TRỰC TIẾP: Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019
Sau nhiều giờ tranh tài quyết liệt, vòng Sơ khảo đã khép lại với kết quả như sau:
Khu vực miền Bắc:
- Giải nhất: đội Just ∫du It!, đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Giải nhì (3 giải): KMA PeBois (Học viện Kỹ thuật mật mã), Nupakachi (Đại học Bách khoa Hà Nội) và z3r0_night (Đại học FPT).
- Giải ba (5 giải): Y45uno và JWT (Học viện an ninh nhân dân), ADSL (Đại học Bách khoa Hà Nội), PTIT.hub (Học viện công nghệ BCVT) và Kurisutina (Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Khu vực miền Trung:
- Giải nhất: ISIDTU, Đại học Duy Tân.
- Giải nhì (2 giải): ISIDTU 2 và ISIDTU 3 (Đại học Duy Tân).
- Giải ba (2 giải): BKDN_SSW (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và QBU (Đại học Quảng Bình).
Khu vực miền Nam:
- Giải nhất: đội UIT-BEAN, đại học CNTT - Đại học Quốc gia TPHCM.
- Giải nhì (3 giải): noobiens (Đại học Bách khoa TP. HCM), H2DP (Học viện Bưu chính viễn thông - TP. HCM) và UIT-Mak3.1t.Happ3nd (Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP. HCM).
- Giải ba (5 giải): Sneife (Đại học Bách khoa TP. HCM), Viroots (Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM), PowerOfFriendship (Học viện Bưu chính viễn thông - TP. HCM), UIT-Ghost.ist (Đại học CNTT - Đại học Quốc gia TP. HCM) và LOSABLE (Đại học Bách khoa TP. HCM).
Ban Tổ chức trao Giải nhất tại khu vực miền Bắc cho đội Just ∫du It!
Ban Tổ chức trao Giải nhì cho 3 đội tại khu vực miền Bắc
Ban Tổ chức trao Giải ba cho 5 đội tại khu vực miền Bắc
17:45 - Nhà vô địch vòng sơ khảo gọi tên Just ∫du It!
Đứng đầu toàn bảng xếp hạng là đội Just ∫du It! với 5051 điểm. Thông tin chi tiết sẽ được Tạp chí An toàn thông tin cập nhật sau ít phút nữa.
Đội Just ∫du It!, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
17:40 - 5 phút cuối của cuộc thi
Tại khu vực miền bắc, đã có sự hoán đổi thứ hạng các đội trong Top 5. Cụ thể, z3r0_night, Y45uno và JWT bất ngờ tăng hạng với số điểm lần lượt là 860, 760 và 760.
17:30 - 15 phút cuối của cuộc thi
Top 3 của cuộc thi lần lượt lộ diện: Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Kỹ thuật Mật mã và Đại học Bách Khoa Hà Nội.
17:15 - Không có sự thay đổi về thứ hạng
Bà Trần Thị Kim Phượng, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết, tính đến nay, theo giấy mời của Bộ TT&TT đã có 7 nước ASEAN phản hồi tham gia vòng Chung khảo. Để triển khai Cuộc thi quy mô cấp khu vực, VNISA đã tiến hành chuẩn bị từ tháng 5/2019, cụ thể:
Thứ nhất, về nguồn lực, VNISA và Cục ATTT đã kêu gọi các đơn vị đồng hành tiếp tục tham gia như VNPT, Viettel, VN Airline.
Thứ hai, để chuẩn bị cho các đội quốc tế, Ban tổ chức tài trợ hoàn toàn chi phí di chuyển, sinh hoạt 3 ngày tại Hà Nội.
Thứ ba, Ban tổ chức đã xây dựng website ngôn ngữ tiếng Anh, nhằm giới thiệu các thông tin liên quan tới vòng thi Chung khảo để các đội quốc tế có thể nắm bắt thông tin. Sau vòng thi Sơ khảo, Ban tổ chức sẽ có hướng dẫn liên quan cụ thể đến đề thi và hướng dẫn quy chế thi cho các đội, đặc biệt là các đội quốc tế lần đầu sang Việt Nam thi đấu.
16:45 - Đội Just ∫du It! chạm một tay vào chiếc cup vô địch
Dường như, đội Just ∫du It! đã chạm một tay vào chiếc cup vô địch, bảo vệ thành công 3 năm liên tiếp vô địch vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với ATTT. Với 5284 điểm, Just ∫du It! nâng số điểm cách biệt hơn 3300 điểm. Các đội Top 5 chỉ duy trì mức điệp từ 1000 - 1900 điểm.
16:25 - Thông báo tắt bảng điểm sau 20 phút
Để tăng tính hấp dẫn, Ban tổ chức sẽ tiến hành tắt bảng điểm trong 1 tiếng trước khi cuộc thi kết thúc. Như vậy, website thông báo điểm thi của các đội sẽ không hiển thị công khai qua Internet. Tuy nhiên, Tạp chí An toàn thông tin sẽ theo sát và cung cấp thường xuyên diễn biến kết quả cho Quý bạn đọc.
Đội Sneife đến từ Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. HCM
16:00 - Học viện Kỹ thuật mật mã từng bước rút ngắn khoảng cách
Không chỉ đội KMA PeBois, các đội thi trong Top 5 đang dần rút ngắn khoảng cách với đội đầu bảng Just ∫du It!. Hiện tại, KMA PeBois chỉ cần 1500 điểm để giành vị trí đầu bảng. Theo các chuyên gia, việc tập trung giải các bài có ít đội giải thành công là bí quyết để tạo sự cách biệt về điểm số.
Bày tỏ sự quan tâm đến lĩnh vực ATTT, ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng VNPT IT chia sẻ, trong những năm gần đây, VNPT rất quan tâm tới lĩnh vực ATTT, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực. Vì VNPT xác định, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo ATTT, cũng như nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ ATTT trong nước, khu vực ASEAN và châu Á Thái Bình Dương. Để đạt được mục tiêu đó, VNPT tập trung vào đầu tư cho ATTT về hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó Giám đốc Trung tâm An ninh mạng VNPT
Năm 2018, VNPT đã tổ chức thành công cuộc thi VNPT Security Marathon dành cho sinh viên, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông qua cuộc thi, VNPT có thể tìm ra các bạn sinh viên tài năng để trao học bổng, tuyển dụng, thực tập hoặc tham gia vào các dự án của Tập đoàn trong lĩnh vực ATTT.
Năm nay là lần đầu tiên VNPT có cơ hội đóng góp công sức của mình cho cuộc thi Sinh viên với ATTT với quy mô quốc tế. Ngay khi cuộc thi kết thúc, VNPT sẽ triển khai các chương trình như Fresher, cộng tác viên và có trả lương. Các bạn sinh viên với năng lực tốt có thể được chọn để tham gia vào các dự án của Tập đoàn cũng như tham gia trực tiếp vào việc đảm bảo ATTT cho chính phủ điện tử.
15:30 - Chỉ còn 2 giờ cho 3 thử thách chưa được giải
Sha, CryptLoker và Curl-me 2 là các thử thách chưa tìm được flag. Trong những giờ cuối cùng, các đội thi cần nỗ lực hơn nữa và đưa ra chiến lược đúng đắn để được tham dự vòng Chung khảo.
Dự kiến, vòng Sơ khảo sẽ chọn ra 10 đội vào vòng Chung khảo để thi cùng các đội đại diện của một số nước trong khu vực ASEAN (dự kiến 06 đội). Cụ thể: 02 đội có thứ hạng cao nhất của từng khu vực thi và 04 đội có thứ hạng cao còn lại theo bảng xếp hạng. Lưu ý, cơ sở đào tạo của mỗi trường tại từng khu vực có không quá 02 đội được lựa chọn vào vòng Chung khảo.
15:15 - Sự trở lại của cái tên gạo cội: Học viện Kỹ thuật mật mã
Trong 15 phút qua, Đội KMA PeBois, Học viện Kỹ thuật mật mã đã bứt phát đứng thứ 2 toàn quốc, bằng việc giải thành công liên tiếp 2 thử thách curl-me 1 và append.
Các vị trí từ thứ 2 đến thứ 6 đang theo sát nhau và có thể thay đổi trong một vài phút tới. Tuy nhiên, cách biệt giữa đội đầu bảng Just ∫du It! đang là quá lớn so với đội thứ 2 KMA PeBois (cách 2.600 điểm) và đội thứ 3 UIT-Mak3.1t.Happ3nd (cách biệt 2964 điểm).
Đội thi KMA PeBois đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã
14:50 - Sự cố về thử thách mail-me
Một sai xót nhỏ trong đề thi, thử thách mail-me được bổ sung thêm captcha và đổi flag trong mã nguồn. Rất nhanh nhạy, đội Just ∫du It! đã giải thành công thử thách, nâng tổng số điểm lên 3977 điểm, cách xa đội xếp thứ 2 3000 điểm. Các đội thi cần theo dõi kênh hỗ trợ để nhận được các thông báo quan trọng và giải lại các thử thách khi có thay đổi.
Một điểm đáng lưu ý của cuộc thi năm nay là có sự tham gia đáng ghi nhận của các thành viên nữ. Vượt qua khó khăn, cuộc chơi vốn chỉ dành cho nam sinh viên trở nên náo nhiệt hơn bởi 10 cô gái đến từ các đội thi.
14:30 - Mở 02 gợi ý cho thử thách dịch ngược
Gợi ý của thử thách 0day Hunter
Ban tổ chức chính thức cung cấp gợi ý cho 2 thử thách dịch ngược. Ngay sau khi nhận được gợi ý, đội Just ∫du It! đã giải thành công thử thách 0day Hunter đầu tiên. Điều này đồng nghĩa với việc, Just ∫du It! giành trọn 1000 điểm, nâng tổng số điểm lên 3076. Just ∫du It! đang từng bước củng cố vững chắc thêm ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn.
Năm nay, tài trợ chính của cuộc thi ngoài Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), còn có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Trưởng ban Công nghệ thông tin, Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhận định, các tổ chức/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, ATTT gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực. Không những vậy, để tìm được nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp là rất khó, thậm chí, các doanh nghiệp phải tìm kiếm nhân lực lẫn nhau. Việc đồng hành cùng Cuộc thi Sinh viên với ATTT phần nào thể hiện sự quan tâm của Vietnam Airlines tới lĩnh vực ATTT trong giai đoạn hiện nay. Cuộc thi không những tạo sân chơi bình đẳng, nâng cao trí tuệ, nhận thức của các bạn sinh viên với ATTT nói riêng mà còn nâng cao nhận thức của xã hội nói chung. Thông qua cuộc thi, Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng có thêm cơ hội để tuyển được nhân lực có tài năng về an toàn thông tin.
14:00 - Vắng bóng z3r0_n1ght tại Top 3 toàn quốc
Đương kim vô địch toàn quốc năm 2018, đội z3r0_n1ght của Trường Đại học FPT gây bất ngờ đối với người hâm mộ. Đã qua một nửa thời gian của vòng Sơ khảo, nhưng z3r0_n1ght chỉ duy trì hạng 9 toàn quốc và hạng 7 tại khu vực với 372 điểm.
Đội z3r0_n1ght, Đại học FPT tham dự vòng Sơ khảo 2019
13:45 - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh độc chiếm Top đầu khu vực miền Nam.
Hai đội Sneife và noobiens của trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh thay phiên giữ vị trí đầu trong suốt 2 giờ qua, với số điểm tương ứng là 957 và 760.
Tính tới thời điểm hiện tại, các thử thách ở kỹ năng dịch ngược chưa được đội nào giải đáp thành công. Để thực hiện được thử thách này, các thành viên cần có kiến thức về ngôn ngữ bậc thấp và thành thạo các công cụ dịch ngược như IDA.
Toàn cảnh cuộc thi khu vực miền Nam
13:30 - Cơ hội nghề nghiệp mở rộng tại Viettel
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí An toàn thông tin: Được biết đây là năm thứ 12 liên tiếp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đồng hành cùng Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin. Ông có thể cho biết lý do tại sao Viettel lại có sự gắn bó lâu dài với cuộc thi? Tập đoàn có chính sách đặc biệt nào về tuyển dụng nhân sự các bạn sinh viên có thành tích tốt ở cuộc thi này?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel phát biểu tại Lễ khai mạc
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết, Viettel luôn làm việc với tiêu chí “việc gì khó sẽ ưu tiên làm trước”, “chưa ai làm Viettel sẽ làm”. Ông cho rằng ATTT là một ngành hẹp, trên thực tế vẫn chưa thu hút được sự quan tâm xứng đáng. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, Viettel đã đồng hành cùng Hiệp hội An toàn thông tin để góp phần thúc đẩy nguồn nhân lực về ATTT. Tại Viettel, ngành công nghiệp an ninh mạng là một trong năm trụ cột chính trong quá trình phát triển của Tập đoàn.
Hiện nay, có rất nhiều tổ chức/doanh nghiệp về ATTT có các chính sách tuyển dụng tốt đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Viettel cũng có chính sách ưu tiên cho các bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư từ những cuộc thi này có cơ hội được thực tập ở Viettel. Tại đây, các bạn sinh viên sẽ được định hướng, tham gia các khóa đào tạo ngành hẹp hơn về mã độc hay nghiên cứu ứng dụng. Để khi ra trường, cùng với kết quả mà Viettel đào tạo làm nền tảng, các bạn sinh viên có thể làm việc được ngay với mức thu nhập tốt, có thể trở thành nhân lực chính của ngành.
Ông Tuấn cũng nhận định, mức lương trung bình trong ngành ATTT dao động từ 1500-3000 USD. Các bạn sinh viên có năng lực tốt mới ra trường hoàn toàn có thể đạt mức lương 1500 USD - mức lương được cho là đáng mơ ước trong lĩnh vực CNTT. Hiện nay, nguồn nhân lực ATTT đang thiếu rất nhiều, các tổ chức/doanh nghiệp đều sẵn sàng mạnh tay để có được nhân lực trình độ cao, đáp ứng nhu cầu công việc.
13:15 - 5/11 thử thách được giải thành công
Với tổng cộng 11 thử thách thuộc 4 kỹ năng (khai thác lỗ hổng, dịch ngược, điều tra số và mã hóa), đề thi năm nay giảm về số lượng nhưng vẫn được phân chia thành các mức độ từ dễ đến khó. Điều này nhằm đảm bảo mỗi đội thi phải nâng cao trình độ, tập trung vào lĩnh vực mà mình nghiên cứu thì mới có thể giải quyết tất cả các thử thách đề ra. Năm thử thách được giải thành công là: append, base, pentest, sanity check và enzote.
Đội kma poseczone, Học viện Kỹ thuật mật mã (khu vực phía nam)
12:30 - Đội Just ∫du It! bị giảm điểm thi
Nguyên nhân của việc này là do các đội khác đã giải được các thử thách mà Just ∫du It! giải thành công. Mặc dù vậy, Just ∫du It! vẫn duy trì thứ hạng đầu với 1867 điểm.
Đại diện Ban giám khảo cho biết, các đội thi cần lưu ý về sự thay đổi điểm số khi giải các thử thách. Cụ thể, khi đội 1 giải được thử thách T1 và lúc đó có tất cả s1 đội giải được T1 thì điểm cho các đội giải được T1 được tính theo công thức đề ra.
Sau đó, đội 2 giải được thử thách T1 và lúc đó có tất cả s2 đội giải được T1 (s2>s1) thì điểm cho các đội giải được T1 được tính lại và điểm của đội 1 có thể bị giảm.
11:45 - Đại học Bách khoa TP. HCM giữ vững vị trí đầu khu vực miền Nam.
Từ 10:21, đội noobiens của Đại học Bách khoa TP. HCM giữ vững ngôi vị đầu bảng bằng việc giải thành công 2 thử thách Sanity check và Eznote. Số lượng các thử thách giải thành công của các đội khu vực miền Nam chưa nhiều. Trong đó, 27/32 đội chỉ giải được 01 thử thách duy nhất.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức phát biểu tại Lễ khai mạc
Chia sẻ về tình hình an toàn thông tin hiện nay, ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức cho biết, nguy cơ mất an toàn thông tin mạng diễn biến đang ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn, hậu quả để lại ngày càng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết và triển khai nhiều Đề án, chương trình nhằm phòng, chống và giải quyết hậu quả của các sự cố mất an toàn thông tin.
Ông cho biết, Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin năm nay có điểm đổi mới. Đặc biệt là về quy mô tổ chức, đã vượt qua khỏi biên giới quốc gia. Vòng Chung khảo sẽ có sự tham gia của đại diện một số nước trong khu vực ASEAN. Về số lượng, năm 2019 ghi nhận số lượng đội thi tham gia đông nhất với 71 đội đến từ 31 trường trong cả nước.
Để vòng thi Sơ khảo đạt kết quả tốt nhất, ông Tô Hồng Nam bày tỏ mong muốn các thí sinh nghiêm túc tuân thủ thể lệ cuộc thi, thi đấu với tinh thần cao thượng. Ban giám khảo làm việc công tâm, minh bạch, đảm bảo cho các thí sinh yên tâm làm bài. Ông Tô Hồng Nam cũng cổ vũ các bạn sinh viên không chỉ thi đua với các đội bạn mà còn vượt qua chính mình, để giành được điểm thi tối đa.
11:30 - Đội Just ∫du It! vươn lên dẫn đầu
Với 1695 điểm, đội Just ∫du It! đứng đầu toàn quốc, cách biệt 135 điểm so với đội thứ 2 Nupakachi đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Việc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong Top đầu là điều không nằm ngoài dự đoán của Ban tổ chức. Theo thống kê, Trường Đại học Công nghệ là đương kim vô địch vòng Sơ khảo khu vực phía bắc 2 năm liên tiếp (2018, 2017). Không những vậy, 2 trên 4 thành viên của đội Just ∫du It! hiện đang thực tập và làm việc tại một số công ty an ninh mạng uy tín của Việt Nam.
11:15 - Thay đổi hệ thống tính điểm
Hệ thống tính điểm đã được Ban tổ chức cập nhật. Theo đó, điểm số của mỗi thử thách sẽ giảm về 100 (điểm số tối thiểu), khi có từ 10 đội hoàn thành thử thách đó trở lên. Bên cạnh đó, thời gian của bảng điểm đã được cập nhật theo thời gian thực.
11:00 - Khu vực miền trung không có sự biến động về điểm số
Bảy đội thi tại khu vực miền trung đều đã ghi điểm bằng việc giải thành công thử thách Sanity Check. Tuy nhiên, điểm số của các đội không có sự biến động sau 1 giờ thi.
Tại cuộc thi năm nay, khi các đội giải thành công mỗi thử thách sẽ được Ban tổ chức tặng 01 bóng bay. Hành động này nhằm tạo sự đổi mới, giảm căng thẳng trong quá trình thi. Đặc biệt, tại Đà nẵng bóng bay được thay bằng cờ. Đến 10:03 tất cả các đội đều có sở hữu 02 cờ.
Cờ đã được treo tại tất cả các đội tại khu vực miền Trung
10:40 - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 1001 điểm.
Bằng việc giải được 2 thử thách Sanity check và Ezonte, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã vươn lên dẫn đầu toàn quốc. Đồng số điểm là 2 trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các chuyên gia dự đoán, cuộc thi sẽ diễn ra màn rượt đuổi tỷ sổ giữa các trường: Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học CNTT (Đại học Quốc gia TP. HCM), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học FPT....
10:20 - Thông báo của Ban Tổ chức về một số quy định
Theo thông báo của Ban tổ chức, flag của mỗi thử thách có định dạng svattt{flag_here}. Các thí sinh cần tham gia kênh hỗ trợ chính thức (#svattt2019) trên máy chủ Freenode (irc.freenode.net) trong suốt quá trình thi để kịp thời nhận các thông báo quan trọng từ Ban tổ chức.
