Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Apple và Meta tại thị trường châu Âu

10:00 | 26/12/2024 | CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
"Gã khổng lồ" công nghệ Apple vừa có động thái công kích đối thủ Meta, cáo buộc Meta liên tục đòi hỏi quyền truy cập vào các công cụ phần mềm cốt lõi, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư người dùng. Cuộc đối đầu giữa hai "ông lớn" này đang ngày càng nóng lên tại thị trường châu Âu.

Theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) mang tính bước ngoặt của Liên minh châu Âu (EU), Apple phải cho phép các đối thủ cạnh tranh và nhà phát triển ứng dụng tương tác với các dịch vụ của họ, nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Tuy nhiên, Apple cho rằng, việc đáp ứng những yêu cầu của Meta có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư và bảo mật của người dùng.

Báo cáo của Apple nêu rõ, kể từ khi DMA có hiệu lực vào năm 2023, Meta đã đưa ra 15 yêu cầu tương tác, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, nhằm có quyền truy cập sâu rộng vào hệ thống công nghệ của Apple. Theo Táo khuyết, nhiều yêu cầu của Meta "đang tìm cách thay đổi chức năng theo cách làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật của người dùng và dường như hoàn toàn không liên quan đến việc sử dụng thực tế các thiết bị bên ngoài của Meta, chẳng hạn như kính thông minh Meta và Meta Quest".

Công ty này nêu rõ: "Nếu Apple phải chấp nhận tất cả những yêu cầu này, Facebook, Instagram và WhatsApp có thể cho phép Meta đọc trên thiết bị của người dùng tất cả tin nhắn và email của họ, xem mọi cuộc gọi điện thoại mà họ thực hiện hoặc nhận, theo dõi mọi ứng dụng mà họ sử dụng, quét tất cả ảnh của họ, xem các tệp và sự kiện lịch của họ, ghi lại tất cả mật khẩu của họ, và hơn thế nữa".

Apple cũng viện dẫn các khoản tiền phạt về quyền riêng tư mà Meta phải trả tại châu Âu trong những năm gần đây như một lý do để lo ngại. Meta chưa đưa ra phản hồi chính thức về những cáo buộc này.

Tối 18/12, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan giám sát cạnh tranh của EU - đã công bố những phát hiện sơ bộ về vấn đề này. Ủy ban đã đưa ra các biện pháp dự kiến để đảm bảo Apple tuân thủ DMA, cho phép các cá nhân, công ty và tổ chức đưa ra phản hồi đến ngày 9/1.

Các biện pháp này bao gồm việc yêu cầu Apple cung cấp mô tả rõ ràng về các giai đoạn, thời hạn và tiêu chí đánh giá các yêu cầu tương tác từ nhà phát triển; cung cấp cập nhật thường xuyên và trao đổi phản hồi với các nhà phát triển về hiệu quả của các giải pháp tương tác; thiết lập một cơ chế hòa giải công bằng và khách quan để giải quyết các bất đồng kỹ thuật; đảm bảo khả năng tương tác với tất cả các chức năng của tính năng thông báo iOS cho các thiết bị của Apple và các đối thủ.

Quyết định cuối cùng của EC về việc Apple có tuân thủ các quy định về khả năng tương tác của DMA hay không dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng 3/2025.

Cũng theo quy định của DMA, từ ngày 28/12/2024, các thiết bị điện tử, bao gồm smartphone, máy tính bảng, máy ảnh... phải được trang bị cổng USB-C khi đưa vào thị trường EU. Yêu cầu này là một phần của "giải pháp cổng sạc chung" được thông qua vào năm 2022 nhằm giảm lãng phí, cắt giảm rác thải điện tử từ các loại phụ kiện và giúp thuận tiện hơn cho người dùng khi họ có thể sử dụng một bộ sạc cho nhiều thiết bị khác nhau. Điều này buộc Apple phải từ bỏ cổng Lightning độc quyền của hãng và chuyển sang sử dụng cổng sạc USB-C cho các sản phẩm của mình, bắt đầu từ dòng iPhone 15 ra mắt năm ngoái.

Ngoài yêu cầu về cổng sạc, EU còn đưa ra nhiều yêu cầu khác với các sản phẩm của Apple như hỗ trợ NFC của bên thứ ba hay cho phép cài đặt kho ứng dụng thay thế. Hầu hết các thay đổi này chỉ được Apple áp dụng riêng tại thị trường EU trong khi vẫn giữ nguyên sản phẩm ở các thị trường khác.

P.T

Tin cùng chuyên mục

Tin mới