Bảo đảm an toàn dữ liệu khi mua sắm trực tuyến

20:00 | 29/01/2022 | GIẢI PHÁP KHÁC
Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử năng động ở khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu từ Sách trắng thương mại điện tử 2021, ấn phẩm do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát hành ngày 14/7/2021 thì năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và trở thành quốc gia có tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực.

Việc thanh toán và mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng và ví điện tử đang dần trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đi kèm với những tiện ích đó luôn là những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn về việc bảo mật và an toàn toàn thông tin đe dọa người dùng. Với số lượng người tiêu dùng cao như vậy, những rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn về việc bảo mật và an toàn toàn thông tin là rất lớn. Vậy làm sao để bảo vệ bản thân an toàn khỏi những nguy cơ ấy. Trong bài viết này, sẽ đưa ra các lưu ý để chúng ta có thể áp dụng để tăng cường bảo mật cũng như kiểm tra trên thiết bị của mình trước khi thực hiện mua sắm và thanh toán điện tử.

Kiểm tra tính an toàn và các dấu hiệu để xác thực địa chỉ an toàn

Khi lần đầu tiên đăng nhập và sử dụng bất kỳ một địa chỉ website nào trong trình duyệt của mình nếu gặp những cửa sổ Pop-up tự động “nhảy lên” hay trường hợp chuyển sang trang liên kết ngẫu nhiên khác là các dấu hiệu cho thấy website có thể đã bị tấn công và chứa virus. Những virus này tự động cài đặt phần mềm ngầm trên máy và từ đó, tin tặc có thể đánh cắp thông tin dữ liệu. Vì vậy, khi truy cập đường link, nhất là trong quá trình giao dịch thanh toán điện tử, cần chú ý và áp dụng những cách dưới đây:

- Khi các cửa sổ Pop-up bất ngờ hiện ra, người dùng bấm ngay tổ hợp phím Ctrl+F4 để tắt các cửa sổ này.

- Đừng tùy ý nhấp vào các nút trên các banner, quảng cáo vì có thể vô tình truy cập một đường dẫn ngầm. Ví dụ như khi người dùng nhấp vào nút dấu “X” để tắt quảng cáo nhưng sau đó, người dùng sẽ phải truy cập một trang web khác có nội dung không liên quan.

- Trên thanh địa chỉ của trình duyệt phải bắt đầu bằng https:// và icon hình ổ khóa ở phía trước thanh địa chỉ (lưu ý ổ khóa phải xuất hiện trên thanh địa chỉ trình duyệt chứ không phải trong nội dung website). Dấu hiệu này chứng tỏ website đã được bảo vệ bởi Secure Sockets Layer (SSL), một giao thức mã hóa đảm bảo thông tin được trao đổi một cách an toàn thông qua một chứng chỉ số SSL được tin cậy.

Vô hiệu hóa tính năng tự động điền thông tin (autofill) trên trình duyệt

Thói quen của chúng ta khi thực hiện đăng nhập các chương trình, mạng xã hội, các website mua sắm trực tuyến, hộp thư,… thường bấm vào tính năng lưu thông tin cho lần đăng nhập sau. Khi bật tính năng này trình duyệt sẽ lưu thông tin và mật khẩu vào một file gọi là cookie, nếu máy tính không đảm bảo an toàn thì tin tặc có thể tấn công khai thác cookie để lấy thông tin đăng nhập. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, người dùng nên tắt chức năng Tự động điền thông tin trên trình duyệt. Các bước thực hiện tắt chức năng này như sau:

Hình 1. Vô hiệu hóa tính năng tự động điền thông tin trên Chrome

Hình 2: Vô hiệu hóa tính năng tự động điền thông tin trên FireFox

- Đối với trình duyệt Chrome (Hình 1), người dùng nhấn vào biểu tượng 3 dấu chấm (góc trên cùng bên phải màn hình) rồi chọn cài đặt, ở trong giao diện này chúng ta sẽ thấy tùy chọn tự động điền với 3 mục được bật tự động là: Mật khẩu, Phương thức thanh toán, Địa chỉ và các tùy chọn khác. Người dùng lần lượt truy cập vào 3 mục nêu trên thực hiện xóa bỏ các thông tin đã được lưu trữ và tắt tùy chọn tự động lưu thông tin.

Hình 3: Vô hiệu hóa tính năng tự động điền thông tin trên Cốc Cốc

- Đối với trình duyệt FireFox (Hình 2): Nhấn chọn biểu tượng 3 gạch ngang (góc trên cùng bên phải màn hình), sau đó lần lượt truy cập tùy chọn/ riêng tư & bảo mật. Tại đây người dùng có thể kiểm soát các tính năng tự động điền thông tin và mật khẩu khi sử dụng trình duyệt FireFox.

- Đối với trình duyệt Cốc Cốc (Hình 3): Người dùng nhấn chọn biểu tượng Cốc Cốc phía góc trên cùng bên trái màn hình và hực hiện các bước tương tự như đối với trình duyệt Chrome.

Xóa bộ nhớ cache

Đừng bao giờ đánh giá thấp mức độ mà bộ nhớ cache của trình duyệt lưu trữ thông tin của người dùng. Tại đây sẽ lưu trữ tất cả thông tin tìm kiếm và lịch sử duyệt web, từ những thông tin này tin tặc có thể trỏ đến địa chỉ nhà riêng, thông tin gia đình và các dữ liệu cá nhân khác.

Để bảo vệ tốt hơn thông tin có thể ẩn trong lịch sử web, người dùng cần xóa cookie của trình duyệt và xóa lịch sử trình duyệt một cách thường xuyên. Trong Chrome, Edge, Firefox, Internet Explorer hoặc Opera, chỉ cần nhấn tổ hợp phím Ctrl + Shift + Del để hiển thị hộp thoại cho phép chúng ta có thể chọn các dữ liệu trình duyệt muốn xóa bỏ.

Kích hoạt xác thực 2 yếu tố cho tất cả các giao dịch trực tuyến

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã cung cấp tính năng xác thực 2 yếu tố để bổ sung một lớp bảo vệ cho các giao dịch nhạy cảm. Khi người dùng thực hiện việc chuyển khoản hay thanh toán mua sắm trực tuyến ngân hàng sẽ gửi đến người dùng một mã OTP thông qua một tin nhắn văn bản hoặc email mà người dùng sẽ phải xác nhận mã đó để hoàn thành giao dịch. Vì vậy, ngay cả khi tin tặc có được thông tin tài khoản của người dùng thì cũng khó có thể thực hiện giao dịch gian lận. Khi nhận được các mã xác thực không xuất phát từ yêu cầu bản thân, người dùng có thể loại bỏ giao dịch bằng cách không đồng ý xác nhận. Gần đây, bên cạnh tính năng OTP, các ngân hàng đã bổ sung biện pháp xác thực bằng vân tay. Điều này giúp bảo vệ tài khoản của người dùng tốt hơn.

Việc sử dụng xác thực 2 yếu tố có thể gấy một số khó khăn và bất tiện, tuy nhiên nếu chỉ sử dụng mật khẩu để xác thực thì bất kỳ ai biết được mật khẩu đó đều có thể sở hữu tài khoản, đặc biệt đối với tin tặc khi chúng nắm được thông tin quan trong như mật khẩu thì chúng sẽ dử dụng với nhiều mục đích khác nhau gây hậu quả mà chúng ta không thể lường trước được. Với việc xác thực hai yếu tố được kích hoạt, thì chỉ riêng mật khẩu là vô dụng. Hầu hết các ví điện tử và ứng dụng mua sắm đều hỗ trợ xác thực hai yếu tố, mặc dù một số chỉ yêu cầu khi phát hiện kết nối từ một thiết bị mới. Việc kích hoạt xác thực hai yếu tố là điều bắt buộc mà chúng ta nên sử dụng khi thực hiện mua sắm trực tuyến.

Hạn chế sử dụng Wifi công cộng

Việc sử dụng wifi công cộng được cung cấp tại sân bay, quán cafe, khu trung tâm thương mại,… là rất nguy hiểm. Chính việc miễn phí và tiện lợi khi truy cập thường làm chúng ta quên đi những rủi ro tiềm ẩn. Wifi công cộng rất dễ chứa mã độc và dễ dàng bị tấn công bởi tin tặc. Thông qua đó, tin tặc sẽ gây gián đoạn và ghi nhận lại toàn bộ dữ liệu cá nhân cũng như thông tin giao dịch của người dùng. Vì thế, nếu cần giao dịch gấp, chúng ta nên dùng mạng 4G của nhà mạng đáng tin cậy hoặc tải các ứng dụng VPN về máy như HotSpot Shield, CyberGhost VPN, ExpressVPN để nâng cao tính bảo mật và bảo vệ an toàn cho tài khoản của người dùng.

Mở một tài khoản riêng để liên kết với các ứng dụng thanh toán và không để nhiều tiền trong tài khoản

Hiện nay các ví điện tử thường cho phép chúng ra giữ một số tiền trong một khoảng thời gian không xác định và đi kèm nhiều ưu đãi khi sử dụng dịch vụ thanh toán mua sắm trực tuyến thông qua tiền được giữ trong các ví điện tử đó, nên lưu ý rằng tiền được để trong các ví điện tử thực sự không an toàn giống như người dùng gửi tiền trong ngân hàng. Chính vì vậy, chúng ta nên lập một tài khoản riêng để sử dụng cho mục đích mua sắm điện tử và không nên bỏ số tiền lớn vào một tài khoản hoặc một ví điện tử mà nên xem xét việc bản thân cần sử dụng bao nhiêu tiền cho việc mua sắm trong tháng để có thể lưu trữ một khoản tiền nhất định không quá lớn phục vu cho việc thanh toán điện tử hàng tháng. Bên cạnh đó, trong trường hợp xấu xảy ra nếu bị lộ lọt thông tin tài khoản hoặc bị tin tặc tấn công thì thiệt hại đem lại cũng không quá lớn.

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới