Giám đốc dữ liệu - Vị trí lãnh đạo mới thời Big Data

16:00 | 27/06/2014 | GIẢI PHÁP KHÁC
Dữ liệu đang trở thành một phần quan trọng trong việc đặt nền tảng CNTT và phát triển doanh nghiệp. Và một nhu cầu thiết yêu về vị trí đứng đầu trong lĩnh vực nền tảng dữ liệu đang được đặt ra nhằm đánh giá, xây dựng hệ thống phục vụ cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc dữ liệu (Chief Data Officers-CDO) là một vị trí quản lý đầu não của công ty, chịu trách nhiệm về quản lý và khai thác dữ liệu của doanh nghiệp. CDO sẽ có vị trí ngang hàng các quản trị viên cấp cao khác như Giám đốc công nghệ (CTO), Giám đốc công nghệ thông tin (CIO), Giám đốc điều hành (CEO), Giám đốc tiếp thị (CMO) hay Giám đốc chiến lược (CSO).

Trong báo cáo thường niên Cisco® Global Cloud Index (2012-2017) lần thứ ba, Cisco đã dự báo lưu lượng mạng qua trung tâm dữ liệu tăng gấp ba lần và đạt 7,7 zettabytes vào năm 2017 (1ZB = 1021 B). Trong đó, 17% sẽ là lượng dữ liệu trao đổi thông qua việc truy cập điện toán đám mây và các nhu cầu của người dùng cuối (xem video, chạy ứng dụng, kết nối thiết bị); 76% được lưu trữ, vận hành và phát triển trong môi trường ảo hóa của các trung tâm dữ liệu. 7 % còn lại là sự trao đổi giữa các trung tâm dữ liệu. Dữ liệu ngày càng  trở nên lớn và phức tạp hơn, tạo ra nhiều thay đổi về bản chất. Dữ liệu bây giờ là sự pha trộn giữa các nguồn dữ liệu, kiểu dữ liệu và cơ chế chia sẻ thay thế dần cho các cơ chế cũ như dữ liệu trong, dữ liệu ngoài, cấu trúc và phi cấu trúc…

Thông thường, lượng nội dung từ phía doanh nghiệp tạo ra chỉ chiếm 20%, trong khi đó tới 80% lượng dữ liệu được sinh ra trong quá trình tương tác với người dùng cuối, mà doanh nghiệp phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn… Điều này cũng đặt ra cho doanh nghiệp nhu cầu cấp thiết về giải pháp xử lý dữ liệu cho nội bộ, khách hàng và đảm bảo bí mật trước đối thủ cạnh tranh...

Vai trò của CDO

Hiện tại, nhận thức về vai trò của CDO còn khá hạn chế khi mà vị trí này hiện chỉ mới tập trung vào một số công ty lớn. Ước tính chỉ có 1 % các công ty Mỹ đã có một vị trí CDO hay thuê một người nào đó để thực hiện trách nhiệm gắn liền với vai trò này. Con số rất khiêm tốn nhưng số lượng CDO ở Mỹ lại chiếm 60% trên toàn thế giới, phần còn lại là 20% ở Anh và phân bố trên 10 nước khác. Vào năm 2014, theo dự đoán sẽ có hơn 10% các tổ chức chính phủ sẽ bổ nhiệm vị trí CDO.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Big Data cũng như các giá trị tiềm năng dành cho doanh nghiệp  thì vai trò của CDO sẽ được khẳng định rõ ràng hơn.

Giám đốc dữ liệu (Chief Data Officers) và Giám đốc kỹ thuật số (Chief Digital Officer) có chung tên viết tắt là CDO. Giám đốc kỹ thuật số thì có vai trò phân tích nội dung, phân tích truyền thông xã hội, cá nhân hóa trang web, quảng cáo máy tính, thử nghiệm trực tuyến,...  Còn  giám đốc dữ liệu sẽ đảm nhận vai trò nào trong doanh nghiệp?

Từ thập niên 90 trở về trước thì vai trò của vị trí xử lý dữ liệu trong được xem là quan trọng trong đội ngũ quản lý cao cấp của doanh nghiệp. Vai trò của giám đốc dữ liệu thường chỉ xuất hiện ở các doanh nghiệp đặc thù và chỉ khi các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo nhận thức được dữ liệu là một tài sản quan trọng. Việc đầu tư vào các nguồn lực để thực hiện chiến lược về hệ thống và biến dữ liệu thành một tài sản ngang tầm với các thành phần khác như tài chính, cơ sở vât chất, IP (sở hữu trí tuệ)…

Mặc dù trước đây, CEO là người quyết định về việc sử dụng các tài sản của doanh nghiệp nhưng hầu hết thường không đánh giá hết vai trò của dữ liệu. Do vậy, các doanh nghiệp này thiếu khả năng quản lý chiến lược liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ dữ liệu họ thu thập được. Có nhiều khái niệm về vị trí giám đốc dữ liệu nhưng vai trò cụ thể nhất của một CDO trong doanh nghiệp là đảm bảo các giá trị từ dữ liệu, phải chắc chắn rằng các dữ liệu sẽ được thu thập và được quản lý đúng cách, xác định những rủi ro cho dữ liệu; tạo ra hệ thống để phân tích, đánh giá dữ liệu tốt hơn, hỗ trợ cho việc phát triển chiến lược kinh doanh.

CDO tạo ra sự khác biệt

Giám đốc dữ liệu (CDO) và giám đốc thông tin (CIO) có sự liên hệ mật thiết với nhau về hệ thống cơ sở dữ liêu của doanh nghiệp. Một CIO thường quan tâm đến các hệ thống thông tin cơ sở hạ tầng được sử dụng để thu thập và quản lý dữ liệu còn CDO lại sử dụng dữ liệu đó để có thể đáp ứng yêu cầu kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp thường sử dụng CIO kiêm nhiệm luôn việc của một CDO, nhưng trên thực tế hiện nay khi lượng dữ liệu đang phình ra với cấp số nhân thì vai trò của 2 vị này khó có thể đánh đồng với nhau. CIO và đội ngũ nhân viên có thể không hướng trọng tâm kinh doanh dự trên nên tảng dữ liệu. Nhiều doanh nghiệp thất bại trong việc kinh doanh từ nền tảng dữ liệu bởi họ thiếu một vị trí chuyên trách như CDO hay CAO (Chief Analytic Officer - giám đốc phân tích). CIO thực sự đảm bảo được làm thế nào để có được dữ liệu từ người dùng cuối và các ứng dụng của cả giao dịch và hoạt động – nhưng với xu thế hiện tại là phát triển kinh doanh thì chưa có thể đảm bảo được.

Với sự gia tăng của các cấu trúc định hướng dịch vụ (Service Oriented Architectures - SOA), thu thập dữ liệu hệ thống trên diện rộng, và việc lưu trữ dữ liệu/cơ chế trao đổi dữ liệu đa dạng (Databases, XML, EDI...), việc đưa ra những hướng dẫn cá nhân để tạo ra và áp dụng chiến lược dữ liệu là rất cần thiết.

Một CDO sẽ tập trung vào sự hiểu biết dữ liệu một doanh nghiệp đang thu thập, làm thế nào dữ liệu được bảo vệ, và những người được quyền truy cập vào dữ liệu. CDO sẽ phải nhận báo cáo trực tiếp từ tất cả các bộ phận kinh doanh và phối hợp các nhu cầu dữ liệu/thông tin của từng bộ phận chức năng với hệ thống công nghệ  nhằm đẩy nhanh thời gian để đánh giá dữ liệu.

Các doanh nghiệp hiện tại đang thu thập khai thác dữ liệu một cách thức khá rõ ràng. Tuy nhiên,  do khối lượng dữ liệu có liên quan tới nhiều hệ thống, và độ phức tạp của dữ liệu tăng cao khiến khả năng quản lý một số trường hợp đã vượt qua vai trò của CIO.

Bây giờ doanh nghiệp nhìn thấy được những giá trị từ hệ thống dữ liệu của họ và biến dữ liệu đã trở thành tiền tệ cơ bản cho sự đổi mới. Trong xu hướng phát triển hệ thống kinh doanh dựa vào khả năng tối ưu hóa dữ liệu (Business Intelligence), các nhà lãnh đạo mới đang thấy các giá trị quan trọng từ lượng lớn dữ liệu mà doanh nghiệp, tổ chức đang thu thập và duy trì. Vì vậy một vị trí CDO là rất quan trọng trong việc phát triển và định hướng mô hình Business Intelligence.

