Phát hiện mã độc cơ bản trên máy tính người dùng với công cụ Process Explorer

13:00 | 16/09/2022 | GIẢI PHÁP KHÁC
Ngày nay, số lượng các cuộc tấn công mạng sử dụng mã độc đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, người dùng cuối chính là mục tiêu ưa thích của tin tặc. Xuất phát từ tâm lý chủ quan, mất cảnh giác và đa số người dùng còn thiếu những kỹ năng cần thiết khi truy cập, sử dụng tài nguyên trên không gian mạng, đặc biệt là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm tra mã độc trên máy tính của mình. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn giúp quý độc giả cách thức phát hiện mã độc cơ bản trên hệ điều hành Windows, bằng công cụ hỗ trợ Process Explorer.

SƠ LƯỢC VỀ PROCESS EXPLORER

Những chương trình Anti-Virus (AV) về cơ bản cũng có thể phát hiện được mã độc, thường các chương trình AV dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc dựa vào so sánh mẫu (heurictic). Tuy nhiên các kỹ thuật này có thể bị vượt qua bằng các biến thể được thiết kế đặc biệt hơn. Chính vì thế, để nâng cao hiệu quả trong việc phát hiện các tiến trình độc hại, người dùng cũng có thể kết hợp thêm những công cụ hỗ trợ, điển hình như Process Explorer.

Process Explorer được biết đến là một trình quản lý tác vụ rất hữu ích trong việc theo dõi, kiểm tra những ứng dụng, dịch vụ, các tiến trình đang hoạt động và tổng quan thông tin về hệ thống. Đồng thời, với công cụ này người dùng cũng có thể gỡ rối các chương trình hoặc kịp thời phát hiện mã độc nào đang chạy và ngăn chặn. Đặc biệt, từ phiên bản 15 trở đi, Process Explorer đã được tích hợp công cụ VirusTotal để giúp người dùng có thể xác định những tập tin hay đường dẫn (URL) có chứa mã độc hại nào hay không.

CÀI ĐẶT PROCESS EXPLORER

Đây là một công cụ rất dễ dàng để cài đặt, người dùng sẽ không cần mất nhiều thời gian để thao tác, cụ thể các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Tiến hành tải Process Explorer theo đường dẫn: https://download.sysinternals.com/files/ ProcessExplorer.zip, tiếp đó tiến hành giải nén. Khi giải nén xong sẽ có 2 phiên bản: Procexp.exe - dành cho Windows 32 bit và Procexp64.exe - dành cho Windows 64 bit để phù hợp với phiên bản máy tính của từng người dùng.

Bước 2: Sau khi chọn phiên bản và cài đặt, người dùng chọn vào Agree để đồng ý với các điều khoản và tiến hành mở công cụ Process Explorer lên (Hình 1).

Hình 1. Chọn các điều khoản đồng ý và mở công cụ

Bước 3: Trên trang chủ giao diện, ở góc trên cùng bên trái chọn Option > chọn Verify Image Signatures và bật tính năng Check VirusTotal.com của VirusTotal.com.

Hình 2. Bật tùy chọn Verify và Check VirusTotal.com

NHẬN DIỆN MÃ ĐỘC DỰA VÀO DẤU HIỆU

Với tính năng Verify Image Signatures của Process Explorer sẽ giúp người dùng xác minh rằng tệp đã được ký bởi Microsoft. Vì Microsoft sử dụng chữ ký số cho hầu hết các tệp tin thực thi, khi đó phần mềm sẽ phân tích và xác nhận rằng tệp tin đã được ký số và hợp lệ, lúc này người dùng có thể yên tâm về tính an toàn của nó.

Trong khi đó, tính năng VirusTotal sẽ giúp kiểm tra về các kết quả quét mã độc dựa vào cơ sở dữ liệu từ nhiều nguồn chương trình AV nổi tiếng khác nhau trên thế giới, khi kết hợp với tùy chọn Verify Image Signatures có thể đưa ra những đánh giá chung về những tệp tin nào là an toàn, tệp nào là độc hại.

Cụ thể các bước để sử dụng 2 tính năng này trong việc phát hiện và kiểm tra mã độc được thực hiện như sau:

Bước 1: Trên giao diện chính của Process Explorer người dùng quan sát cột Verify Signatures. Nếu máy tính người dùng bình thường thì thông tin ở cột này sẽ là “Verified”, tức là các ứng dụng và tiến trình trên mày tính đã được ký số và xác thực, có thể là an toàn.

Hình 3. Kiểm tra Verifed Signer cho thấy đã được xác thực

Ngược lại, với thông tin “No signature was present in the subject” hay ứng dụng không được xác thực, có khả năng là mã độc. Tuy nhiên, đây chỉ là một dấu hiệu và chưa đủ để khẳng định rằng tiến trình đã an toàn hay chưa. Vì vậy, người dùng cần kết hợp với VirusTotal trong Bước 2 dưới đây.

Bước 2: Người dùng xem các dấu hiệu ở cột VirusTotal. Nếu trường hợp cho kết quả màu xanh, ví dụ như Hình 4 cho thấy rằng có 71 trình AV được sử dụng và sau khi dò quét đã không phát hiện tiến trình độc hại nào. Trong khi đó, nếu xuất hiện cảnh báo màu đỏ, ví dụ như (x/71) thì có thể là mã độc.

Hình 4. Kiểm tra cột VirusTotal với dấu hiệu an toàn

Lưu ý: Nếu như một số tiến trình cũng có cảnh báo màu đỏ, tuy nhiên giá trị “x” rất thấp, ví dụ như 1 hoặc 2 (sẽ có 1 hoặc 2 trình AV phát hiện tiến trình độc hại). Lúc này người dùng cần kiểm tra kỹ các thông tin trên VirusTotal và kết hợp thông tin về tiến trình đó có được xác thực ký số hay không (Bước 1), cũng như các thông tin khác để đưa ra kết quả, vì rất có thể những trường hợp này là cảnh báo sai.

Hình 5. Trường hợp chưa rõ ràng để kết luận

Bước 3: Với một số trường hợp công cụ không kiểm tra được hoặc muốn kiểm tra lại, người dùng kích đúp chuột vào tiến trình đó, chọn Submit để các chương trình AV dò quét lần nữa.

Hình 6. Dò quét kiểm tra lại

CHẤM DỨT TIẾN TRÌNH VÀ THỰC HIỆN NGĂN CHẶN MÃ ĐỘC

Khi người dùng đã xác định tiến trình độc hại, thực hiện các bước sau để gỡ bỏ mã độc trên hệ thống:

Bước 1: Kích chuột phải vào tiến trình độc hại, chọn Kill Process để tắt tiến trình đó.

Hình 7. Tắt tiến trình độc hại

Bước 2: Tiếp tục kích phải chuột vào tiến trình, chọn Properties. Sau đó, vào tab Image để tìm kiếm vị trí tệp thực thi khởi chạy tiến trình độc hại và các giá trị registry mã độc đã khởi tạo:

- Path: Vị trí tệp thực thi khởi chạy tiến trình độc hại.

- AutoStart Location: Vị trí các registry được mã độc khởi tạo để khởi động cùng với hệ thống.

Hình 8. Xác định vị trí khởi chạy tiến trình độc hại và registry mã độc khởi tạo

Bước 3: Người dùng thực hiện tìm đến các tệp thực thi và key registry tìm được ở Bước 2 để thực hiện xóa bỏ.

Trên đây là hướng dẫn sử dụng công cụ phát hiện mã độc Process Explorer trong việc phát hiện và ngăn chặn mã độc. Hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn đọc trang bị thêm một số kiến thức cơ bản để có thể chủ động xử lý trong những trường hợp tương tự.

Hồng Đạt

Tin cùng chuyên mục

Tin mới