Cảnh báo rủi ro mất an toàn thông tin từ Black Friday

15:00 | 28/11/2018 | HACKER / MALWARE
Các mã độc Trojan chuyên tấn công vào hệ thống ngân hàng, tài chính (Banking Trojans) ngày càng gia tăng mục tiêu lên các trang thương mại điện tử nhằm mục đích đánh cắp dữ liệu khách hàng.

Thông thường, các Banking Trojans có mục tiêu nhắm tới người dùng các dịch vụ tài chính trực tuyến; nhằm đánh cắp dữ liệu tài chính hoặc xây dựng mạng botnet để phục vụ cho các cuộc tấn công khác. Theo thời gian, các biến thể của Banking Trojans được phát triển tính năng mới và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Các tính năng nguy hiểm như: chiếm quyền quản trị trên thiết bị lây nhiễm; chèn (inject) các mã độc hại; chiếm quyền sử dụng camera.... Đặc biệt, mở rộng phạm vi tấn công lên các trang mua sắm trực tuyến.

Theo thống kê của Kaspersky Lab, có 14 họ mã độc đang nhắm tới mục tiêu là các trang thương mại điện tử để đánh cắp thông tin. Các Banking Trojan phổ biến như: Betabot, Panda, Gozi, Zeus, Chthonic, TinyNuke, Gootkit2, IcedID và SpyEye. Số lượng mã độc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây, từ 6,6 triệu (năm 2015) lên khoảng 12,3 triệu (cuối năm 2018). Dự tính, có khoảng 9,2 triệu mã độc được phát hiện vào cuối Quý III/2018, với mức tăng 12% từ năm 2016 - 2017 và mức tăng dự kiến ​​10% trong năm 2017 - 2018.

Thống kê số lượng Banking Trojans giai đoạn 2015 - 2018

Phương thức tấn công của Banking Trojans

Bằng việc tấn công các trang thương mại điện tử có uy tín, Banking Trojans thu thập thông tin đăng nhập, mật khẩu, số thẻ, số điện thoại.... của người dùng. Để có được những thông tin này, Banking Trojans thực hiện chặn bắt các truy vấn vào trên các trang web mục tiêu, sau đó sửa đổi nội dung trang web hoặc chuyển hướng truy cập đến các trang lừa đảo do tin tặc dựng sẵn.

Ví dụ, Trojans cho phép các tin tặc theo dõi hoạt động truy cập website trên thiết bị lây nhiễm. Nếu phát hiện người dùng truy cập đến một trang web mục tiêu, Trojans sẽ kích hoạt chức năng lấy mẫu (Form grabbing). Form grabbing là một kỹ thuật được sử dụng để lưu tất cả thông tin mà người dùng nhập trên trang web. Các dữ liệu nhập vào có thể sẽ chứa thông tin đăng nhập, mật khẩu, dữ liệu thanh toán (như số thẻ tín dụng, ngày hết hạn và CVV).... Nếu không có biện pháp xác thực hai yếu tố, thì tin tặc có thể dễ dàng sử dụng thông tin thẻ tín dụng cho những mục đích trái phép.

14 dòng mã độc đã được tìm thấy nhắm vào người dùng của 67 trang web thương mại điện tử. Trong đó bao gồm 33 trang web bán hàng thời trang (quần áo, giày dép, quà tặng, đồ chơi, đồ trang sức và cửa hàng bách hóa), 8 trang web bán hàng điện tử, 8 trang web giải trí và trò chơi, 3 trang web viễn thông, 2 trang thanh toán trực tuyến, 3 nền tảng bán lẻ trực tuyến....

Betabot nhắm đến 46 thương hiệu khác nhau và là Trojan duy nhất nhắm mục tiêu đến các trang web giải trí và trò chơi điện tử. Trong khi đó, Gozi nhằm vào mục tiêu 36 thương hiệu và Panda là 35 thương hiệu.

Tỷ lệ các ngành thương mại điện tử là mục tiêu của phần mềm độc hại năm 2018

Tại sao Banking Trojans nhắm mục tiêu các trang web thương mại điện tử?

Nguyên nhân lớn nhất là do lợi nhuận tài chính đem lại qua việc bán thông tin đánh cắp được. Một nguyên nhân khác là tin tặc có thể sử dụng trái phép thông tin thu thập được, như rửa tiền: mua đồ từ website bằng tài khoản của nạn nhân rồi thực hiện đó bán lại số hàng đó để thu về tiền mặt.

Năm 2018, các cuộc tấn công bằng mã độc để ăn cắp dữ liệu thông qua các trang thương mại điện tử xuất hiện nhiều ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nga và một số thị trường mới nổi. Cụ thể, khu vực ảnh hưởng của mã độc Betabot là Ý (14,13% trong 8 tháng đầu năm 2018), Đức (6,04%), Nga (5,5%) và Ấn Độ (4,87%). Đối với mã độc Gozi cũng tương tự với 19,57% ở Ý, Nga (13,89%), tiếp theo là Brazil (11,96%) và Pháp (5,91%).

Khuyến nghị

Để tránh khỏi những rủi ro mất an toàn thông tin tronng mùa mua sắm, Kaspersky Lab khuyên người dùng cần thực hiện các biện pháp bảo mật sau đây:

Đối với người tiêu dùng:

  • Sử dụng giải pháp bảo mật đủ mạnh, thường xuyên cập nhật là điều cần thiết cho tất cả các thiết bị sử dụng để mua sắm. Không thực hiện các giao dịch trực tuyến từ các trang web không đáng tin cậy, hoặc giống như một phiên bản không hoàn chỉnh của trang web chính thức của nhà sản xuất.
  • Không nhấp vào các liên kết (links) không rõ nguồn gốc được gửi đến qua email hoặc tin nhắn, ngay cả từ những người bạn biết, trừ khi bạn đang chờ tin nhắn đó.

Đối với nhà sản xuất hoặc người bán hàng trực tuyến:

  • Sử dụng dịch vụ thanh toán có uy tín và thường xuyên cập nhật nền tảng giao dịch thanh toán trực tuyến. Các bản cập nhật mới có thể chứa các bản vá quan trọng nhằm giảm thiểu khả năng bị khai thác các lỗi đang tồn tại trên hệ thống dẫn đến thất thoát dữ liệu.
  • Sử dụng giải pháp bảo mật phù hợp để bảo vệ dữ liệu của chính doanh nghiệp và khách hàng.
  • Sử dụng các giải pháp chống gian lận, có thể tùy biến để phù hợp với doanh nghiệp và khách hàng.
  • Cân nhắc về số tiền lưu trữ trong tài khoản thanh toán trực tuyến. Nếu số dư càng lớn thì giá trị của tài khoản đó càng cao đối với tin tặc.
  • Hạn chế số lượng giao dịch trực tuyến và luôn sử dụng xác thực hai yếu tố (được xác nhận bởi các tổ chức có uy tín như Visa, MasterCard Secure Code...).

Nguyễn Tuấn Anh

Theo Kaspersky

Tin cùng chuyên mục

Tin mới