan các sự kiện trong hệ thống mạng, đồng thời khảo sát dữ liệu hành vi người dùng. Trung tâm CNTT&GSANM cũng sử dụng mật mã của ngành Cơ yếu trong việc đảm bảo truyền/tải dữ liệu giữa hệ thống mạng và các thiết bị được bảo mật, nhằm giảm thiểu rủi ro thất thoát dữ liệu. Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều Bộ, ngành, tỉnh, thành phố như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam... nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống mạng của các cơ quan này.
Chuyên đề 2 có chủ đề Công nghệ trí tuệ nhân tạo, Điện toán đám mây và Bảo đảm an toàn thông tin được chủ trì bởi đại diện đến từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Bộ Tư lệnh 86 và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các tham luận nổi bật như: sức mạnh, tiềm năng của tự động hóa quy trình bằng robot và các rủi ro ATTT; xây dựng chính sách ATTT và đánh giá đúng về vai trò của IT là nội dung quan trọng trong Chiến lược ATTT mạng cho doanh nghiệp…
Đặc biệt, lần đầu tiên tại Hội thảo – triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam đã diễn ra Khu vực trình diễn Công nghệ ATTT. Đây là khu vực này dành riêng cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu về ATTT, để giới thiệu các sản phẩm, công cụ mới nhất về ATTT. 18 bài tham luận chuyên sâu đã được trình bày trong không gian mở, tương tác trực tiếp, liên tục với khách mời.
Bên lề Hội thảo là Triển lãm với 25 gian hàng của các Tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, trình diễn các sản phẩm, công nghệ ATTT tiên tiến nhất.
Thảo Uyên