Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ tư về Khủng bố trên mạng toàn cầu

15:34 | 24/10/2007 | AN TOÀN THÔNG TIN
Từ 16 đến 19/10/2007, Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về Khủng bố trên mạng (Cyber – Terrorism) đã được tổ chức tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Đây là Hội thảo lần thứ 4 về khủng bố trên mạng thuộc khuôn khổ ARF. Hội nghị được Hàn Quốc và Philipin đồng tổ chức với sự tham gia của các đoàn đại diện đến từ 24 quốc gia thành viên của ARF.


Các báo cáo tại Hội thảo chia sẻ nhận thức về những hiểm họa hiện hữu cũng như kinh nghiệm, hình thức tổ chức hệ thống các đơn vị cấp quốc gia chịu trách nhiệm xử lý, phòng chống các hiểm họa mạng máy tính nói chung và khủng bố trên mạng nói riêng. Đồng thời, Hội thảo là nơi gặp gỡ, xây dựng và củng cố lòng tin giữa các quốc gia thành viên trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.
Mạng máy tính toàn cầu phổ biến rộng rãi làm cho một thế giới mới với đầy đủ các dịch vụ tiện ích cần có cho cư dân đang hình thành nhanh chóng trên cơ sở các dịch vụ kỹ thuật mạng Internet, mạng truyền thông cung cấp. Thế giới mới gần như không còn có biên giới lãnh thổ, không còn khoảng cách không gian và thời gian. Đó là thế giới “cyber”, xã hội “cyber” hay không gian “cyber”. Những tiện lợi mà thế giới mới mang lại cho chúng ta như báo chí điện tử, thư tín điện tử, ngân hàng điện tử, chợ ảo (bán hàng thật!), chính phủ điện tử… Tuy nhiên, cư dân mạng vẫn là những con người thật, chịu chi phối của các mối quan hệ truyền thống. Trong một thế giới mới, cần thiết phải xây dựng một hình thái quản lý mới có tính đa quốc gia, liên quốc gia để giải quyết vấn đề an ninh, an toàn chung.
Mức độ phát triển của mỗi quốc gia càng cao, các hạ tầng kỹ thuật trọng yếu của xã hội như hệ thống điện lực, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống viễn thông, hệ thống điều khiển giao thông đường bộ, đường sắt, đường không… càng được tích hợp chặt chẽ thành một hệ thống thống nhất trong hệ thống dịch vụ của thế giới mới nói trên. Mỗi quốc gia ngoài việc thống nhất trong giải quyết những vấn đề chung, đều nhận thấy lợi ích của những nỗ lực chống tội phạm trên mạng trong việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu của mình. Trong một thế giới tự động hóa, máy tính hóa, thảm họa sẽ rất nghiêm trọng nếu những hệ thống điều khiển, kiểm soát đó mất an ninh.
Các thế lực đen, tội phạm quốc tế xuyên quốc gia, đa quốc gia đã tìm thấy “mảnh đất” dụng võ mới. Chưa khi nào các phần mềm ác ý, phần mềm gián điệp lại được phát triển, ứng dụng mang tính bùng nổ như thời gian qua. Hàng loạt các vụ tấn công có tính khủng bố đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng đã được phát hiện. Thông tin tại Hội thảo cho thấy các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã lợi dụng tiện ích của mạng toàn cầu để tập hợp lực lượng, huấn luyện nhân viên và tổ chức các vụ khủng bố trong thế giới thực với mức độ, qui mô và sự thảm khốc có phần còn vượt xa thảm họa 11/9 mà nước Mỹ hứng chịu (các vụ việc đã được khám phá và ngăn chặn trước khi chúng diễn ra). Các báo cáo Hội thảo đề cập đến nhiều nghiên cứu cho thấy các hạ tầng trọng yếu của xã hội tích hợp cao độ, đôi khi là rất kém an toàn và chịu ảnh hưởng lớn trước các hiểm họa an ninh mạng.
Tại Hội thảo, các thành viên đã thống nhất kết luận cần thiết phải tổ chức nhóm làm việc chung trên cơ sở tự nguyện xây dựng hệ thống các đầu mối tiếp xúc ở mỗi quốc gia trong cả hai khu vực chính phủ và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trực tuyến liên quan đến khủng bố mạng và chống khủng bố mạng. Nhiều thành viên, trong đó có đoàn Việt Nam, đề nghị cần hình thành, phát triển “văn hóa an ninh mạng” trong cộng đồng cư dân mạng ở các quốc gia trên thế giới.

Hiện tại, Australia và Indonesia đang xúc tiến tổ chức Hội thảo lần thứ 5 về Khủng bố trên mạng trong khuôn khổ ARF vào giữa năm 2008.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới