Người dùng vẫn mất dữ liệu dù phần lớn đã chủ động sao lưu dữ liệu
Số liệu khảo sát về tình hình sao lưu dữ liệu của người dùng
Dựa trên khảo sát trong Ngày sao lưu dữ liệu 2019 của Công ty Công nghệ dữ liệu Acronis (trụ sở chính tại Thụy Sĩ), có tới 65.1% người dùng hoặc thành viên trong gia đình của họ đã từng bị mất mát dữ liệu do xóa nhầm, lỗi phần cứng hay sự cố phần mềm, tăng 29,4% so với năm 2018. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong 4 năm khảo sát của hãng, gần như tất cả người dùng (92,7%) đã sao lưu dữ liệu, tăng 24,1% so với năm 2018 và là mức tăng trưởng lớn nhất trong các năm.
Khảo sát của Acronis nhắm vào người dùng tại Mỹ, Anh, Úc, Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Bulgaria, Thụy Sĩ và năm nay là lần đầu tiên khảo sát thêm các doanh nghiệp.
Theo James Slaby, Giám đốc an ninh mạng tại Acronis, khi nhìn vào số liệu thì tỉ lệ người dùng có sao lưu dữ liệu và tỉ lệ mất mát dữ liệu không tương xướng với nhau, vì dù gần như tất cả người dùng đều sao lưu dữ liệu của mình, nhưng tỉ lệ mất mát dữ liệu lại lớn hơn.
Lý do là bởi người dùng đang sử dụng nhiều thiết bị hơn và truy cập dữ liệu của họ từ nhiều nơi hơn trước, từ đó tạo nên nhiều nguy cơ mất mát dữ liệu. Người dùng có thể sao lưu máy tính xách tay, nhưng nếu không sao lưu điện thoại di động thì khi mất điện thoại cũng có nghĩa là mất mát dữ liệu.
Số lượng thiết bị người dùng sử dụng tiếp tục tăng lên với 68,9% hộ gia đình cho biết họ có 3 thiết bị trở lên, bao gồm máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng, tăng 7,6% so với năm 2018.
Nhìn vào số lượng dữ liệu được sử dụng, số lượng người dùng gặp hỏa hoạn hay lũ lụt, cũng như số lượng dữ liệu mất mát do tấn công mã độc tống tiền và lỗ hổng an toàn thông tin, thì tỉ lệ tăng lên của việc mất dữ liệu này mặt khác thể hiện rằng người dùng thậm chí cũng đang nỗ lực bảo vệ dữ liệu của họ.
Chỉ có 7% người dùng cho biết họ không sao lưu dữ liệu, giảm đáng kể so với (31,4%) số người được khảo sát vào năm 2018 về vấn đề này. Ngoài ra, có tới 69,9% người dùng sẽ chi hơn 50 USD để khôi phục lại các tập tin, hình ảnh, video bị mất. Con số này thấp hơn 15% so với năm 2018.
Trong các hình thức sao lưu dữ liệu, 62,7% người dùng sao lưu vào ổ cứng ngoài (48,1%) hoặc một phân vùng trong ổ cứng (14,6%). Chỉ có 37,4% người dùng sao lưu trên đám mây hoặc cả trên đám mây và tại chỗ. Việc sử dụng sao lưu trên đám mây sẽ cung cấp cho người dùng khả năng truy xuất dữ liệu từ bất cứ đâu.
Loại dữ liệu mà người dùng quan tâm nhất khi bị mất là danh bạ, mật khẩu và thông tin cá nhân (45,8%), sau đó là các tập tin đa phương tiện như hình ảnh, video, âm nhạc và trò chơi (38,1%).
Có ít hơn một nửa số người dùng nhận thức được nguy cơ của các cuộc tấn công trực tuyến có thể đe dọa các dữ liệu của họ, như tấn công mã độc tống tiền (46%), mã độc đào tiền ảo (53%) và kỹ nghệ xã hội (52%). Việc đào tạo, phổ biến về những mối đe dọa này dường như còn chậm, vì số người dùng biết về mã độc tống tiền chỉ tăng 4% so với năm 2018.
Các doanh nghiệp đang tích cực bảo vệ dữ liệu bằng đám mây
Trung bình, nếu doanh nghiệp gián đoạn hoạt động trong khoảng 1 giờ, thì ước tính thiệt hại mất khoảng 300.000 USD, nên các doanh nghiệp biết rõ giá trị dữ liệu của họ. Vì các Giám đốc điều hành và nhà điều hành cấp cao đang phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an toàn dữ liệu của doanh nghiệp sau khi xảy ra hàng loạt các sự cố an toàn thông tin cấp cao, nên việc quản lý, lãnh đạo về lĩnh vực này đã được chú ý và chủ động hơn. Điều này giải thích tại sao người dùng doanh nghiệp được khảo sát trả lời rằng, họ đã chuẩn bị cho việc đảm bảo an toàn các tệp tin, ứng dụng và hệ thống. Phần lớn người dùng cho rằng, an toàn dữ liệu là lợi ích quan trọng hàng đầu đối với họ.
Năm 2019 cũng là năm đầu tiên mà các doanh nghiệp được đưa vào đối tượng khảo sát. Trả lời đến từ các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, bao gồm 32,7% doanh nghiệp nhỏ với dưới 100 nhân viên, 41% doanh nghiệp vừa với 101-999 nhân viên và 26,3% doanh nghiệp lớn với trên 1.000 nhân viên. Bất kể với quy mô công ty nào, thì phần lớn câu trả lời đều cho rằng đảm bảo an toàn dữ liệu là ưu tiên hàng đầu, bằng các phương thức như sao lưu dữ liệu công ty hàng tháng (35,1%), hàng tuần (24,8%) hoặc hàng ngày (25,9%). Kết quả cho thấy, 68,7% doanh nghiệp cho biết trong năm 2018 đã không trải qua sự cố mất mát dữ liệu nào khiến gián đoạn hoạt động làm việc.
Các doanh nghiệp cũng nhận thức được những rủi ro mới nhất đối với dữ liệu, bởi họ báo cáo là lo ngại hoặc rất lo ngại về tấn công mã độc tống tiền (60,6%), tấn công đào tiền ảo (60,1%) và tấn công kỹ nghệ xã hội (61%).
Trong thực tế, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều dựa vào sao lưu dữ liệu trên đám mây, với 48,3% chỉ sử dụng sao lưu đám mây và 26,8% kết hợp sử dụng sao lưu tại chỗ và sao lưu đám mây.
Với mối quan tâm về an toàn dữ liệu, sự phụ thuộc vào đám mây là điều dễ hiểu vì với điều kiện của an toàn dữ liệu là dữ liệu luôn có sẵn để phục hồi, thì một bản sao lưu trên đám mây bên ngoài sẽ đảm bảo dữ liệu vẫn tồn tại ngay cả khi hỏa hoạn, lũ lụt hoặc thiên tai phá hủy các cơ sở hạ tầng của công ty. Về mặt đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu, thì sao lưu trên đám mây cung cấp một bộ đệm được tích hợp giải pháp mã hóa mà sẽ gây khó khăn cho tấn công bằng mã độc.
Các khuyến nghị từ chuyên gia an ninh mạng
Hãng Acronis có 4 đề xuất đơn giản giúp người dùng đảm bảo an toàn dữ liệu như sau:
- Luôn sao lưu các dữ liệu quan trọng. Lưu giữ các bản sao lưu dữ liệu cả tại chỗ (để có thể phục hồi nhanh chóng thường xuyên) và trên đám mây (để đảm bảo các trường hợp hỏa hoạn, lũ lụt hoặc thiên tai phá hoại cơ sở hạ tầng).
- Đảm bảo hệ điều hành và phần mềm là phiên bản mới nhất. Sử dụng hệ điều hành hoặc ứng dụng chưa được cập nhật đồng nghĩa với việc thiếu các bản vá sửa lỗi và bảo mật. Những bản vá này sẽ giúp ngăn chặn tội phạm mạng truy cập vào hệ thống.
- Cảnh giác với các email, liên kết và tệp tin đáng ngờ. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus và mã độc tống tiền đều do tấn công kỹ nghệ xã hội đã lừa nạn nhân mở tệp độc hại đính kèm email hoặc nhấp vào liên kết đến các trang web có chứa mã độc.
- Cài đặt phần mềm diệt virus và cho phép cập nhật tự động để hệ thống được bảo vệ chống lại các mã độc phổ biến. Người dùng Windows nên thiết lập ứng dụng Windows Defender được kích hoạt và tự động cập nhật.
Toàn Thắng
Theo Help Net Security