Bên cạnh đó, các đội thi cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, cụ thể:
- Nghiêm cấm tấn công từ chối dịch vụ vào hạ tầng của cuộc thi hoặc các đội thi khác;
- Không thực hiện tấn công vét cạn flag;
- Không chia sẻ các flag/ cách giải/ gợi ý với các đội thi khác hoặc bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào;
- Không sử dụng thiết bị di động trong phòng thi và tự ý kết nối mạng không dây;
- Chỉ được phép rời khỏi vị rí khi được sự đồng ý của Ban giám khảo.
Bất kỳ đội chơi nào vi phạm các quy định trên đều có thể bị loại khỏi cuộc thi.
09:55 - Đội KMA PoSecZone đã ghi điểm số đầu tiên
Đội thi đến từ Học viện Kỹ thuật mật mã cơ sở phía Nam đã ghi điểm số đầu tiên bằng việc giải thành công thử thách Sanity check. Điều này đồng nghĩa với việc, đội KMA PoSecZone đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc. Ngay sau đó, 62 đội thi đã ghi điểm bằng việc giải thành công thử thách này.
Tuy nhiên, Quý độc giả lưu ý do sự cố từ bảng điểm, thời gian gửi flag đang chậm hơn so với thời gian thực tế 7 giờ đồng hồ.
09:45 - Cuộc thi bắt đầu diễn ra
Vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019 thu hút sự tham gia của 31 cơ sở đào tạo trong nước với 71 đội thi. Trong đó, tại miền Bắc có 32 đội (13 trường), miền Trung có 07 đội (4 trường) và miền Nam có 32 đội (14 trường). Đây là năm có số đội thi tham gia nhiều nhất từ trước đến nay.
Danh sách các đội tham dự khu vực miền Bắc
Danh sách các đội tham dự khu vực miền Trung
Danh sách các đội tham dự khu vực miền Nam
08:15 - Khai mạc vòng sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019
Vòng thi Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN năm 2019 được diễn ra đồng thời tại 3 địa điểm: Hà Nội (tại Học viện Kỹ thuật mật mã), TP. Đà Nẵng (tại Đại học Duy Tân) và TP. Hồ Chí Minh (tại Đại học Quốc tế Sài Gòn).
Cuộc thi thường niên Sinh viên với An toàn thông tin được tổ chức nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng và nâng cao nhận thức về ATTT cho sinh viên các Học viện, trường Đại học, qua đó khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, dạy - học và nâng cao nhận thức về ATTT trong các nhà trường. Đây là năm thứ 12 cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin được tổ chức tại Việt Nam và là năm đầu tiên mở rộng ra khu vực ASEAN.
Tại khu vực miền Bắc, tham dự Lễ khai mạc có ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VNISA, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT; Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục ATTT, Bộ TT&TT; ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã - đại diện đơn vị đăng cai.
Toàn cảnh Lễ khai mạc tại miền Bắc
Tại khu vực miền Trung, Lễ khai mạc có sự tham dự của ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng; ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc VNPT IT khu vực 3; ông Nguyễn Tấn Thắng Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy tân - đại diện đơn vị đăng cai.
Toàn cảnh Lễ khai mạc tại miền Trung
Tham dự tại khu vực miền nam có ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam; bà Văn Thị Thiên Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cùng đại diện các nhà tài trợ tại khu vực phía nam.
Toàn cảnh Lễ khai mạc tại miền Nam
Thể lệ cuộc thi Vòng Sơ khảo Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2019 được diễn ra với hình thức “Cướp cờ” (Capture The Flag - CTF) theo chủ đề (jeopardy). Nội dung bao gồm các thử thách thuộc 4 kỹ năng: khai thác lỗ hổng (web, phần mềm hệ thống), dịch ngược, điều tra số và mã hóa. Các đội thi được cấp tài khoản và kết nối tới máy chủ có cài đặt thử thách để đưa ra đáp án (flag). Điểm của các thử thách trong mỗi vòng thi không cố định, thay đổi linh động theo số lượng đội giải thành công thử thách đó. Có 3 mức độ thử thách: dễ, trung bình và khó. Cụ thể: 1. Mỗi thử thách có số điểm ban đầu cố định. 2. Càng nhiều đội giải được thử thách, điểm của thử thách đó càng giảm cho đến khi đạt mức điểm tối thiểu. 3. Công thức tính: |
Phòng Biên tập Tạp chí điện tử