Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với một số Tỉnh, Thành ủy phía Nam về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin

09:00 | 14/05/2023 | AN TOÀN THÔNG TIN
Từ ngày 10 - 12/5, Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Tây Ninh và Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin.

Cùng tham gia Đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ có đại diện lãnh đạo: Cục Cơ yếu Bộ Tổng tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu (Bộ Công an); Cục Cơ yếu - công nghệ thông tin (Bộ Ngoại giao); Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền; một số cơ quan, đơn vị chức năng của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ tại Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy; tại Tỉnh uỷ Tây Ninh, có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; tại Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng tàu, có đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh ủy, Thành ủy.

Tại các buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban cho biết, hiện nay Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Đồng chí Phó Trưởng ban bày tỏ mong muốn sau buổi làm việc với Thành uỷ và Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng có thể đánh giá được rõ hơn tình hình, kết quả phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ về cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian qua, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ, nhu cầu cụ thể trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Tình hình công tác cơ yếu tại các tỉnh ủy, thành ủy

Hiện nay, nguy cơ mất an toàn và lộ, lọt thông tin bí mật quốc gia đang ngày càng tăng cao, các thế lực thù địch và tội phạm công nghệ cao sử dụng những công nghệ, kỹ thuật tinh vi đang tìm mọi cách tiến hành các hoạt động gián điệp, thực hiện thu tin, mã thám, mua chuộc,... nhằm lấy cắp bí mật quốc gia, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước tình hình đó, trong những năm qua các cơ quan, đơn vị tại các tỉnh, thành phố luôn coi trọng công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin; các tổ chức cơ yếu được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, đầu tư theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng được an toàn, bí mật, kịp thời trong mọi tình huống. Báo cáo tại các buổi làm việc với đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ cho thấy, các cấp ủy đảng, lãnh đạo tỉnh, thành phố, các tổ chức, cơ quan sử dụng cơ yếu về cơ bản đã nhận thức được rõ vị trí, vai trò quan trọng và sự cần thiết của công tác cơ yếu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong buổi làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, trong thời gian tới, Thường trực Thành ủy sẽ yêu cầu các cấp ủy đảng, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải tập trung nghiên cứu, tiếp thu, nắm vững các nội dung và vấn đề trong quy định, hướng dẫn của Ban Cơ yếu Chính phủ, tiếp tục phát huy các mặt tốt, giữ vững tác phong, lề lối làm việc. Đồng thời quán triệt lãnh đạo các cấp ủy nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn liền với công cuộc cải cách hành chính. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc đăng ký, tiếp nhận, hướng dẫn, cấp phát, quản lý thiết bị, phần mềm bảo mật chuyên dụng theo quy định; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ; phối hợp triển khai bảo mật cho các phần mềm chuyên ngành, hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp cùng nhiều thiết bị công nghệ thông tin khác.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ

Được sự quan tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ và Cục Cơ yếu các Bộ, ngành, trong thời gian qua, đã giúp cho thành ủy, tỉnh uỷ có nhiều giải pháp, sản phẩm mật mã được triển khai đến các cơ quan, đơn vị và người sử dụng không phải cơ yếu như: các giải pháp bảo vệ hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên mạng diện rộng của Đảng cho Văn phòng, các cơ quan tham mưu giúp việc của thành uỷ, tỉnh ủy và các huyện, thị xã; giải pháp bảo mật hệ thống chuyên ngành Tổ chức xây dựng Đảng và Kiểm tra Đảng; bảo đảm hệ thống hội nghị truyền hình của Văn phòng, Ủy ban nhân dân; triển khai thiết bị lưu trữ an toàn dữ liệu, thiết bị ký số chuyên dùng... các giải pháp, sản phẩm mật mã  triển khai đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong công tác bảo mật, an toàn thông tin và công cuộc chuyển đổi số của các đơn vị.

Tại Tỉnh uỷ Tây Ninh, làm việc với đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ, hàng năm các cấp uỷ đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng cơ yếu bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ huấn luyện phù hợp với tình hình tổ chức và đề cao tính chủ động, sáng tạo, đưa công tác huấn luyện đi vào nền nếp. Ngoài công tác chuyên môn nghiệp vụ, một số cán bộ, nhân viên cơ yếu còn được lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan phân công kiêm nhiệm một số công việc phù hợp với khả năng, sở trường như công tác công nghệ thông tin, văn thư lưu trữ và một số công việc khác.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc 

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới các Thành uỷ, Tỉnh uỷ, cơ quan sử dụng cơ yếu cần tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 56-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó cần tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết 56 nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, người đứng đầu các cấp, các ngành; Củng cố, kiện toàn, phát triển mạng liên lạc cơ yếu cấp huyện, hoàn thiện đề án xây dựng vị trí việc làm cơ yếu các cấp; Tiếp tục công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ yếu về đường lối, chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ cơ yếu; Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ,…

Tại Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng tàu, làm việc với đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian qua các sản phẩm, trang thiết bị mật mã sau khi nhận về đã được bàn giao, quản lý, tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả theo đúng quy trình, quy định của ngành cơ yếu. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, thống kê định kỳ hàng năm, quản lý chặt chẽ; chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất được thực hiện nghiêm túc, trung thực theo đúng quy trình;… Cục Cơ yếu các Bộ, ngành thường xuyên bám sát tình hình, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ đối với các tổ chức cơ yếu trực thuộc, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo đảm tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật mật mã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thị Yến cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Ban Cơ yếu Chính phủ, trong đó mong muốn được tăng cường cung cấp các sản phẩm, thiết bị bảo mật, đặc biệt là các sản phẩm trang bị cho người dùng không phải cơ yếu như máy tính đa giao diện, thiết bị lưu trữ an toàn dữ liệu. Theo đồng chí Nguyễn Thị Yến, hiện nay, mạng thông tin diện rộng của Đảng đang hoạt động độc lập với mạng Internet, mỗi cán bộ, công chức khối Đảng phải sử dụng nhiều máy tính đề làm việc và thường xuyên phải sao lưu dữ liệu. Phó Bí thư thành ủy cũng đưa ra ý kiến giảm thời gian nâng cấp máy mã đối với các đồn biên phòng tuyến biển do các đơn vị này nằm sát biển, điều kiện khí hậu không thuận lợi, dễ gây hư hỏng đối với các thiết bị máy mã và linh kiện điện tử.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ

Những khó khăn, vướng mắc chung

Qua các buổi làm việc, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị có thể thấy, công tác cơ yếu ở các địa phương này có một số khó khăn, vướng mắc. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là số lượng biên chế cán bộ cơ yếu tại một số đơn vị còn hạn chế, gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp người thay thế khi đi công tác, nghỉ phép, ốm đau hay đi tập huấn nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ cơ yếu chưa được tổ chức thường xuyên; trình độ chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu của cán bộ, nhân viên cơ yếu tại các đơn vị chưa đồng đều, trong khi phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại dẫn đến khả năng đáp ứng kỹ thuật tiên tiến hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định, các thành uỷ, tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân và các cơ quan sử dụng cơ yếu cần tích cực tham gia góp ý đầy đủ, kịp thời các nội dung xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Cơ yếu Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ về cơ yếu và quản lý người làm công tác cơ yếu; Cần làm tốt công tác rà soát biên chế, đào tạo bồi dưỡng bổ sung đủ biên chế theo đúng hướng dẫn và quy định; Đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu; Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng;…

Tại các buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng nhấn mạnh 04 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Cơ yếu Chính phủ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện.

Thứ nhất, cần xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bao gồm Hệ thống mạng liên lạc cơ yếu trên tuyến của Quân đội, Công an, Ngoại giao, Đảng – Chính quyền, nhiều mạng liên lạc sử dụng sản phẩm bảo mật cần được xây dựng, củng cố, phát triển theo hướng hiện đại, chuyên dụng hoá.

Thứ hai, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cần được xây dựng, phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn giao dịch điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, xây dựng và phát triển Trung tâm giám sát an ninh mạng, tổ chức duy trì hoạt động giám sát 24/7 cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kịp thời cảnh báo các nguy cơ tấn công mạng và đưa ra các giải pháp khắc phục, xử lý sự cố cho chủ quản hệ thống công nghệ thông tin.

Thứ tư, hoạt động quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã cần đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các lĩnh vực: Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, Bưu chính viễn thông, Giao thông vận tải, Y tế,…

Đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng cám ơn lãnh đạo các Tỉnh, Thành ủy đã luôn quan tâm đến công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin trong thời gian qua và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để cán bộ cơ yếu - công nghệ thông tin hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Quốc Trường

Tin cùng chuyên mục

Tin mới