Ban Cơ yếu Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Quy chế phối hợp công tác
Tham dự Lễ ký kết, phía Ban Cơ yếu Chính phủ có các đồng chí: Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban; Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban. Phía UBND Tp. Hồ Chí Minh có đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, UBND một số quận, huyện.
Toàn cảnh Lễ ký kết
Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm khu vực phía nam nói riêng và trên cả nước nói chung. Hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước, sản lượng công nghiệp chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút lượng lớn vốn FDI cho cả nước.
Thực hiện đường lối phát triển, ngành Công nghệ thông tin của Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương luôn đi đầu trong việc phát triển khu phần mềm tập trung và được nhiều tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới tham gia đầu tư vào thị trường. Công nghiệp Điện tử - Công nghệ thông tin là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, với doanh thu ngày càng lớn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay tình hình mất an ninh, an toàn thông tin đang diễn ra hết sức phức tạp; hoạt động gián điệp, mã thám của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi; cùng với đó việc lộ, lọt thông tin bí mật nhà nước có chiều hướng tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng; chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang thực sự hiện hữu. Điều này đặt ra nhu cầu triển khai các sản phẩm mật mã, giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, phục vụ triển khai Chính phủ điện tử....
Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Lễ ký kết
Được biết đến là ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước đến các cơ quan đại diện của Việt Nam ở ngoài nước, ngành Cơ yếu Việt Nam đã trải qua 74 năm xây dựng, phát triển, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, đảm bảo thông tin phục vụ lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang được bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của Ban Cơ yếu Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hai bên đã thống nhất và đi đến ký kết Quy chế phối hợp trong lĩnh vực bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin giai đoạn 2019 - 2023. Việc Quy chế phối hợp được hai bên ký kết đã xác lập cơ sở pháp lý, cơ chế thực thi phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác, phát huy thế mạnh của các cơ quan, huy động các nguồn lực tham gia tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống công nghệ thông tin của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, với việc hợp tác hiệu quả giữa hai bên sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Trung tướng Đặng Vũ Sơn đánh giá cao công tác phối hợp trong thời gian qua giữa hai đơn vị. Cụ thể, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tập trung triển khai các sản phẩm mật mã và các giải pháp bảo mật, giám sát an toàn thông tin cho hệ thống mạng công nghệ thông tin cho Thành phố Hồ Chí Minh. Về phía Thành phố, UBND Thành phố đã tạo điều kiện và giúp Ban Cơ yếu Chính phủ trong hoạt động nghiên cứu, phát triển Khoa học - Công nghệ; cấp đất tại để Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng cơ sở đào tạo của Học viện Kỹ thuật mật mã; hỗ trợ tổ chức thành công Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Ban Cơ yếu Trung ương Cục miền Nam…
Trung tướng cho biết, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển hệ thống mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ đang triển khai các giải pháp kỹ thuật tổng thể, có hiệu quả trong lĩnh vực bảo mật, xác thực và giám sát an toàn thông tin, như: Xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Xây dựng và phát triển hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng và Chính phủ; Thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã.
Các nhiệm vụ này đều đã được triển khai và đạt được những kết quả thuận lợi, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Tại sự kiện khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Thủ tướng đã thực hiện ký bằng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ. Giải pháp bảo mật sử dụng Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát đã được tích hợp vào các máy chủ bảo mật trong Trục liên thông văn bản quốc gia nhằm thiết lập kênh trao đổi mật giữa các điểm kết nối của các Bộ, ngành, địa phương trên nền tảng công nghệ X-ROAD. Đối với Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai giải pháp mật mã để đảm bảo an toàn trong lưu trữ, truyền dữ liệu; triển khai các giải pháp giám sát, phòng chống mã độc và tấn công có chủ đích cho hạ tầng, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web và máy tính bảng.
Trung tướng khẳng định, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị thuộc Ban, nhằm tổ chức triển khai đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo Quy chế phối hợp được ký kết.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại Lễ ký kết
Thay mặt Lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang triển khai. Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin, việc bảo mật thông tin cần thực hiện trên nhiều mặt, từ lời nói, văn bản, chính sách, con người tới hệ thống. Đặc biệt, Thành phố rất lưu tâm đến việc bảo mật văn bản trước khi đưa vào hệ thống mã hóa. Trong thời gian qua, nhờ có hệ thống giám sát an toàn thông tin của Ban Cơ yếu Chính phủ, UBND Thành phố đã sớm phát hiện các tấn công mạng nhắm vào hệ thống công nghệ thông tin, các vi phạm chính sách của người dùng trong hệ thống….
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, Thành phố cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc nghiên cứu công nghệ cao để sản xuất các giải pháp bảo mật phục vụ đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống thông tin nói chung và ứng dụng trong hệ thống của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Trung tướng Đặng Vũ Sơn tặng Biểu trưng của ngành Cơ yếu Việt Nam cho đồng chí Trần Vĩnh Tuyến
Trên cơ sở nội dung của Quy chế, hai bên sẽ sớm xây dựng kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ 6 tháng, lãnh đạo hai cơ quan sẽ tiến hành tổng kết và định hướng nội dung thực hiện trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 13/8/2019, để chuẩn bị cho việc ký kết Quy chế phối hợp, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đã dẫn đầu đoàn công tác của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ.
M.T