Công tác quản lý thông tin qua vụ rò rỉ tài liệu quân sự của Mỹ
NGUYÊN NHÂN CỦA VỤ RÒ RỈ TÀI LIỆU
Sau quá trình điều tra, các nhà chức trách đã xác định được thủ phạm của vụ rò rỉ tài liệu tình báo gây chấn động thế giới vừa qua, đó là binh nhất Jack Teixeira (21 tuổi) - kỹ thuật viên công nghệ thông tin thuộc Bộ phận tình báo số 102, Căn cứ không quân Otis, Lực lượng Vệ binh quốc gia đóng tại Cape Cod, bang Massachusetts, chịu trách nhiệm về các mạng liên lạc quân sự, bao gồm hệ thống cáp và trung tâm tiếp nhận thông tin từ nước ngoài. Binh nhất này đã được cấp “quyền truy cập thông tin an ninh tuyệt mật” vào năm 2021. Với quyền này, Teixeira đã phải ký một thỏa thuận ràng buộc suốt đời về việc không được tiết lộ thông tin đã tiếp cận và chấp nhận bị truy tố hình sự nếu làm rò rỉ thông tin mật.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết Teixeira đã từng nói với các bạn chat trong ứng dụng nhắn tin Discord của anh ta rằng, do lo ngại có thể bị phát hiện khi chụp lại tài liệu ở nơi làm việc nên Teixeira đã lén mang các tài liệu về nơi ở để chụp lại. Bạn bè Teixeira cho biết anh ta không có ý định phát tán tài liệu quân sự rộng rãi trên hệ thống mà chỉ chia sẻ trong phạm vi phòng chat của mình, nhưng ít nhất một người bạn của binh nhất này đã đưa các tài liệu này lên các máy chủ khác của Discord.
Theo đó, đặc vụ FBI Patrick Lueckenhoff, người phụ trách các vấn đề tình báo và phản gián, cho biết vào tháng 12/2022, một tài khoản người dùng trên máy chủ hệ thống chat Discord có trong danh sách bạn bè của Teixeira đã đăng những thông tin mật bàn về các vấn đề địa chính trị một số khu vực. Tiếp sau đó, tháng 01/2023, nhiều ảnh chụp các tài liệu “có dấu hiệu được phân loại là tài liệu mật của Chính phủ Mỹ” bắt đầu được đăng lên Discord, mô tả tình trạng xung đột giữa Nga và Ukraine, bao gồm cả hoạt động chuyển quân, bố trí lực lượng quân sự của Ukraine và phân tích đánh giá các tình huống có thể dẫn đến phía Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
Binh nhất Jack Teixeira - thủ phạm dẫn đến rò rỉ dữ liệu
Theo Lueckenhoff, những tài liệu quân sự này gồm các báo cáo “dựa trên thông tin tình báo nhạy cảm của Mỹ, được thu thập thông qua các nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin tình báo tối mật”. Ông nhấn mạnh rằng khi tài liệu đã được phân loại là “tuyệt mật” có nghĩa là nếu bị tiết lộ nó có thể gây ra “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” cho an ninh quốc gia.
Hình ảnh của một số tài liệu quân sự bị rò rỉ cho thấy chúng đã được chụp tại một khu dân cư với một số chi tiết như mặt bếp, gạch lát sàn và nhiều vật dụng cá nhân khác nhau trên bàn làm việc. Khi có được hình ảnh này, cơ quan điều tra đã đối chiếu với những bức ảnh về ngôi nhà của gia đình trong một khu vực nghi vấn do một trong những người thân của Teixeira đăng lên mạng thông qua những chi tiết trùng khớp và kết luận Jack Teixeira có khả năng cao là người đã đưa các thông tin mật lên mạng.
TÁC ĐỘNG ĐẾN MỐI QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC ĐỒNG MINH CỦA MỸ
Vụ rò rỉ tài liệu quân sự có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong vấn đề ngoại giao và quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh. Những tài liệu này chứa phần lớn thông tin liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine và cả thông tin Mỹ khai thác được từ Nga. Dù vậy, nó cũng chứa thông tin về các vấn đề nội bộ của đồng minh, khiến nhiều quốc gia đến nay đã bác bỏ hoặc không xác nhận những thông tin trong vụ rò rỉ. Quan trọng hơn, có thể thấy rằng việc Mỹ do thám cả đối thủ và đồng minh của mình có thể ảnh hưởng đến vấn đề lòng tin. Các đồng minh của Washington giờ đây sẽ xem xét kỹ càng hơn khi muốn chia sẻ thông tin nhạy cảm. Với sự thất vọng và bối rối về các nội dung được lan truyền, giới chức tại một số quốc gia như Anh, Bỉ, Đức, UAE và Ukraine đã đặt ra những câu hỏi với Mỹ về vụ rò rỉ. Các quan chức tình báo cấp cao, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực liên hệ và trấn an với các nước đồng minh về cam kết bảo vệ thông tin tình báo và sự trung thực trong mối quan hệ với các đối tác an ninh của Mỹ.
Phản ứng trước vụ rò rỉ, Hàn Quốc - một đồng minh chủ chốt của Mỹ, cho biết thông tin liên quan đến quốc gia này trong tài liệu mật bị rò rỉ của Mỹ là “không đúng sự thật” và “đã bị thay đổi”. Cụ thể, một trong các tài liệu mật đã nêu chi tiết về các cuộc thảo luận nội bộ của giới chức an ninh Hàn Quốc về việc Washington gây áp lực lên Seoul để cung cấp vũ khí cho Ukraine, làm dấy lên hoài nghi Mỹ đang do thám một trong những đồng minh quan trọng tại châu Á. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định không có chuyện bị theo dõi và cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm ảnh hưởng đến liên minh Mỹ - Hàn đều là hành vi “gây tổn hại lợi ích quốc gia”. Bên cạnh đó, quốc gia này cho biết họ sẽ thảo luận trong một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ dự kiến tổ chức vào cuối tháng 4/2023 để làm sáng tỏ hơn về thông tin tình báo Mỹ theo dõi các quan chức Hàn Quốc trong các tài liệu tuyệt mật này. Bộ Quốc phòng Pháp đã bác bỏ thông tin quân đội nước này có mặt tại Ukraine như tài liệu công bố. Paris khẳng định các tài liệu được trích dẫn không liên quan đến quân đội Pháp.
Các quan chức Ukraine cho rằng các tài liệu bị rò rỉ chứa một lượng lớn thông tin không có thực và đã bị chỉnh sửa, tuy nhiên quốc gia Đông Âu này cũng đã buộc phải điều chỉnh một số kế hoạch quân sự. Nhận định vụ rò rỉ tài liệu mật của Mỹ là “sự kiện thú vị”, Nga cho biết đang nghiên cứu, phân tích và thảo luận vấn đề. Khi được hỏi về cáo buộc Nga tham gia vào vụ rò rỉ thông tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ “có xu hướng đổ lỗi mọi thứ cho Nga”.
Riêng các nước châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì còn khá ít phản ứng hoặc chưa có phản ứng công khai nào. Trong một tuyên bố mới nhất đưa ra vào ngày 10/4/2023, Bộ Quốc phòng Bulgaria đã bác bỏ thông tin nước này hội đàm về nội dung sẽ viện trợ máy bay phản lực MiG-29 cho Ukraine như trong tài liệu quân sự bị rò rỉ. Canada cho biết sẽ không đưa ra bình luận nào, ngay cả khi một tài liệu đã mô tả vụ việc công ty đường ống khí đốt quốc gia này bị một nhóm tin tặc được Chính phủ Nga hậu thuẫn đã xâm nhập vào tháng 02/2023.
VẤN ĐỀ KIỂM SOÁT QUẢN LÝ QUYỀN TRUY CẬP THÔNG TIN
Vụ rò rỉ hàng trăm tài liệu quân sự lần này, trong đó có ít nhất 50 tài liệu có những nội dung được phân loại là tuyệt mật, là một trong những hoạt động vi phạm an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ. Trước đó vào năm 2013, Edward Snowden - một nhà thầu và quản trị viên hệ thống công nghệ thông tin của CIA đã công bố một loạt tài liệu của NSA. Cũng giống như nhiều quản trị viên khác, Snowden có quyền truy cập vào một loạt các bản ghi thông tin quan trọng và đăng nhập được vào máy chủ để khắc phục các sự cố kỹ thuật.
Trong khi đó, công việc của Teixeira về cơ bản là một kỹ thuật viên công nghệ thông tin quân sự, có khả năng cho phép truy cập vào các kho tài liệu bí mật, vì anh ta đã quen thuộc với mạng máy tính bí mật an toàn nhất của Lầu Năm Góc. Theo Đại tá Scott Murray, cựu sĩ quan tình báo Mỹ, cho biết khi đang thực hiện nhiệm vụ, chuyên môn duy trì và bảo vệ các hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc có thể đã cho phép Teixeira truy cập vào mạng Liên lạc toàn cầu chung.
Công chúng đã đặt ra những câu hỏi, trong đó đề cập đến công tác quản lý hệ thống thông tin, làm thế nào để tăng cường tính bảo mật khi những tài liệu quân sự quan trọng lại tiếp tục bị rò rỉ, đặc biệt là vì sao một binh nhất mới 21 tuổi đã có quyền truy cập vào hệ thống thông tin tình báo chi tiết đến vậy, phạm vi ảnh hưởng và hậu quả của vụ rò rỉ tới đâu.
Lầu Năm Góc được cho là đã áp đặt các biện pháp để quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt về quyền truy cập đến các thông tin báo cáo quân sự, khi bắt đầu giới hạn các quan chức trong chính phủ nhận được các bản tóm tắt mật hàng ngày. Theo ước tính, khoảng 1 triệu người Mỹ có quyền tiếp cận các thông tin tình báo nhưng hiện tại danh sách đối tượng được tiếp cận các thông tin này đã bị thu hẹp đáng kể. Việc kiểm soát sẽ tập trung vào danh sách phân phối email, máy tính bảng có quyền truy cập vào các cuộc họp giao ban mới nhất và bản sao của các tài liệu. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder cho biết cơ quan này đang xem xét các biện pháp giảm thiểu để có thể ngăn chặn các vụ rò rỉ trái phép tiềm ẩn khác.
Nguyệt Thu