Vật lý lượng tử nhúng trong xác thực bảo mật

17:10 | 19/12/2014 | AN TOÀN THÔNG TIN
Một nhóm các nhà khoa học Hà Lan đã đề xuất giải pháp bảo mật mới cho thẻ tín dụng và hộ chiếu điện tử sử dụng sức mạnh "không thể hack"của vật lý lượng tử.

Trong một báo cáo nghiên cứu (http://www.opticsinfobase.org/) có tiêu đề “Xác thực an toàn lượng tử của một khóa vật lý đa tính” (Quantum-secure authentication of a physical unclonable key), các nhà khoa học làm việc các trường đại học ở Twente và Eindhoven (Hà Lan) gồm: Sebastianus Goorden, Marcel Horstmann, Allard Mosk, Boris Skoric và Pepijn Pinkse đã mô tả  chứng minh bằng thực nghiệm về xác thực an toàn lượng tử (Quantum Secure Athentication - QSA) của một khóa đa phát tán cổ điển (a classical multiple scattering key). Khóa này được chứng thực bởi phương pháp đặc biệt dựa trên các đặc tính của photon ánh sáng. Nguyên lý lượng tử ánh sáng ngăn cản kẻ tấn công khôi phục đặc tính xung ánh sáng, vì vậy, không thể giả lập khóa bằng kỹ thuật số ngay cả khi tất cả các thông tin về khóa được công khai. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, có thể sử dụng một dải hạt nano và photon trên thẻ tín dụng, thẻ ID và hộ chiếu để xác thực người dùng với một mô hình độc đáo được cho là không thể bẻ (crack) khóa.   

Báo cáo này đã được giới chuyên môn quan tâm khi mà đã có lo ngại rằng, vật lý lượng tử có thể làm suy yếu công nghệ an toàn thông tin hiện có. Trong đó, điển hình là sự ra đời của thuật toán Shor (được phát triển bởi các nhà khoa học Peter Shor)  được sử dụng kết hợp với một máy tính lượng tử có thể bẻ khóa chương trình mã hóa trong thuật toán khóa công khai, như RSA chẳng hạn, chỉ trong vài phút.  

Các chuyên gia nhận định, những nỗ lực của các nhà khoa học trong ứng dụng vật lý lượng tử để cải thiện an toàn thông tin cho thấy, máy tính lượng tử có thể là một vấn đề đối với an toàn, nhưng chính ứng dụng vật lý lượng tử cũng tạo ra câu trả lời cho những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chuyên gia đánh giá, công nghệ mã hóa dựa trên ứng dụng vật lý lượng tử khá gọn gàng, khóa lượng tử có khả năng tự bảo vệ và chống lại được cả tấn công vét cạn (brute-force). 
Người ta cũng kỳ vọng công nghệ mã hóa lượng tử khả thi và xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên thị trường công nghệ an toàn thông tin.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới