Phòng ngừa rủi ro mạng không dây

14:34 | 04/10/2009 | GIẢI PHÁP KHÁC
Môi trường mạng Internet không dây thường có hai loại rủi ro về bảo mật là mất cắp dữ liệu trên đường truyền và bị tấn công qua các trang web độc hại. Phòng tránh các rủi ro này chủ yếu phải dựa vào yếu tố con người. Người dùng phải tự trang bị cho mình các kiến thức bảo mật, tập thói quen tuân thủ quy trình tác nghiệp an toàn khi truy cập Web, sử dụng email…. Dưới đây phân tích một số rủi ro thường gặp.

Bị thu trộm thông tin trên đường truyền
Môi  trường  mạng  không  dây  hoạt  động  dựa  trên  phuơng thức truyền tín hiệu trên sóng vô tuyến. Kẻ tấn công (hacker) ở vị trí vật lý có khoảng cách gần với trạm truy cập không dây (Access Point - AP) có thể bắt được các gói dữ liệu và lấy trộm thông tin nếu môi trường mạng không đuợc mã hóa. Đây là rủi ro lớn  nhất  thường  gặp  phải  khi  người  dùng  truy  cập  mạng không dây không đảm bảo an toàn như tại các điểm truy cập công cộng. Rủi ro này cũng xảy ra nếu  trạm  truy  cập  không  dây  sử  dụng  giao  thức  Wired Equipvalent Privacy (WEP). Đây là giao thức đã lỗi thời và có khả năng bị hacker giải mã.
Một  khi  hacker  đọc được  thông  tin  trên  đường  truyền  giữa máy của người dùng và  máy chủ trên Internet, chúng có thể tiến hành các tấn công nghiêm trọng khác như lấy cắp các thông tin nhạy cảm trực tiếp trên đường truyền (mật khẩu, thẻ tín dụng, nội dung email...). Chẳng hạn, người dùng có thể bị mất mật khẩu khi truy cập vào các trang Web không sử dụng phương thức mã hóa mật khẩu hay các trang sử dụng phuơng thức giả mạo (phishing) để ăn cắp mật khẩu và các thông tin nhạy cảm khác. Hacker có thể giả mạo hệ thống phân giải tên miền (DNS) lừa người dùng vào các trang Web Yahoo Mail giả, eBay giả... để lấy cắp mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng.
Hacker còn có thể sử dụng phuơng thức Tấn công người trung gian (man in the middle attack) để  lấy cắp thông tin đối với các giao thức mã hóa như SSL (Security Socket Layer). Như vậy, nếu không cẩn thận, người dùng sẽ bị mất mật khẩu ngay cả khi truy cập vào các trang Web có sử  dụng  giao  thức  SSL  như  dịch  vụ  ngân hàng trực tuyến.  Khi  đọc  được  thông  tin  trên  đường truyền, hacker có thể tấn công vào các phiên kết nối để sửa đổi, làm hỏng dữ liệu. Ví dụ, hacker có thể thu trộm các đoạn chat Yahoo và có khả năng sửa đổi nội dung đoạn chat của người dùng.
Bị mất cắp dữ liệu
Đây là rủi ro phát sinh do hacker thiết lập một trạm kết  nối không dây (AP) giả mạo trong phạm vi gần với trạm kết nối không dây chính thức. Trạm kết nối giả mạo sử dụng tên mạng (SSID) trùng với tên mạng thật. Tuy nhiên, AP giả mạo không sử dụng phuơng thức mã hóa và có công suất phát sóng lớn hơn AP thật. Trong trường hợp này, máy tính của người dùng sẽ bị lừa kết nối vào AP giả và hacker có thể thu trộm thông tin và thực hiện các tấn công đã nêu trên.
Tấn công DoS
Đối với các mạng không dây sử dụng phuơng thức bảo mật mã hóa an toàn như WPA và phuơng thức xác thực an toàn 802.1x, hacker có khả năng tấn công bằng phuơng thức tấn công từ chối dịch vụ DoS. Sử dụng các công cụ phát sóng gây nhiễu vô tuyến (gây ra các lỗi va chạm tần số và hỏng dữ liệu CRC), hacker có thể làm tê liệt hoàn toàn mạng không dây.
Biện pháp khắc phục
Để hạn chế tối đa rủi ro mất cắp dữ liệu do sử dụng môi trường truyền dẫn không an toàn, người dùng cần lưu ý chỉ truy cập các trang Web có sử dụng phuơng thức mã hóa thông tin như SSL và phải quan tâm tới các cảnh báo giả mạo SSL từ trình duyệt.
Một giải pháp để làm việc an toàn trong môi trường mạng không dây là thiết lập một kết nối mạng riêng ảo VPN về trụ sở chính của tổ chức (nếu có) và duyệt Web thông qua mạng riêng ảo mã hóa này. Khi sử dụng dịch vụ mạng riêng ảo thương mại như vậy, các truy cập Internet sẽ được mã hóa từ máy trạm đến máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ, rồi mới ra ngoài Internet. Phuơng thức này sẽ đảm bảo dữ liệu không bị thu trộm trên đường truyền. Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này là phải trả phí hàng tháng, tốc độ truy cập bị giảm.
Người dùng có thể dùng từ khóa “VPN Service” để tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ nói trên thông qua các công cụ tìm kiếm trên mạng. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có nhà cung cấp dịch vụ VPN thuơng mại theo phương thức này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới