VCRIS 2024 – Hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin

11:00 | 05/12/2024 | AN TOÀN THÔNG TIN
Trong 02 ngày 03 - 04/12/2024, tại Học viện Kỹ thuật mật mã, đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về mật mã và an toàn thông tin lần thứ nhất (VCRIS 2024). Đây là một diễn đàn học thuật, một sự kiện quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin, thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực này.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

VCRIS 2024 do Ban Cơ yếu Chính phủ bảo trợ và được tổ chức bởi Học viện Kỹ thuật mật mã cùng các đơn vị: Tạp chí An toàn thông tin (ISJ); Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU); Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM); phối hợp với Đại học Lorraine Pháp và Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST).

Đến tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; các hệ Cơ yếu cùng một số thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành Công nghệ thông tin và đại diện Lãnh đạo của các Trường Đại học, Học viện đào tạo hàng đầu về mật mã và an toàn thông tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS, TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo VCRIS 2024 chia sẻ: “Hội thảo VCRIS 2024 được kỳ vọng là nơi kết nối và hình thành cộng đồng các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu và tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở trong và ngoài nước về lĩnh vực Mật mã và An toàn thông tin. Đây sẽ là một diễn đàn học thuật, nơi thúc đẩy năng lực sáng tạo, bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ. Tại Hội thảo, các nhà khoa học sẽ trình bày những thành quả học thuật, được lắng nghe những ý kiến phản biện và được trao đổi với các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới về ứng dụng của mật mã và an toàn thông tin trong thực tiễn”.

GS, TS. Nguyễn Hiếu Minh, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS, TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam, kiêm Trưởng ban chương trình đã có trình bày về mục tiêu và chủ đề của VCRIS 2024. Theo đó, VCRIS 2024 sẽ thúc đẩy một nền tảng trao đổi học thuật quốc tế, hỗ trợ xây dựng một cộng đồng nghiên cứu sôi động trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin thông qua việc hợp tác giữa các trường đại học, các chuyên gia và nhà khoa học cả trong nước và quốc tế.​

PGS, TS Bùi Thu Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký FISU Việt Nam, kiêm Trưởng ban chương trình đã có trình bày về mục tiêu và chủ đề của VCRIS2024

Đặc biệt, Hội thảo có 05 báo cáo mời đến từ các diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin như:

GS. Edgar Weippl, Đại Học Vienna, Áo với báo cáo có chủ đề: “Exposing Network Vulnerabilities: Security Insights form Tor, VoWiFi, and Cellular Networks”. Những kết quả nghiên cứu này không chỉ cung cấp phương pháp mới để phát hiện và giảm thiểu rủi ro mà còn đóng góp vào sự hiểu biết sâu sắc về các nguy cơ an ninh trong hệ thống mạng hiện đại.

GS. Kwangjo Kim, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc chia sẻ về chủ đề: “SOLMAE: Faster and simpler quantum-safe signature based on NTRU-lattices”. Báo cáo của GS. Kwangjo Kim không chỉ mang lại các giải pháp kỹ thuật tối ưu mà còn mở ra những hướng đi mới cho việc phát triển các hệ thống mật mã an toàn trước thách thức của công nghệ lượng tử.

GS. Sylvain Guilley, Công ty Secure-IC, Pháp với báo cáo có chủ đề: “Secure Implementation of Post-Quantum Cryptography”. Báo cáo đã làm rõ mối tương quan giữa yêu cầu chứng nhận và hiệu quả triển khai, giúp cải thiện độ tin cậy cho các ứng dụng mật mã trong môi trường phức tạp.

GS. Jean-Yves Marion, Đại học Lorraine, Pháp với báo cáo có chủ đề: “A Comprehensive View of the Malware Ecosystem is Essential”. Đây là một đóng góp quan trọng, giúp định hình và phát triển các hệ thống phòng thủ hiện đại, đáp ứng hiệu quả trước các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.

TS. Nguyễn Bùi Cương, Ban Cơ yếu Chính phủ, Việt Nam, chia sẻ về chủ đề: MKV: “A New Block Cipher of Vietnam for the Post-Quantum Cryptography Transition”. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam nói chung, Ban Cơ yếu chính phủ nói riêng xây dựng tiêu chuẩn mật mã riêng, đáp ứng nhu cầu bảo mật trong thời kỳ chuyển đổi hậu lượng tử.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 bài báo khoa học chất lượng từ các nhà nghiên cứu và học giả uy tín trong nước và quốc tế. Sau quá trình phản biện chặt chẽ và khách quan do Ban Chương trình thực hiện, hơn 30 báo cáo xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trình bày tại hai phiên chuyên đề của Hội thảo. Các báo cáo tại Hội thảo đã cung cấp những đóng góp khoa học có giá trị nền tảng, đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu mới nhằm giải quyết những bài toán phức tạp trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin.

Sự thành công của VCRIS 2024 không chỉ là dấu mốc quan trọng đối với ngành mật mã và an toàn thông tin, mà còn là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của nền khoa học công nghệ Việt Nam, đồng thời củng cố vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Hội thảo cũng mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ nghiên cứu sinh trẻ, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học.

Với thành công của VCRIS 2024, hy vọng rằng các sự kiện tiếp theo sẽ tiếp tục phát huy vai trò kết nối các nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu và các tổ chức trong nước và quốc tế, tạo ra những bước đột phá trong lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới