Phỏng vấn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam

11:00 | 15/08/2024 | DOANH NGHIỆP
Công nghệ Blockchain hiện nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Tạp chí An toàn thông tin phỏng vấn ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam để cùng nghe ông chia sẻ cũng như nhận định về tình hình phát triển của công nghệ Blockchain trong thời gian tới.

1. Phóng viên Tạp chí ATTT: Ông có những nhận định và đánh giá thế nào về tình hình phát triển của công nghệ Blockchain trong năm 2024?

Ông Phan Đức Trung: Trong năm 2024, xu hướng ứng dụng Blockchain sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn ở các lĩnh vực quan trọng như Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), mã hóa tài sản thực (RWA), công nghệ ZKP, DePIN và đặc biệt là sự hình thành khung pháp lý ở nhiều thị trường quan trọng nhằm quản lý lĩnh vực này một cách chặt chẽ, minh bạch.

1. Xu hướng thúc đẩy CBDC mà dẫn đầu là Trung Quốc, được đánh giá sẽ có những bước chuyển biến quan trọng trong năm 2024. Từ những ứng dụng thuộc phạm vi hẹp trong cộng đồng mật mã tới những ứng dụng mang tính toàn cầu trong công nghệ sổ cái phân tán (DLT) và trở thành tiền tệ được lưu hành chính thức của một số quốc gia. Năm 2024, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và nhiều quốc gia đã và đang tích cực thử nghiệm trên hệ thống CBDC bán buôn, CBDC bán lẻ và CBDC xuyên biên giới.

2. Xu hướng mã hóa tài sản thực (Real World Asset - RWA) trở nên ngày càng phổ biến và được chấp nhận trên diện rộng. Theo báo cáo của Boston Consult Group, ước tính đến năm 2030, giá trị RWA sẽ chiếm tới 10% tổng GDP toàn cầu, đạt mốc 16.000 tỷ USD.

3. Zero-Knowledge Proof (ZKP), tạm dịch “chứng minh không tiết lộ thông tin” là công nghệ mới mẻ nhằm giải quyết bài toán minh bạch quá mức của Blockchain mà vẫn đảm bảo việc xác minh thông tin đáng tin cậy, đảm bảo quyền riêng tư, không thu thập thông tin người dùng.

4. Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung (DePIN) là một mô hình ứng dụng Blockchain để khuyến khích cộng đồng xây dựng các mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý như mạng di động, trạm sạc xe điện và hệ thống viễn thông, giúp định hình lại hệ thống cơ sở hạ tầng đang hiện hữu và chịu sự chi phối của các tập đoàn lớn.

Trong năm 2024, chính phủ các nước sẽ xác lập sự quan tâm đến công nghệ Blockchain và các ứng dụng công nghệ này bằng việc ban hành các quy định quản lý thị trường nhằm tạo dựng môi trường phát triển ổn định và bền vững. Trong đó, điển hình là việc Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật Thị trường tiền điện tử (MiCA), dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2024. Hàn Quốc cũng ban hành Đạo luật Bảo vệ người dùng Tài sản ảo nhằm điều chỉnh thị trường tài sản ảo từ quan điểm bảo vệ người tiêu dùng/nhà đầu tư, có hiệu lực từ đầu năm 2024. Hồng Kông đưa ra chế độ cấp phép bắt buộc đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) nhằm siết chặt việc quản lý đối với lĩnh vực này. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23/02/2024 về kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và tăng tốc độ yêu cầu các bộ, ngành sớm thúc đẩy việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho lĩnh vực này.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Decom Holdings

2. Phóng viên Tạp chí ATTT: Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chính thức ra mắt ngày 17/05/2022, Ông có thể cho biết một số kết quả điển hình của Hiệp hội từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong năm 2023?

Ông Phan Đức Trung: Năm 2023 là năm thứ hai kể từ khi Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) chính thức được thành lập. Trong các hoạt động của Hiệp hội, hoạt động tham vấn chính sách là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của VBA với mục tiêu hỗ trợ, tư vấn và đề xuất các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo bảo vệ quyền lợi của người dân, nhà đầu tư và lợi ích quốc gia.

Đặc biệt, trước tình hình Việt Nam bị Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) đưa vào Danh sách xám cần theo dõi tăng cường, VBA đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) liên tiếp tổ chức 2 tọa đàm tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào cuối tháng 9/2023 về chủ đề phòng chống rửa tiền và nguy cơ rửa tiền qua tiền mã hóa cũng như nguy cơ của việc Việt Nam bị đưa vào Danh sách xám của FATF để cảnh báo vấn đề này.

Tại Hội thảo, VBA và VNBA nhấn mạnh đề xuất các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng luật hóa hai định nghĩa cơ bản nhất là Tài sản ảo và Các nhà cung cấp tài sản ảo (VA và VASP) để quản lý thị trường tài sản ảo. Ngoài ra, VBA tiếp tục tích cực gửi các đề xuất liên quan đến việc luật hóa 2 định nghĩa VA và VASP tới các cơ quan hữu quan và liên tục thúc đẩy việc nghiên cứu, xem xét, ban hành các quy định để giám sát và quản lý hoạt động của thị trường này.

Bên cạnh các hoạt động tham vấn chính sách, VBA có 2 chương trình mang tính xã hội là SwitchUp và ChainTracer. Cụ thể, SwitchUp là chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp tăng tốc được vận hành bởi Uỷ ban Xúc tiến Đầu tư VBA phối hợp cùng Spores Network, từng đạt thứ hạng 7 toàn cầu về nền tảng gọi vốn theo đánh giá của CryptoRank. Trong khi đó, ChainTracer - chương trình truy vết các token cho các nạn nhân của lừa đảo hay tranh chấp đã hỗ trợ xử lý với quy mô trên 30 tỷ đồng cho các nạn nhân tại Việt Nam về tranh chấp và lừa đảo dưới hình thức token.

Những thành tích trên đối với một hiệp hội thành lập chưa đầy 2 năm, hoạt động từ nguồn kinh phí 100% xã hội hóa trong một lĩnh vực công nghệ hết sức mới, chúng tôi cho rằng là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đi đầu tiên, VBA cần mở rộng hơn nữa để có khả năng nắm bắt được các cơ hội ứng dụng công nghệ này vào trong Cuộc cách mạng 4.0 của đất nước.

3. Phóng viên Tạp chí ATTT: Là một đơn vị quan trọng, chiến lược, đóng vai trò cầu nối giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ Blockchain và ứng dụng chuyển đổi số, Hiệp hội có những chiến lược và kế hoạch gì trong năm 2024?

Ông Phan Đức Trung: Năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tiếp tục bám sát 6 mục tiêu đã đặt ra từ ngày thành lập đồng thời thúc đẩy mở rộng các chương trình hoạt động xã hội như SwitchUp và ChainTracer để lan tỏa ảnh hưởng tích cực và giá trị thực tiễn đối với cộng đồng, nhất là trong bối cảnh mối quan tâm đối với công nghệ Blockchain tăng cao như hiện nay.

Năm 2024, VBA sẽ tập trung vào các hoạt động đào tạo, phổ cập Blockchain. VBA đã thành lập Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (Academy of Blockchain and Artificial Intelligence Innovation - ABAII). Đây là Viện giáo dục đầu tiên về Blockchain và AI tại Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép hoạt động nhằm nghiên cứu và phát triển sức mạnh độc đáo khi kết hợp Blockchain và AI, mở ra cánh cửa mới cho sự đổi mới và hiệu quả trong kỷ nguyên số.

Trong năm 2024, chúng tôi cũng rất hy vọng và mong chờ Chiến lược quốc gia về công nghệ Blockchain sẽ được Chính phủ ban hành. Đây là sẽ bước đột phá để cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này có những công nghệ cụ thể ứng dụng vào đời sống xã hội.

Cảm ơn ông, chúc ông và Hiệp hội Blockchain Việt Nam ngày càng phát triển!

Trường An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới