Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số
Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA; Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc Phòng); Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và cộng đồng ATTT.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phối hợp của Bộ TT&TT, VNISA và tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã luôn nỗ lực cho công tác phát triển CNTT, trong đó có việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thúc đẩy CNTT phát triển. Trước hết là việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực của đời sống, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để tận dụng cuộc cách mạng này, quan trọng nhất là việc đẩy mạnh phát triển CNTT và phát triển các ngành nghề ứng dụng CNTT.
"Trong phát triển CNTT phải có bảo đảm an toàn an ninh và bản thân an toàn, an ninh thông tin cũng thúc đẩy cho phát triển. Điều này như tôi đã nói xuyên suốt là quan điểm của Việt Nam là chúng ta phải phát triển CNTT, không thể vì lo ngại an toàn, an ninh thông tin mà không dấn bước. Chính vì thế, an toàn, an ninh thông tin cũng phải được phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thế giới và Việt Nam đã và đang bước vào không gian mạng với cuộc cách mạng số, trong đó có nhiều thách thức và cơ hội song hành. Không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau, và vì vậy, có cơ hội để trở thành một thế giới sát cánh bên nhau.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo
Bộ trưởng cho rằng chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, nếu như trước đây, chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trước, thì giờ đây, ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng. Nếu như trước đây khi xảy ra ra sự cố, thì chúng ta cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, chúng ta phải hiểu rằng không ai an toàn một mình trong thế giới mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn, không chia sẻ thì sau chúng ta lại sẽ là một ai đấy nữa bị tấn công tương tự, và sau đó lại là một người tiếp theo, và cứ như vậy. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không, mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta phải thay đổi cách làm, nếu như trước đây, khi đầu tư, chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình, thì giờ đây, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cần đẩy mạnh, thay đổi tư duy và đổi mới hoạt động, giữ vai trò hạt nhân đối với các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng; trở thành cầu nối, sợi dây liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu Khai trương hệ thống chia sẻ và giám sát An toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử
Trong chương trình Hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng một số đại biểu đã chính thức khai trương hệ thống chia sẻ và giám sát An toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử. Hệ thống này được các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV cùng phối hợp xây dựng. Khi đi vào hoạt động, hệ thống này giám sát, phân tích thông tin, từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hệ thống.
Đến nay có 31 bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Hệ thống này đã vận hành thử nghiệp 6 tháng và sau khi chính thức được đi vào hoạt động, hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Trong phiên khai mạc buổi sáng còn có những bài tham luận quan trọng của các đại biểu quốc tế như: “Kinh nghiệm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia” của đại diện ITU; “An toàn thông tin trong phát triển xã hội số” của Ủy ban An toàn, an ninh mạng của Phần Lan....
Vào buổi chiều có hai phiên hội thảo chuyên đề: An toàn, an ninh thông tin để phát triển Chính phủ số; Bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng chống tấn công trên không mạng. Tại hai phiên này đã có khoảng 20 tham luận của các diễn giả được trình bày, trong đó nổi bật là tham luận "Giải pháp cốt lõi trong Giám sát ATTT cho các hệ thống thông tin trọng yếu" do TS. Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) trình bày.
Bên lề Hội thảo là khu Triển lãm với hơn 30 gian hàng của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, ATTT trong và ngoài nước. Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra vòng Chung khảo cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019” và nhiều hoạt động khác.
Ngày An toàn thông tin Việt Nam là sự kiện thường niên lần thứ 12 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Hội thảo thu hút gần 800 đại biểu, với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia CNTT, ATTT của Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về CNTT hàng đầu trên thế giới.