Năm doanh nghiệp Việt Nam làm chủ nền tảng điện toán đám mây
Nhằm thúc đẩy nhanh việc phát triển các nền tảng điện toán đám mây, từ đó làm nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia. Tháng 4/2020, Bộ TT&TT đã ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Bao gồm 153 tiêu chí, trong đó có 84 tiêu chí kỹ thuật và 69 tiêu chí an toàn thông tin.
Ngay sau đó, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo Cục An toàn thông tin khẩn trương tổ chức đánh giá thực tế đối với các nền tảng điện toán đám mấy Make in Vietnam. Từ đó, các nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ được đánh giá đáp ứng sẽ có được độ tin cậy cao đối với người dùng.
Năm doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ nền tảng điện toán đám mây được xác nhận đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần VNG, Công ty Cổ phần Hạ tầng Viễn thông CMC và Công ty Cổ phần VCCorp.
Lãnh đạo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT trao chứng nhận cho 5 doanh nghiệp
Đây là các nền tảng ưu việt, được sử dụng rộng rãi hiện nay tại Việt Nam. Có thể kể đến, nền tảng Viettel cloud được ứng dụng cho các lĩnh vực như: viễn thông, an toàn, an ninh mạng, công nghệ thông tin. Viettel Cloud được xây dựng với quy mô tài nguyên hơn 17.000 máy chủ có năng lực lưu trữ trên 30.000 Terabyte dữ liệu. Hiện nay, Viettel cloud đang cung cấp cho hơn 14.500 khách hàng trên toàn quốc, dưới dạng Public Cloud và Private Cloud.
Hay nền tảng VNPT Cloud của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thiết kế để có thể sử dụng nhiều hạ tầng Cloud với các công nghệ khác nhau. Tài nguyên được cấp trên các hạ tầng Cloud khác nhau với các công nghệ ảo hoá và đảm bảo nhất quán các quy trình nghiệp vụ. Với tổng số 1.000 server có năng lực lưu trữ 10.000 Terabyte, VNPT Cloud hiện cung cấp dịch vụ cho khoảng 800 khách hàng tổ chức, doanh nghiệp.
Một nền tảng khác đáp ứng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật là nền tảng VNG Cloud. Nền tảng này hướng tới mục tiêu tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực cho tổ chức/ doanh nghiệp. Với tổng 5.350 server có năng lực lưu trữ 12.100 Terabyte, VNG Cloud có khoảng 650 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ.
Còn nền tảng CMC Cloud là mô hình điện toán đám mây đang cung cấp dịch vụ cho các khối Chính phủ, Hành chính công, Tài chính, Thương mại Điện tử…. Với 278 server có năng lực lưu trữ khoảng 15.000 Terabyte, CMC Cloud hiện có khoảng 6.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ.
Cuối cùng là nền tảng điện toán đám mây của BizFly Cloud của Công ty Cổ phần VCCorp với 15 dịch vụ đáp ứng hầu hết các nhu cầu về hạ tầng trong một doanh nghiệp. BizFly Cloud đang cung cấp cho 1.200 khách hàng trong đó có 800 khách hàng doanh nghiệp, với năng lực lưu trữ lên tới 20.000 Terabyte của 1.000 server.
Ngọc Mai