Kelvin Mitnick - Hacker hàng đầu thế giới
Khởi đầu - Freaker
Kelvin Mitnick sinh ngày 6/8/1963. Tuổi thơ Kelvin đã sống trong sự đơn độc, như trong tự truyện ông đã viết là “vú nuôi của chính bản thân”.
Kelvin được trời phú cho một tài năng bẩm sinh và bản tính tò mò của mình. Khi mới 12 tuổi, Kelvin đã học được cách chế tạo máy đục lỗ và làm ra các loại vé xe để có thể đi vòng quanh thành phố mà không phải chi một xu nào. Đặc biệt, Kelvin được kế thừa từ ông nội - người mà Kelvin coi là “hacker xã hội” đầu tiên, khả năng tác động lên tâm lý người khác.
Vào những năm 70, khi điện thoại là đỉnh cao của công nghệ truyền thông thì hầu hết các đạo chích đầu tiên đều sử dụng kỹ thuật Freaking (gọi điện thoại không trả tiền). Kelvin bước vào lĩnh vực kỹ nghệ xã hội từ những năm trên ghế nhà trường. Cùng với Rosco - người mà Kelvin coi là thầy giáo đầu tiên của mình trong lĩnh vực này và một số người bạn khác đã lập một “câu lạc bộ lợi ích kín” mà chẳng lâu sau đó đã trở nên nổi tiếng. Với vốn hiểu biết từ nghiên cứu kỹ thuật Freaking một cách kỹ lưỡng, khi mới 17 tuổi, Kelvin đã được coi là chuyên gia điện thoại hàng đầu. Không chỉ nắm rõ các vấn đề kỹ thuật mà ông còn tạo ra các số điện thoại không đăng ký, có thể gọi từ số của người khác và nghe trộm các cuộc đàm thoại. Điều đáng nói là Kelvin không vào học một trường đại học nào, các kiến thức có được đều do tự học, một phần là dựa trên các tài liệu và chương trình phần mềm lấy được từ công ty Pacific Bell, do xâm nhập được mạng điện thoại của công ty này. Sau này, khi đã trở thành hacker máy tính hàng đầu thì điện thoại vẫn là công cụ được Kelvin ưa thích.
Từ điện thoại đến máy tính
Khi máy tính xuất hiện, nó lập tức trở thành niềm say mê mới của Kelvin. Chiến công hacker đầu tiên mà Kelvin đã thực hiện được là: Phá được cơ sở dữ liệu trường học nơi ông đang học và có thể tiếp cận không hạn chế vào toàn bộ thông tin của trường. Sau một năm, ông đã xâm nhập hệ thống máy tính các lực lượng Bắc Đại Tây Dương ở Colorado. Năm 1982, ông đã đánh cắp các tài liệu đào tạo về COSMOS của Pacific Bell. Vì điều này, Kelvin đã phải lĩnh án phạt ba tháng tại Trung tâm California dành cho trẻ vị thành niên khó dạy và một năm án treo. Hai tuần sau khi được thả, Kelvin lại phá được mạng ARANENet của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một trong những chiến công có tính phạm pháp nghiêm trọng đầu tiên là việc phá The Ark
hệ thống tính toán của Tập đoàn Digital Equipment Corporation (DEC) dùng để xây dựng phần mềm cho hệ điều hành RSTS/E. Một nhóm hacker ở Los Angeles đã biết số điện thoại truy cập của DEC nhưng không biết mật khẩu truy cập. Họ đã thách thức và Kelvin đã nhận lời vì muốn được kết nạp vào nhóm này với mong muốn tìm hiểu nhiều hơn về các hệ điều hành. Kelvin đã đóng vai thành công Anton Trernoff - một trong những người thiết kế của DEC và gọi điện để thuyết phục người quản trị hệ thống cung cấp mật khẩu truy cập ưu tiên dành cho các nhà thiết kế.
Ngoài những cuộc tấn công tầm trung và nhỏ, Kelvin đã xâm nhập được vào những hệ thống máy tính được bảo vệ cẩn thận của một số tập đoàn lớn trên thế giới, đánh cắp được mã nguồn của các hệ điều hành và nghiên cứu các điểm yếu của chúng.
Kết quả của hành vi phạm pháp
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Kelvin đã rất khéo léo xóa dấu vết nhưng cũng không tránh khỏi nhà tù. Trong vụ trộm tài liệu về đào tạo điện thoại tại Pacific Bell, do Kelvin chưa đến tuổi trưởng thành nên chỉ phải nhận ba tháng lao động cải tạo. Sau đó không lâu, vì phá một mạng quân sự, Kelvin đã phải lĩnh 6 tháng tù giam. Ra khỏi nhà tù một thời gian Kelvin được nhận vào làm việc tại hãng Great American Merchandising với mức lương khá. Nhanh chóng nắm được công việc, Kelvin lại bắt đầu nghiên cứu các tài nguyên mạng bị cấm. Khi những đồng nghiệp có ý nghi ngờ và báo cho các cơ quan chức năng thì Kelvin đã kịp xóa mọi dấu vết. Một năm sau, ông cưới Bony Vitello, nhà quản trị công ty điện thoại GTE sau khi hứa với cô rằng sẽ không bao giờ tham gia vào các hoạt động phạm pháp nữa. Và thế là từ năm 1982 đến năm 1987, Kelvin hoàn toàn dành cho cuộc sống gia đình.
Vào năm 1988, Kelvin lại đánh cắp các chương trình phần mềm từ Santa Cruz Operation và hệ điều hành mới VMS của Digital Equipment Corporation. Vì vụ việc này, Kelvin đã phải ở tù một năm, trong đó có 8 tháng phải ở buồng biệt giam. Ông được thả dưới sự giám sát công khai với yêu cầu là không bao giờ được sử dụng máy tính nữa. Cũng vào thời điểm này, Kelvin đã trở thành một trong những hacker nổi tiếng nhất và người ta đã gán cho ông mọi tội phạm máy tính, từ việc phá mạng Pentagoon, FBI tới việc xâm nhập vào các công ty máy tính. Không có chứng cứ, FBI đành tiến hành giám sát chặt chẽ Kelvin, họ thậm chí thường xuyên cho lục soát căn hộ của ông. Không chịu được sự kiểm soát này, Kelvin đã bỏ chạy đến Seattle và đã sống tại đây ba năm dưới cái tên Brane Merial và làm việc với tư cách cán bộ máy tính cho một bệnh viện. FBI đã công bố lệnh truy nã Kelvin trong toàn Liên bang. Nhưng sự say mê xâm nhập các mạng máy tính lại xui khiến ông xâm nhập vào mạng của Motorola, Nokia, McCaw Cellular Communication Inc, Sun Microsystems và những hãng khác.
Cuộc chiến giữa hai tài năng
Vào cuối năm 1994, Kelvin nổi tiếng bởi những tấn công tổng hợp, tính toán chính xác. Ngoài ra, người ta còn coi ông là một trong những chuyên gia IT hàng đầu. Ông đã thử sức với các chuyên gia từ các công ty điện thoại, các công ty máy tính và cả của các cơ quan Chính phủ. Cuối cùng thì Kelvin cũng đã gặp một đối thủ xứng đáng, đó là Sitoma Simomura, một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực an ninh thông tin. Giữa họ đã có một cuộc đối đầu lớn mà ngày nay đã trở thành kinh điển.
Trong thời gian này, Simomura đang hợp tác tích cực với các cơ quan đặc vụ và đặt bẫy các hacker không chỉ để bắt họ mà còn để kiểm định các hệ thống an ninh do chính cơ quan mình xây dựng. Một lần trong kỳ nghỉ, Simomura đã quên không thoát ra khỏi mạng máy tính được bảo vệ rất cẩn mật của mình. Ở đó chứa cả những đơn đặt hàng quân sự bí mật nhưng thực chất thì đó chỉ là mồi nhử. Kelvin không dễ bị đánh lừa, vì thế, chiếc bẫy Simomura cài đã nhanh chóng bị phá. Điều đầu tiên Simomura làm là khôi phục toàn bộ tiến trình cuộc tấn công của Kelvin. Simomura đã tận dụng mọi thông tin được cung cấp và ông đã cùng FBI phân lập được khu vực tìm kiếm.
Việc bắt tội phạm điều khiển học, hacker đầu sỏ của “mọi thời đại và mọi dân tộc” không hề có các cuộc săn đuổi mà diễn ra khá “phẳng lặng”. Và cuối cùng, một lần nữa Kelvin lại phải ngồi sau song sắt. Hai “kỳ phùng địch thủ” đã chạm mặt nhau tại cuộc chất vấn sơ bộ. Kelvin nghiêng mình trước Simomura và nói “Chào Sitoma, tôi khâm phục tài nghệ của anh”.
Rời bỏ con đường đạo chích
Ra khỏi tù năm 2000, Kelvin đã vĩnh viễn từ bỏ con đường của một đạo chích. Ông đã cùng Alex Casper sáng lập công ty DefensiveThinking để tư vấn, giúp đỡ cho Chính phủ Mỹ và cảnh sát trong lĩnh vực an ninh thông tin. Kelvin nói “Defensive Thinking đối với tôi là cơ hội được khôi phục trước xã hội, nó còn hỗ trợ cho việc xây dựng các hệ thống thông tin tin cậy và an toàn. Không những vậy, nó còn mang lại cho tôi cơ hội được làm công việc mình ưa thích là nghiên cứu các vấn đề của các hệ thống tính toán và tâm lý con người”. Đó có lẽ cũng chính là phương châm sống của ông trong phần đời còn lại.
Kelvin Mitnick đã cho ra đời hai cuốn sách “Nghệ thuật lừa đảo” (The art of Deception) và “Nghệ thuật can thiệp” (The Art of intrusion - đồng tác giả với Simon). Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người - tài nguyên cơ bản của quốc gia và của các tổ chức, công ty, yếu tố cơ bản đảm bảo an toàn cho mọi hệ thống thông tin.
Trong nghề đạo chích cũng có nhiều loại người, một số chỉ đơn giản là phá hoại theo kiểu xóa tệp tin hoặc cả ổ đĩa cứng, một số không nắm được công nghệ, chỉ biết tải các công cụ trên mạng và sử dụng để phá mạng máy tính. Nhiều đạo chích hành nghề để vụ lợi, kiếm tiền hoặc để đạt các mục tiêu khác. Kelvin không thuộc loại nào trong số đó, ông là hacker thực sự, ông làm tất cả chỉ vì đam mê. Ông giỏi cả công nghệ và cả kỹ năng xã hội nhưng tuyệt nhiên không sử dụng tài năng của mình để kiếm tiền. Kelvin Mitnick là đạo chích bị săn đuổi nhiều nhất trong không gian điều khiển học, được báo chí và chính quyền quan tâm nhiều nhất trong số các hacker và vụ xử án ông cũng là vụ xử án nhiều tranh cãi nhất bởi những lời buộc tội ông thường dựa trên lời đồn thổi và thiếu chứng cứ. Ngay cả đối thủ của ông - Simomura cũng không nhất trí với bản án của chính quyền.