Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, từ một ấn phẩm in ban đầu, đến nay Tạp chí đã có nhiều loại hình ấn phẩm khác nhau: Tạp chí in, Trang thông tin điện tử và Chuyên san khoa học - công nghệ.
Đồng chí Trần Nguyên Bình, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ kiêm Tổng Biên tập Tạp chí An toàn thông tin phát biểu tại Lễ khai trương Trang thông tin điện tử Tạp chí An toàn thông tin (tháng 6/2013)
Những chặng đường phát triển
Giai đoạn năm 2006, an toàn thông tin là một vấn đề còn tương đối mới tại Việt Nam, nên ngay sau khi thành lập Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu chính phủ đã mời nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức có liên quan và chuyên gia khoa học tham gia vào Hội đồng biên tập Tạp chí. Phiên họp Hội đồng biên tập lần thứ Nhất đã quy tụ được nhiều cán bộ chủ chốt của các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin. TS. Trần Nguyên Bình, khi đó là Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm Tổng biên tập đồng thời là Chủ tịch Hội đồng biên tập của Tạp chí. TS. Đặng Vũ Sơn, khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm Phó Tổng biên tập và đồng chí Trần Thị Kim Phượng được giao nhiệm vụ Phó Tổng biên tập chuyên trách và cơ quan trực tiếp tổ chức xuất bản Tạp chí là Vụ Khoa học - Công nghệ của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Sau một thời gian chuẩn bị về nhân lực và điều kiện đảm bảo, đến tháng 7/2006 Tạp chí đã xuất bản và phát hành số đầu tiên và cho đến nay Tạp chí đã xuất bản đều đặn được gần 40 số Tạp chí in với gần 1500 bài viết thuộc nhiều chuyên mục khác nhau.
Ngay từ những số đầu tiên, một trong những định hướng của Tạp chí là tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của ngành Cơ yếu về lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Các chuyên đề của Tạp chí đã kịp thời tuyên truyền cho nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước như: quá trình xây dựng Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị Quyết 36 của Bộ Chính trị... với các tin, bài giới thiệu, phân tích, phản ánh quá trình từ khi xây dựng tới triển khai thực hiện chính sách và các dự án Luật này.
Chuyên mục thông tin về sự kiện - hoạt động của Tạp chí đã đưa tin, phản ánh toàn diện hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin, phản ánh các sự kiện lớn về an toàn thông tin trong nước và thế giới.
Chuyên mục giải pháp - công nghệ là một trong những thế mạnh của Tạp chí, với nhiều bài phân tích sâu sắc của các chuyên gia về nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ bảo mật và an toàn thông tin, về đào tạo nhân lực an toàn thông tin. Những bài viết đăng trên chuyên mục này trong những năm qua đã tạo ra một kho kiến thức khoa học phong phú, có chất lượng về lĩnh vực an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, để tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ bảo mật và an toàn thông tin, chuyên mục sản phẩm - dịch vụ thường xuyên giới thiệu một cách khách quan về các sản phẩm, dịch vụ mới của các tổ chức trong nước cũng như các công nghệ mới trên thế giới.
Ấn phẩm in của Tạp chí được phát hành tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, triển khai ứng dụng trong lĩnh vực an toàn thông tin tại các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương; Lãnh đạo, Thủ trưởng sử dụng Cơ yếu và trong ngành Cơ yếu.
Đến năm 2012, đứng trước những yêu cầu mới về phương thức cung cấp thông tin trong bối cảnh các công nghệ trong lĩnh vực truyền thông phát triển mạnh mẽ. Để mở rộng phương thức hoạt động, khả năng cung cấp thông tin của Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đầu tư cơ sở vật chất để xây dựng Trang thông tin điện tử của Tạp chí. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/6/2013, Trang thông tin điện tử của Tạp chí đã được bấm nút khai trương trước sự chứng kiến của Lãnh đạo một số Bộ, ngành và đại diện nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin (Giấy phép số 1056/GP-TTĐT ngày 02/08/2012 của Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử).
Các đại biểu và khách mời tham dự buổi Lễ khai trương Trang thông tin điện tử Tạp chí An toàn thông tin chụp ảnh kỷ niệm (19/6/2013)
Việc ra đời Trang thông tin điện tử đã đánh dấu một bước phát triển mới của Tạp chí An toàn thông tin. Cùng với ấn phẩm in, Trang thông tin điện tử của Tạp chí đã góp phần mở rộng nội dung và phạm vi phục vụ thông tin của Tạp chí. Những nội dung của Tạp chí có thể đến được với đông đảo bạn đọc trên Internet. Tạp chí đã từng bước hình thành kho nội dung thông tin điện tử chuyên sâu về văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, sách, kỷ yếu hội thảo.... trong lĩnh vực an toàn thông tin để cung cấp cho bạn đọc.
Đến năm 2015, để phát huy vai trò của Tạp chí trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - phát triển và đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giao cho Tạp chí nhiệm vụ tổ chức xuất bản Chuyên san “Nghiên cứu Khoa học - Công nghệ trong lĩnh vực An toàn thông tin” bằng tiếng Việt và tiếng Anh (ấn phẩm kỳ II của Tạp chí). Đây là ấn phẩm mang tính học thuật khoa học, nhằm tạo một diễn đàn trao đổi và công bố các kết quả nghiên cứu, triển khai trong lĩnh vực an toàn thông tin. Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã thành lập Ban biên tập Chuyên san, thu hút các nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực toán học, điện tử - viễn thông và an toàn thông tin tham gia xây dựng ấn phẩm. Chuyên san khoa học đã được Lãnh đạo Ban Cơ yếu chính phủ hết sức quan tâm. TS. Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trực tiếp là Trưởng Ban biên tập. Sau một thời gian chuẩn bị, với sự đóng góp của nhiều cán bộ khoa học trong và ngoài ngành Cơ yếu, năm 2015, số đầu tiên của Chuyên san đã được phát hành. Đây là một bước khẳng định vai trò của Tạp chí trong hoạt động nghiên cứu - triển khai về ATTT và tạo điều kiện để Tạp chí từng bước hội nhập quốc tế.
Đồng hành cùng các hoạt động ATTT
Cùng với việc tổ chức xuất bản các ấn phẩm, với trách nhiệm là cơ quan truyền thông của ban cơ yếu Chính phủ, Tạp chí đã tham gia vào nhiều hoạt động của ngành Cơ yếu và các hoạt động trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin tại Việt Nam:
Cán bộ Tạp chí An toàn thông tin dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các cơ quan báo chí Bộ Nội vụ (năm 2009)
- Tuyên truyền, quảng bá để góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của các cơ quan, tổ chức về chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động của ngành Cơ yếu; Kịp thời tuyên truyền, phản ánh về các sự kiện quan trọng của Ngành và các cơ quan, đơn vị trong ngành Cơ yếu.
Đồng chí Hoàng Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ (đứng thứ 5 từ bên phải sang) dự Lễ ký thỏa thuận hợp tác về đảm bảo an toàn thông tin giữa Trung tâm CNTT&GSANM và Tạp chí An toàn thông tin (tháng 1/2015)
- Tham gia và kịp thời tuyên truyền, quảng bá cho một số nhiệm vụ chính trị của Ngành như: Xây dựng nhiều hình thức truyền thông cho quá trình triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; triển khai giám sát an toàn thông tin cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu, quản lý mật mã dân sự và đào tạo nhân lực về an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan báo chí, truyền thông trong lĩnh vực an toàn thông tin trên cả nước, ngay từ khi đi vào hoạt động, Tạp chí đã tham gia tích cực, hiệu quả nhiều hoạt động trong lĩnh vực ATTT có quy mô toàn quốc.
Trong suốt quá trình từ năm 2007 đến nay, Tạp chí là đầu mối của Ban Cơ yếu Chính phủ tham gia và truyền thông cho chuỗi Hội thảo cấp quốc gia hàng năm về An ninh - bảo mật Security World và có nhiều đóng góp tích cực trong thành công của các kỳ Hội thảo; tham gia bảo trợ truyền thông cho các Lễ trao giải CIO/CSO hàng năm; Tham gia Hội đồng bình chọn Giám đốc Công nghệ thông tin/ An toàn thông tin Đông Nam Á tiêu biểu năm 2015.
Là một trong những thành viên sáng lập của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam từ năm 2007. Lãnh đạo Tạp chí tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội trong cả hai nhiệm kỳ. Tạp chí đã tham gia tích cực trong chuỗi sự kiện Ngày An toàn thông tin do Hiệp hội ATTT Việt Nam tổ chức hàng năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tuyên truyền cho cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin” và các đợt bình chọn sản phẩm ATTT chất lượng cao do Hiệp hội ATTT Việt Nam tổ chức.
Đồng chí Trần Nguyên Bình, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ kiêm Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin tham gia Ban chấp hành Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam lần thứ Nhất (tháng 1/2007)
Đồng thời, Tạp chí còn có mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin, truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... và các tổ chức, doanh nghiệp khác.
Từng bước trưởng thành
Trải qua 10 năm xây dựng, đội ngũ cán bộ của Tạp chí ngày càng trưởng thành và vững vàng về phẩm chất chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ của Tạp chí đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ của Ban Cơ yếu Chính phủ từ năm 2006 đến nay; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ban Cơ yếu Chính phủ như: Luật Cơ yếu, Luật An toàn thông tin mạng và một số nghị định, thông tư hướng dẫn và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mật mã.
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên được giao, trong 10 năm qua Tạp chí còn thực hiện nhiều nhiệm vụ phát sinh đột xuất, cấp bách. Trong mọi tình huống, với bất kỳ nhiệm vụ được giao, cán bộ của Tạp chí luôn sẵn sàng, với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo không ngừng, cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ năm 2014, Tạp chí An toàn thông tin đã trở thành tổ chức trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ (theo Nghị định 09/2014/NĐ-CP, ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ). Việc trở thành đầu mối độc lập trực thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ là dấu mốc quan trọng, là cơ hội để Tạp chí có điều kiện phát triển xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời với thay đổi mô hình tổ chức, đồng chí Tổng biên tập Tạp chí được bổ nhiệm, cơ sở vật chất của Tạp chí cũng được Ban Cơ yếu Chính phủ quan tâm đầu tư thích đáng. Tháng 8/2014, Kế hoạch tổng thể phát triển Tạp chí An toàn thông tin đến năm 2020 đã được Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phê duyệt, là căn cứ và định hướng để Tạp chí phát triển trong những năm tới.
Một yếu tố góp phần quan trọng vào những thành công của Tạp chí trong những năm qua là sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức và các cộng tác viên. Đội ngũ cộng tác viên của Tạp chí ngày càng được mở rộng và có sự gắn kết chặt chẽ. Đến nay, Tạp chí đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ATTT, trong nhiều học viện, nhà trường, các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ, các hiệp hội, doanh nghiệp.... Quá trình đồng hành, hợp tác gắn bó, có hiệu quả giữa Tạp chí An toàn thông tin với các tổ chức, các cán bộ quản lý, chuyên gia trong cả nước đã hỗ trợ, mở rộng phạm hoạt động của Tạp chí trong cộng đồng CNTT và ATTT.
Mười năm qua, Tạp chí đã khẳng định được vai trò và uy tín của cơ quan báo chí chuyên ngành an toàn thông tin trong cộng đồng công nghệ thông tin - truyền thông trên cả nước. Sắp tới, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng Tạp chí trở thành một cơ quan báo chí hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin tại Việt Nam, đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của một cơ quan báo chí, truyền thông của ngành Cơ yếu, góp phần bảo đảm nhu cầu thông tin về bảo mật và an toàn thông tin của xã hội, có khả năng hội nhập với hoạt động báo chí trong khu vực và quốc tế, Tạp chí An toàn thông tin sẽ tiếp tục chặng đường mới với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thử thách.
Để có được những bước trưởng thành ngày hôm nay, Tạp chí An toàn thông tin đã luôn có sự tin tưởng, quan tâm sâu sắc, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Ban, sự hợp tác, giúp đỡ chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cả nước, đặc biệt là các thành viên Hội đồng biên tập, Ban biên tập chuyên san và đông đảo cộng tác viên, bạn đọc của Tạp chí. Sự quan tâm, giúp đỡ và tin tưởng của các cơ quan, tổ chức và đông đảo bạn đọc là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để Tạp chí tiếp tục nỗ lực đạt những thành công mới trong chặng đường sắp tới.