Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khoa học mật mã
Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Hội thảo.
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo nổi lên như một lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng. Sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo đã cho ra đời những sản phẩm công nghệ chất lượng cao với khả năng tự động hóa, cá nhân hóa, được ứng dụng nhiều trong thực tế. Đây là một trong những lĩnh vực công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo ra bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã xác định việc bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định: "Ngành Cơ yếu đang đứng trước những vận hội lớn, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vừa qua, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 56 về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó chỉ đạo xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại".
"Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Cơ yếu Việt Nam trong thời gian tới là hết sức nặng nề, nhu cầu triển khai các sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang là rất lớn, rất khẩn trương, cấp bách với đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, đặc biệt là ứng dụng một số công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và điện toán đám mây", đồng chí Nguyễn Đăng Lực cho biết.
Quang cảnh hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Các vấn đề đã và đang triển khai trong chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ của công nghiệp 4.0”; Khung sơ bộ của Chương trình “Nghiên cứu, phát triển Khoa học và Công nghệ mật mã Ngành Cơ yếu Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”; Trí tuệ nhân tạo trong an toàn thông tin và triển khai tại Học viện Kỹ thuật mật mã.
Hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khoa học mật mã là cơ sở để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mật mã, qua đó nhìn nhận, định hướng, bám sát các chủ chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các Chương trình trọng điểm quốc gia của Bộ Khoa học & Công nghệ và Chương trình nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ mật mã giai đoạn 2021 - 2030 của ngành Cơ yếu Việt Nam. Từ đó, đưa ra phương hướng, mục tiêu, đề xuất các nhiệm vụ giải pháp tổ chức thực hiện trong thời gian tới để góp phần xây dựng và phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
Triệu Yến