ASML hủy các đơn hàng sang Trung Quốc theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ
ASML đã xin được giấy phép xuất khẩu ba loại máy in thạch bản cực tím (DUV) cao cấp sang Trung Quốc cho đến tháng 1/2024 khi quy định mới của Hà Lan có hiệu lực. Tuy nhiên, quan chức Mỹ đã tiếp cận ASML để yêu cầu họ dừng ngay lập tức số lô hàng định giao cho khách hàng Trung Quốc.
Theo Bloomberg, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ - Jake Sullivan trao đổi với chính phủ Hà Lan về vấn đề này cuối năm 2023 nhưng quan chức Hà Lan đề nghị phía Mỹ liên lạc trực tiếp với ASML. Sau đó, lô hàng chứa một số máy móc đã bị hủy theo yêu cầu của Mỹ, dù không rõ bao nhiêu thiết bị bị ảnh hưởng.
ASML xác nhận chính phủ Hà Lan đã thu hồi một phần giấy phép cho việc vận chuyển một số máy in thạch bản sang Trung Quốc, ảnh hưởng đến số ít khách hàng ở đại lục. ASML không nêu rõ khách hàng nào sẽ nhận máy, nhưng khách hàng của họ tại Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) và những khách hàng khác như các công ty Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Nhà sản xuất Dianlu và United Nova Technology.
Mỹ bắt đầu gây sức ép lên ASML từ năm 2019 khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính phủ Hà Lan cấm bán máy in thạch bản siêu cực tím (EUV) cao cấp nhất sang Trung Quốc. ASML là công ty duy nhất trên thế giới làm được công nghệ này, vốn dùng để sản xuất bán dẫn trong mọi thứ từ smartphone đến vũ khí quân sự tinh vi.
Đến thời Tổng thống Biden, chính phủ Hà Lan siết chặt kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc vào năm 2023, cấm bán máy in DUV 0 sản phẩm hiện đại thứ hai sau EUV từ ngày 1/1/2024. Trung Quốc đã gấp rút tích trữ máy in DUV từ đó tới nay.
Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, từ tháng 7 đến tháng 11/2023, kim ngạch nhập khẩu máy in thạch bản của Trung Quốc tăng hơn 5 lần, lên 3,7 tỷ USD. Trung Quốc chiếm gần một nửa doanh số ASML trong quý ba năm ngoái, so với 24% của một quý trước đó và 8% ba tháng đầu năm 2023. Tháng 10/2023, CEO ASML Peter Wennink cho biết các lệnh hạn chế xuất khẩu mới sẽ ảnh hưởng tối đa 15% doanh thu của hãng tại Trung Quốc.
Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp ngành in thạch bản nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chất bán dẫn tự lực. Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) là nhà sản xuất máy in thạch bản duy nhất được biết đến trong nước, mặc dù nó được đánh giá là xếp sau ASML và các công ty cùng ngành của Nhật Bản. Tháng trước, một trong những cổ đông của SMEE (Tập đoàn Zhangjiang) thông báo rằng công ty đã phát triển thành công máy in thạch bản 28nm trên tài khoản WeChat của mình, điều này sẽ đánh dấu một bước đột phá cho công ty và Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó họ đã rút lại bài đăng mà không nêu rõ lý do.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này kêu gọi Hà Lan “tôn trọng các nguyên tắc thị trường” một ngày sau khi ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu đối với việc vận chuyển một số thiết bị của họ sang Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đề nghị Hà Lan tôn trọng các nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện các hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và các công ty của họ cũng như duy trì sự ổn định chuỗi cung ứng của thị trường quốc tế.
Hà Chi