CDO tiên phong

Các tổ chức tài chính, tổ chức chăm sóc sức khỏe, và các cơ quan Chính phủ thường được coi là những người tiên phong đặt nền móng cho vị trí CDO.

Trên thế giới, các cơ sở y tế đang sử dụng rất linh hoạt những tiện ích xuất phát từ dữ liệu lớn. Nhưng thực tế thì các doanh nghiệp về hệ thống viễn thông, điện thoại… đã sử dụng hệ thống dữ liệu trong nhiều năm qua với mục đích phục vụ, quan hệ khách hàng.

Netflix, Harrah, Amazon và Wal-Mart có điểm gì chung? Câu trả lời khá đơn giản. Họ sử dụng hệ thống phân tích dữ liệu để bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.

Chuỗi khách sạn, casino Harrahs ở Mỹ trước đây đã sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ khách hàng của mình tạo nên xu hướng mới trong ngành giải trí cờ bạc. Năm 1997, Harrah đã cho ra mắt loạt thẻ khách hàng ưu tiên dành cho người chơi. Khi khách hàng tích lũy các khoản tín dụng và phần thưởng khi chơi bài, Harrah đã thực hiện nghiên cứu, phân tích dữ liệu về thói quen, hành vi của người chơi giúp chuỗi casino này cá nhân hóa những phương thức tiếp thị. Hiện nay, một cơ sở hạ tầng dữ liệu như Harrah có chi phí từ 20-50 triệu USD khi đưa vào hoạt động.

Thành phố Philadelphia của Mỹ gần đây đã bổ nhiệm Mark Headd vào vị trí Giám đốc dữ liệu, với nhiệm vụ là thực hiện chính sách dữ liệu mở của thành phổ này. Philadelphia, giống như các thành phố khác, phải đối mặt với những thách thức từ nguồn dữ liệu khổng lồ đến từ các phòng ban. Ví dụ, khoảng 10 phòng ban khác nhau đã từ lâu thu thập thông tin về khu dân cư và thương mại, nhưng không bộ phận nào có thể cho thấy giá trị tài sản tổng thể. Khi Philadelphia đánh giá lại tất cả bất động sản trong năm qua, Headd đã tạo ra một phương thức để sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ lưu trữ bằng các liên kết hệ thống dữ liệu.

Cathryne Clay Doss của Capital One là một trong những người đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc dữ liệu vào năm 2003. Ngoài ra còn một số nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ khác như Usama Fayyad của Yahoo, người đầu tiên của hãng giữ vị trí chính thức giám đốc dữ liệu. Một người khác đó là Thomas Muller giám đốc dữ liệu của tập đoàn Allied Management Group.  John Bottega trở thành giám đốc dữ liệu của CitiGroup (CIB). Ông hiện là CDO của dự trữ liên bang New York và Chủ tịch Hội đồng EDM.

Bệnh viện trẻ em Seattle từ năm 2007 đã có Giám đốc phụ trách dữ liệu của phòng thí nghiệm và phân tích kinh doanh (bao gồm phát triển và quản lý tài nguyên chiến lược của bệnh viện, mô hình kinh tế...)

Nhiều ngân hàng lớn và các công ty bảo hiểm, sau cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 đã tạo ra vai trò CDO để đảm bảo chất lượng dữ liệu và minh bạch các quy định, quản lý rủi ro cũng như lập nên các báo cáo phân tích.

Mặc dù xu hướng CDO đang lên cao, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả mọi công ty cần có vị trí giám đốc dữ liệu này. Thông thường CDO trước tiên phải đảm bảo được khả năng xử lý như một CIO, bởi hiện tại CIO đôi lúc chỉ là những người đảm nhận hệ thống cơ sở hạ tầng chứ không phải là một giám đốc thông tin thực sự.  Khả năng kiêm nhiệm và tích hợp của 2 vị trí này khá cao tùy theo từng môi trường, nhu cầu của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới