Mã độc đào tiền ảo phát tán trên Facebook Messenger

09:00 | 22/12/2017 | HACKER / MALWARE
Ngày 18/12/2017, một mã độc đào tiền ảo nằm trong tập tin nén .zip bắt đầu lây lan nhanh chóng tại Việt Nam thông qua ứng dụng gửi tin nhắn Messenger của Facebook.

Mã độc thực hiện lây nhiễm khi người dùng bị lây nhiễm gửi cho bạn bè của mình một tập tin nén .zip có tên là video_xxx.zip (xxx là các số ngẫu nhiên) bên trong chứa tập tin có định dạng mp4.exe, có chứa mã độc đào tiền ảo thông qua ứng dụng nhắn tin Messenger của Facebook. Do người dùng có thể tưởng nhầm đây là tập tin video mp4 của bạn bè gửi, nên nhấp chuột vào và thực thi tập tin. Nếu người dùng chỉ tải tập tin độc hại mà không kích hoạt thì vẫn an toàn, nhưng nếu vô tình kích hoạt thì mã độc sẽ được thực thi. Lúc này, máy tính sẽ tự động tải và cài đặt các tập tin độc hại 7za.exe, files.7z từ trang web độc hại có tên miền yumuy.johet.bid (tên miền này có thể thay đổi với các mẫu mã độc khác nhau).

Sau đó, tập tin 7za.exe sẽ giải nén tập tin files.7z. Máy tính sẽ tự động lấy và cài đặt tiện ích mở rộng đào tiền ảo trên trình duyệt Chrome. Khi máy tính của người dùng đã bị cài đặt trái phép tiện ích mở rộng này, mã độc sẽ sử dụng tài nguyên máy tính để đào tiền ảo, làm ảnh hưởng tới tiến trình xử lý, pin, phần cứng và độ bền của thiết bị. Mã độc này cũng không cho phép người dùng truy cập vào phần quản lý tiện ích mở rộng của trình duyệt.

Ngoài ra, mã độc cũng có thể chiếm quyền điều khiển hệ thống, thay đổi hệ thống tìm kiếm, chạy các phần mềm ẩn danh, đánh cắp thông tin, dữ liệu của nạn nhân. Hiện tại, mã độc này chỉ lây lan qua trình duyệt Chrome. Theo thống kê từ hệ thống giám sát virus của công ty an ninh mạng Bkav, tính tới 14 giờ chiều ngày 21/12/2017, đã có hơn 12.600 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook. Bkav ghi nhận cứ 10 phút, tin tặc lại tung lên mạng một biến thể virus mới nhằm tránh bị phát hiện bởi các phần mềm an ninh.

Theo chuyên gia của Bkav, số máy tính bị nhiễm mã độc còn có thể tiếp tục gia tăng mạnh. Sự nguy hiểm của loại mã độc này là bởi tin tặc có thể lợi dụng cách thức lây nhiễm của mã độc để tiếp tục thực hiện các hành vi tấn công mạng tới danh sách bạn bè của nạn nhân, như gửi thư rác, lừa đảo, lây lan mã độc,…

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav, khuyến cáo những người dùng chẳng may đã mở tập tin có chứa mã độc, thì nên đổi mật khẩu cho các tài khoản đăng nhập trên trình duyệt Chrome. Bkav cũng đã cập nhật mẫu nhận diện mã độc mới này, người dùng có thể tải, cập nhật phần mềm diệt virus để loại bỏ mã độc.

Theo Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, tác giả của mẫu mã độc này có địa chỉ email nghi ngờ là *****@kadirgun.com. Ngày 19/12/2017, cơ quan đã ra văn bản hướng dẫn biện pháp phòng chống mã độc này. Để đảm bảo an toàn thông tin và tránh bị mã độc tấn công, Cục An toàn thông tin đã đưa ra một số khuyến nghị:

- Cảnh giác và không mở các tập tin, đường dẫn lạ được gửi qua Facebook Messenger, hoặc bất kỳ ứng dụng truyền thông nào khác (Viber, Zalo, thư điện tử,…).

- Nếu nhận được các thông tin (tập tin hoặc đường dẫn) lạ, có thể thông báo hoặc gửi thông tin về Cục An toàn thông tin để tổng hợp và phân tích, cảnh báo khi có những dấu hiệu, nguy cơ tấn công mạng mới.

- Đối với người dùng đã bị lây nhiễm, cần cài đặt và cập nhật các phần mềm phòng chống mã độc, virus để phát hiện và ngăn chặn, loại bỏ mã độc.

Thảo Uyên

tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới