Alibaba ra mắt công cụ dịch thuật AI vượt trội, thách thức Google và ChatGPT

10:00 | 27/10/2024 | DOANH NGHIỆP
"Gã khổng lồ" thương mại điện tử Alibaba vừa giới thiệu phiên bản nâng cấp của công cụ dịch thuật trí tuệ nhân tạo (AI) Marco MT, với khả năng vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ như Google, DeepL và ChatGPT.

Alibaba khẳng định Marco MT đã được kiểm chứng bởi Flores, một khung đánh giá tiêu chuẩn về dịch thuật và có khả năng dịch thuật chính xác, tự nhiên, đặc biệt là khả năng nắm bắt ngữ cảnh văn hóa và thuật ngữ chuyên ngành.

Ông Kaifu Zhang, Phó Chủ tịch Alibaba International cho biết, Marco MT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) độc quyền của Alibaba là Qwen, hiện hỗ trợ 15 ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn,....

“Chúng tôi muốn Macro MT hỗ trợ những người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử của mình, giúp họ cải thiện doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận. Khi người bán thành công thì nền tảng cũng sẽ phát triển tốt hơn”, ông Zhang chia sẻ với CNBC.

Lần đầu tiên Alibaba giới thiệu ra công chúng một công cụ dịch thuật AI là vào giai đoạn mùa thu năm 2023. Kể từ đó đến nay, hơn 100 triệu danh mục sản phẩm đã được dịch thuật thông qua công cụ này, theo tiết lộ của công ty. Tương tự như các dịch vụ AI khác, mức phí cơ bản của công cụ này phụ thuộc vào lượng văn bản được dịch.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, Phó Chủ tịch Alibaba International Kaifu Zhang không tiết lộ chi phí của phiên bản AI mới, nhưng cho biết nó sẽ được tích hợp trong các gói dịch vụ dành cho người bán muốn mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Ông giải thích, dịch thuật theo ngữ cảnh giúp nâng cao khả năng thuyết phục và khuyến khích khách hàng đưa ra quyết định. “Giải pháp dịch thuật mới sẽ mang đến trải nghiệm mua sắm tốt hơn. Khách hàng và người bán sẽ có thể bắt đầu trải nghiệm công cụ này kể từ tuần lễ sự kiện Double 11 - lễ hội mua sắm 11/11 thường niên của Alibaba”, ông Zhang cho biết.

Alibaba kỳ vọng Marco MT sẽ được sử dụng rộng rãi tại các thị trường mới nổi, châu Âu và châu Mỹ. Theo ông Kaifu Zhang, trong số 20 quốc gia có lượng người dùng công cụ AI của Alibaba.com tích cực nhất, hơn một nửa là thuộc các nước đang phát triển.

Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các ứng dụng như Temu của PDD Holdings, Shein và TikTok của ByteDance đã nhanh chóng vươn ra toàn cầu. Bên cạnh đó cũng ngày càng có nhiều người bán Trung Quốc kinh doanh trên Amazon.

Đơn vị quốc tế của Alibaba bao gồm các nền tảng AliExpress và Lazada, trong đó Lazada chủ yếu nhắm đến khu vực Đông Nam Á. Trong quý kết thúc vào tháng 6, doanh thu của đơn vị này tăng 32% và đạt 4,03 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, doanh thu của các nền tảng nội địa như Taobao và Tmall lại giảm 1% xuống còn 15,6 tỷ USD. Dù tập trung vào thị trường Trung Quốc, nhưng ứng dụng Taobao cũng khá phổ biến tại Singapore. Vào tháng 9, Taobao này đã ra mắt phiên bản tiếng Anh có hỗ trợ AI cho người dùng tại đảo quốc sư tử.

Các nhà phân tích Nomura dự đoán, doanh thu quốc tế của Alibaba sẽ tăng khoảng 29% trong quý kết thúc vào tháng 9, đồng thời mức lỗ hoạt động cũng sẽ thu hẹp lại. Tuy nhiên, Alibaba vẫn chưa công bố thời gian phát hành chính thức báo cáo lợi nhuận quý 3/2024.

Gia Minh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới