Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên đầu tiên

14:00 | 21/09/2018 | AN TOÀN THÔNG TIN
Sáng ngày 20/9/2018, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động tại phiên họp lần thứ nhất. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng đã khẳng định việc thành lập Ủy ban là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ nhiệm kỳ này để xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trước đây. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các Ủy viên của Ủy ban bao gồm: Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FPT.

Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất là trong vòng 7 năm tới sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, thay vì vị trí thứ 6 trong ASEAN và vị trí thứ 88 trong 193 nước và vùng lãnh thổ như hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh VGP/Quang Hiếu)

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sáng 20/9, các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ về xây dựng Chính phủ điện tử và kỳ vọng, thời gian tới, sẽ có chuyển biến tích cực.

“Đối với một dự án nền tảng cho Chính phủ điện tử thì không nên 'người người chỉ đạo, nhà nhà làm' như vừa qua mà nên một người chỉ đạo, một số ít các doanh nghiệp lớn làm thì mới nhanh, mới bảo đảm sự thống nhất, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin”, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng góp ý.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, vấn đề quan trọng là thể chế, chính sách và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm giúp Thủ tướng để Chính phủ ban hành nghị định về chia sẻ dữ liệu. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng để ban hành nghị định về lưu giữ hồ sơ điện tử.

Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin giữa Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Cần đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Đây được xem là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Cũng tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết:

- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc trong lĩnh vực chính phủ điện tử;

- Khung hợp tác về xây dựng chính phủ điện tử giữa VPCP và Ngân hàng thế giới tại Việt Nam;

- Quy chế phối hợp trong công tác phát triển chính phủ điện tử giữa VPCP và Bộ TTTT;

- Quy chế phối hợp trong công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin giữa VPCP và Ban CYCP.

Theo Quy chế phối hợp giữa VPCP và Ban CYCP, Ban CYCP sẽ bảo đảm, bảo mật thông tin, xác thực chữ ký và tham gia phối hợp về công tác bảo đảm an toàn thông tin cho chính phủ điện tử và Văn phòng chính phủ điện tử.

Kết luận phiên họp, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu tối đa các ý kiến, rà soát, bổ sung những vấn đề mới, xác đáng để tạo nên sức sống, tính thực tiễn cao trong tổ chức thực hiện các giải pháp về phát triển Chính phủ điện tử.

Lê Quang Tùng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới