Rò rỉ thông tin và thương hiệu Wikileaks
Và liên quan tới vụ việc WikiLeaks công bố các thông tin nhạy cảm ảnh hưởng tới quan hệ chính trị - kinh tế quốc tế là câu hỏi Chủ của WikiLeaks là người như thế nào?
Nguồn rò rỉ thông tin
Hầu hết các thông tin rò rỉ được phát hành bởi WikiLeaks được cho là có nguồn gốc từ một mạng lưới thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ - Siprnet, sử dụng cho việc trao đổi thông tin đã được phân loại thực hiện các báo cáo nhanh. Căn cứ để xác định là nguồn gốc của các tin tức bị rò rỉ là những tag - mã số địa chỉ “Sipdis”gắn vào phần đầu mỗi tài liệu, điều này minh chứng là tài liệu được phân phối bởi Siprnet.
Siprnet (Secret Internet Protocol Router Network), được thành lập vào những năm 1990, cho phép thông tin đã phân loại được chia sẻ dễ dàng hơn và ngăn ngừa các lỗi của truyền thông giữa các cơ quan tình báo. Nó được thiết kế để trao đổi thông tin đến mức “tối mật” (secret) và cho phép khoảng 2,5 triệu nhân viên quân sự và dân sự được quyền truy cập vào mạng. Trong số 90.000 tài liệu bị phát tán thì chỉ có 6% (hơn 15.000) số tài liệu trên được phân loại là tài liệu tối mật (secret); 40% số khác được phân vào vùng dữ liệu có độ “mật” (confidential); phần còn lại là các tài liệu đã được giải mật. Siprnet là không được dùng cho thông tin “tuyệt mật” (top- secret).
Siprnet sử dụng công nghệ tương tự như Internet, có mật mã chuyên dụng và được định tuyến tách biệt với tất cả các hệ thống thông tin liên lạc khác.
Hệ thống được bảo vệ bởi một loạt các biện pháp an ninh như: Tất cả người dùng phải đăng ký và được phê duyệt quyền sử dụng; mật khẩu dùng ở mức phức tạp và phải được thay đổi sau mỗi kỳ là 150 ngày; chỉ có thể truy cập từ các máy tính đặc biệt nằm trong vị trí an toàn; người sử dụng không được rời xa tầm webcam không được kết nối với internet trừ phi có sự chấp thuận đặc biệt; các thiết bị lưu trữ thông tin được nâng cấp độ bảo mật khi kết nối với máy tính mà Siprnet cho phép; Siprnet kiểm tra dấu vết của tất cả người dùng, bao gồm cả danh tính của những người truy cập.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thiết lập mạng điện tín trung tâm, cho phép thông tin chia sẻ của Bộ trên Siprnet kể từ sau sự kiện 11/9/2001. Đại đa số các đại sứ quán Mỹ được kết nối với Siprnet.
Việc chia sẻ dữ liệu trên mạng này cần thiết để tăng cường hiệu quả cho công tác tình báo của Mỹ, nhưng cũng vì vậy mà nguy cơ tấn công hệ thống dữ liệu này trở nên lớn hơn.
Điều dự báo đã xảy ra. Tháng 4/2010, WikiLeaks bắt đầu đưa lên mạng đoạn băng video về vụ máy bay trực thăng quân sự Mỹ xả đạn vào một nhóm người ở Baghdad, trong đó có 2 nhà báo của Hãng tin Reuters và một chiếc xe chở đầy thường dân trong đó có 2 trẻ em. Sau đó, WikiLeaks tiếp tục công bố 75.000 tài liệu về chiến tranh Afghanistan. Ba tháng sau, 400.000 báo cáo chiến tranh Iraq được WikiLeaks đưa lên mạng, trở thành “vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất” trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 28/11/2010, WikiLeaks đã công bố 250.000 thư tín ngoại giao của các sứ quán Mỹ trên khắp thế giới, trong đó chứa đựng nhiều thông tin nhạy cảm. Bộ Ngoại giao Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lên án hành động này như là một “vụ tấn công vào cộng đồng quốc tế”.
WikiLeaks và sáng lập viên Paul Julian Assange
WikiLeaks được thành lập vào năm 2006, do Paul Julian Assange (sinh ngày 03/7/1971) là một nhà báo Úc làm Tổng biên tập. Trước đó, Assange đã từng làm công việc của một lập trình viên máy tính và là một hacker. WikiLeaks đã nhận được nhiều giải báo chí, trong đó có New Media Award của tạp chí The Economist (Anh) năm 2008 và giải UK Media Award của Tổ chức Ân xá quốc tế. Tháng 5/2010, tờ NewYork Daily News đã xếp WikiLeaks đứng đầu bảng “những website có thể thay đổi toàn bộ diện mạo thông tin”. Năm 2010, độc giả của tạp chí Time bình chọn Assange là người của năm. Assange hiện đang bị cáo buộc theo pháp luật của Thụy Điển đã bị bắt tại London, Anh vào ngày 07/12/2010; hiện đang được tại ngoại ở Anh và chờ phán xét của tòa án.
Mỗi năm, WikiLeaks cần đến 200.000 USD để duy trì hoạt động. Số tiền này bao gồm các khoản lương của nhân viên và phí sử dụng dịch vụ mạng Internet, phí lưu trữ thông tin, bảo trì và nâng cấp phần cứng...
Những sự kiện kéo theo WikiLeaks
Chưa ai bị buộc tội chuyển các tệp tin ngoại giao cho WikiLeaks nhưng nghi ngờ đang tập trung vào Binh nhất quân đội Mỹ là Bradley Manning, một nhà phân tích tình báo đã bị bắt tại Iraq vào tháng 6/2010, được cho là có liên quan tới rò rỉ tài liệu của Mỹ. WikiLeaks đã phủ nhận giả thuyết cho rằng Manning đã cung cấp hồ sơ cho họ, và nói thêm rằng với các công nghệ hiện tại thì không khẳng định được Manning thực sự là người cung cấp hồ sơ.
Người ta còn cho rằng, hệ thống bảo mật trực tuyến của Siprnet nhằm phát hiện các truy cập đáng ngờ đã bị tắt trên các máy tính sử dụng trong quân đội Mỹ đóng tại Iraq.
Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nói rằng, có khả năng một ai đó trong một căn cứ ở Iraq đã vi phạm quy định an ninh trong hệ thống Siprnet và đã truy cập được vào cáp truyền về Iceland.
Vụ WikiLeaks đã khiến chính quyền Mỹ phải công bố kế hoạch cải tổ ngành ngoại giao. Nhiều quan chức ngoại giao tại các đại sứ quán nước ngoài, các nhân viên CIA, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ được “thuyên chuyển công tác”. Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trương tuyển nhiều nhân viên mới làm việc tại Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) ở Washington nhằm tạo ra những vị trí mới trong cấu trúc lãnh đạo đã được sửa đổi và tổ chức lại. Tuy nhiên, thế giới còn phải chờ đợi xem việc cải tổ ngành Ngoại giao Mỹ có nằm trong nhiệm kỳ của Ngoại trưởng Clintơn hay không.
WikiLeaks rút xuống boongke hạt nhân
Chính phủ Mỹ đã gây sức ép đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ máy chủ cho WikiLeaks, tạm thời làm gián đoạn việc rò rỉ thư tín ngoại giao của WikiLeaks. Amazon đã ngừng cung cấp dịch vụ cho WikiLeaks ngay sau khi chính quyền Mỹ yêu cầu điều tra mối quan hệ của công ty này với WikiLeaks.
Hậu quả là trang web của WikiLeaks đã không thể truy cập được trong nhiều giờ. Ban quản trị WikiLeaks quay lại sử dụng hệ thống máy chủ đã từng được sử dụng trước đây của công ty Bahnhof, Thụy Điển. Hệ thống máy chủ này được chứa ở một căn hầm kiên cố trong núi đá, được thiết kế tránh bom hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh và được bảo vệ một cách đặc biệt. Bahnhof là nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng và máy chủ cho nhiều trang web của Thụy Điển.
Những hacker ủng hộ WikiLeaks: Một số trang web thanh toán trực tuyến đã tuyên bố cắt đứt quan hệ và xóa bỏ mọi giao dịch với WikiLeaks. Ngay lập tức, những hacker ủng hộ WikiLeaks đã lập ra chiến dịch được gọi là “Hành động trả đũa”, đã đánh sập các trang giao dịch thanh toán Internet và gửi thông điệp nhận trách nhiệm về việc gây ra lỗi truy cập hệ thống tại website của MasterCard và Visa. Bên cạnh đó, rất nhiều website của cá nhân, doanh nghiệp khác công khai chống đối WikiLeaks cũng bị tấn công.
Openleaks - đối thủ của WikiLeaks: Thành phần sáng lập ra Openleaks là những người từng giữ vai trò chủ chốt của WikiLeaks, song bất đồng với cách điều hành của Julian Assange. Giống như WikiLeaks, Openleaks dự kiến chủ yếu cung cấp các tài liệu nhạy cảm rò rỉ từ các chính phủ, tổ chức và các nhóm tôn giáo. Trang web này cấp quyền truy cập cho các tổ chức, cá nhân muốn xem thông tin mà không công bố các tài liệu mật đó một cách trực tiếp trên mạng. Các tổ chức, cá nhân nào tự ý phát tán tài liệu này sẽ phải chịu mọi trách nhiệm có liên quan. Openleaks cũng cho phép những người có thông tin mật, các tổ chức đối tác đăng tải thông tin dưới dạng cả hữu danh và vô danh. Openleaks được điều hành bởi tất cả các thành viên sáng lập với hy vọng là có thể tránh được “vết xe đổ” của WikiLeaks, vốn đang phải hứng chịu sự phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới.
Thay cho lời kết
WikiLeaks thu hút sự chú ý của các chính trị gia, các nhà quản lý của các tổ chức tài chính - ngân hàng trong phạm vi toàn cầu. Sau khi WikiLeaks công bố các thông tin chính sách đối ngoại, kinh tế, quân sự qua con đường ngoại giao có liên quan đến các quốc gia nằm trong “điểm nóng” chính trị - quân sự, các giao dịch có tính chất nhạy cảm của tổ chức kinh tế lớn trến thế giới..., thì vấn đề về chính sách an ninh thông tin trong các tổ chức... càng được đặt ra mang tính cấp bách và toàn cầu. Ngày nay, các quốc gia, các tổ chức ngoài nhiệm vụ phải giải quyết các mối quan hệ nhằm đạt lợi ích kinh tế- chính trị- quân sự, về khía cạnh an toàn thông tin còn phải đối mặt với “bên thứ 3” như WikiLeaks.
Người ta cũng chưa hình dung được sự công phá của “qủa bom WikiLeaks” mà sức phá hủy của nó nằm ở tính lan truyền thông tin trong thế giới “ảo” trên môi trường Internet toàn cầu. Trong thế giới đó, thông tin sơ cấp và thứ cấp có nguồn gốc từ WikiLeaks thu hút sự chú ý của dư luận bởi tính “mơ hồ” được đan xen với “sự minh bạch” thông tin. Để làm tường minh vấn đề, thế giới cần nhiều nguồn lực về con người với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại. Song để hạn chế thông tin rò rỉ, các tổ chức cần đầu tư về thiết bị, công nghệ và đặc biệt chú trọng yếu tố làm nên giá trị bền vững, đó là con người và văn hóa tổ chức. Ngăn ngừa rò rỉ thông tin, chủ động phòng vệ đối với chiến tranh thông tin là phương pháp hữu hiệu và ít tốn kém nhất.