Khai mạc vòng sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2021
Vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN chính thức bắt đầu
Năm 2021 là năm thứ 14 cuộc thi được tổ chức và là lần thứ 3 mở rộng tới các nước ASEAN. Cuộc thi được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin (ATTT) ở các cơ sở giáo dục và đào tạo bậc đại học; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ATTT; hướng tới phát hiện những tài năng trong lĩnh vực ATTT, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về ATTT và tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường đại học, học viện kỹ thuật trong các nước ASEAN.
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Vũ Quốc Thành, Phó chủ tịch VNISA nhấn mạnh: Có thể nói, đây là cuộc thi về ATTT duy nhất dành riêng cho sinh viên đại học ở khu vực ASEAN cũng như ở châu Á. Cuộc thi được VNISA duy trì tổ chức hàng năm với trách nhiệm xã hội nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực ATTT, thúc đẩy thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Chiến lược an toàn không gian mạng quốc gia; nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của Việt Nam về ATTT theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế. Đây cũng là hoạt động thực tiễn triển khai đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021- 2025 và đề án nâng cao nhận thức, trách nhiệm về ATTT giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch VNISA phát biểu tại lễ khai mạc
“Cuộc thi sẽ truyền thêm cho các em sinh viên – những chuyên gia ATTT tương lai niềm đam mê nghề nghiệp và khao khát chinh phục các thử thách trong cuộc sống. Cuộc thi luôn có sự đổi mới, phát triển để tiếp tục nâng cao quy mô và chất lượng theo hằng năm, trở thành sân chơi hấp dẫn, hữu ích về ATTT thu hút ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực”, ông Thành cho biết.
Sau lễ khai mạc, Cuộc thi chính thức được bắt đầu vào hồi 9 giờ.
Những điểm mới tạo nên sự thay đổi tích cực
Toàn cảnh lễ khai mạc tại điểm cầu Hà Nội
Đặc biệt, vòng thi sơ khảo năm nay được tổ chức trực tuyến, với sự tham gia của 101 đội thi, gồm: 73 đội của 30 trường đại học và học viện Việt Nam và 28 đội thuộc 18 trường của 07 nước ASEAN (Bruney, Indonesia, Malaysia, Myama, Lào, Singapore và Thailan).
Các đội thi sẽ được chia thành 03 Bảng: Bảng VN1 gồm 33 đội thi Việt Nam của các trường khu vực phía Bắc, Bảng VN2 gồm 40 đội thi Việt Nam khu vực Phía Nam và Bảng ASEAN gồm 28 đội của các nước ASEAN.
Tại vòng Sơ khảo, các thí sinh sẽ làm bài thi trong thời gian 8 tiếng. Đề thi được xây dựng theo hình thức “Cướp cờ” (Capture The Flag - CTF), với dạng đề Vượt qua thử thách theo chủ đề (jeopardy), tổ chức dưới mô hình trò chơi chiến tranh, tập trung vào hai kỹ năng tấn công và phòng thủ mạng.
Một điểm mới khác của cuộc thi năm nay là giải thưởng dành cho các đội đạt giải cao tại vòng Chung khảo. Ngoài giải thưởng của Ban tổ chức, đội đạt giải cao sẽ được nhận thêm ưu đãi tham gia các kỳ thi, khóa học về ATTT chất lượng cao, trị giá lên tới hơn 1.000 USD của EC-Council - tổ chức đào tạo về ATTT nổi tiếng thế giới.
Trước đó, vòng Khởi động đã được tổ chức vào sáng ngày 09/10 với hình thức thi trực tuyến trong thời gian 04 tiếng, với mục tiêu giúp thí sinh làm quen với cách thức thi và dạng đề thi.
Tại Vòng thi khởi động đã có sự tham gia của 156 đội thi từ các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng của Việt Nam và Trường thuộc các nước ASEAN. Kết quả cuối cùng có 120 Đội ghi điểm; 11 Đội thi hoàn thành tất cả các bài thi (đều là các Đội của Việt Nam). Trong đó, đội blackpinker của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM là đội đầu tiên hoàn thành phần thi và sớm hơn 1 tiếng so với thời gian quy định.
Mai Hương