Tòa án nhân dân tối cao đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ về bảo mật, an toàn thông tin
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc hai bên đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW; Kết quả phối hợp giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao trong triển khai nhiệm vụ về bảo mật, an toàn thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Nắm bắt nhu cầu bảo mật, chữ ký số chuyên dùng công vụ, giám sát an toàn thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Tòa án; Xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới làm cơ sở để lãnh đạo 2 bên chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Trong những năm qua, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo mật, an toàn thông tin, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai dịch vụ chứng chực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ cho một số hoạt động của Tòa án như: Thực hiện các thủ tục giao dịch với kho bạc, thủ tục tiếp nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử; Tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các Tòa án, đơn vị trong Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện trang cấp đầy đủ thiết bị lưu trữ an toàn có chức năng bảo mật (do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp) đến cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tòa án….
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong thực hiện công tác bảo mật, an toàn thông tin và đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm nâng cao công tác bảo mật, an toàn thông tin trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác bảo mật, an toàn thông tin. Tòa án nhân dân tối cao mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Cơ yếu Chính phủ để hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin và ứng dụng chữ ký số để thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực, an toàn thông tin; Tiếp tục hỗ trợ củng cố phát triển mạng liên lạc của Cơ yếu trong ngành Tòa án nhân dân, cung cấp trang thiết bị nghiệp vụ kỹ thuật mật mã cần thiết, hỗ trợ triển khai các giải pháp bảo mật kênh truyền, giám sát an toàn thông tin; Đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức Tòa án về bảo mật, an toàn thông tin và trong việc sử dụng các dịch vụ ký số, xác thực sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ tại Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng chí Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng mong muốn ký kết Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cơ yếu Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Tòa án chủ động phối hợp với Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền (Ban Cơ yếu Chính phủ) sớm xây dựng Quy chế phối hợp để làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện công tác trong lĩnh vực cơ yếu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trao Biểu trưng ngành Cơ yếu Việt Nam cho Tòa án nhân dân tối cao.
Qua nghe báo cáo, ý kiến phát biểu, thảo luận của đồng chí Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng và các đại biểu tham dự buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng thống nhất cao với các nội dung của báo cáo và ghi nhận những kết quả phối hợp của 2 bên đã đạt được về công tác bảo mật và an toàn thông tin.
Đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng khẳng định: Thời gian qua, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo an toàn thông tin theo các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy định của pháp luật. Đồng thời đã triển khai giải pháp, sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ; Đẩy mạnh triển khai giám sát, đánh giá an toàn hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu của Tòa án nhân dân tối cao.
Trong thời gian tới, để giải quyết những hạn chế, khó khăn và tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động của công tác bảo mật, an toàn thông tin, đồng chí Phó Trưởng ban đề nghị, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục quan tâm, triển khai Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị, các quy định của pháp luật về Cơ yếu cho toàn ngành Tòa án nhân dân; Nghiên cứu lồng ghép chuyên đề quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy của Học viện Tòa án để học viên có thể tiếp cận, phục vụ công tác thực tế; Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn thông tin, các quy định của pháp luật liên quan tới bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin; Xem xét xây dựng tổ chức cơ yếu tại ngành Tòa án nhân dân tối cao phục vụ công tác bảo đảm bảo mật thông tin bí mật nhà nước…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Sau buổi làm việc, hai bên thống nhất phối hợp hoàn thiện biên bản làm việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới. Ban Cơ yếu Chính phủ giao Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền là đầu mối tham mưu các nội dung triển khai công tác cơ yếu, bảo mật an toàn thông tin cho Tòa án nhân dân tối cao.
Nguyễn Ngoan