Quản lý Internet và thông tin điện tử trên Internet
Nội dung Nghị định 97 có một số điểm mới sau:
- Qui định doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp cả ba loại hình dịch vụ Internet bao gồm dịch vụ kết nối Internet (IXP), truy nhập Internet (ISP) và ứng dụng Internet trong viễn thông (OSP viễn thông).
Mọi doanh nghiệp kinh doanh Internet đều có quyền thuê kênh để trực tiếp kết nối với Internet quốc tế và các trạm trung chuyển Internet. Nghị định cũng chính thức quy định việc thành lập trạm trung chuyển Internet Quốc gia (VNIX).
Nghị định đã quy định doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp đường truyền dẫn viễn thông và phân tách mạch vòng nội hạt kịp thời, đầy đủ khi có yêu cầu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet để hỗ trợ phát triển các dịch vụ Internet tốc độ cao (XDSL).
- Để đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép, Nghị định này đã quy định chỉ có một loại hình doanh nghiệp Internet (gọi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ISP). Doanh nghiệp đó có thể cung cấp một, hai hay cả ba loại hình dịch vụ Internet nêu trên tùy thuộc vào yêu cầu của doanh nghiệp và chỉ cần một giấy phép.
- Để tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển nội dung thông tin điện tử, Nghị định phân loại và quy định về quản lý đối với từng loại hình thông tin cụ thể như: các cơ quan báo chí được cấp giấy phép hoạt động báo điện tử; các tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử để đưa hoặc trao đổi thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội phải được cấp giấy phép; các doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử để cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến phải đăng ký với Bộ Thông tin- truyền thông; các tổ chức thiết lập trang thông tin để cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Về quản lý nhà nước, ngoài trách nhiệm quản lý Internet của Bộ TT-TT, Bộ Công an chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh thông tin trong lĩnh vực Internet. Bộ Nội vụ (trực tiếp là Ban Cơ yếu Chính phủ) thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự đối với các thông tin cần được bảo mật trong các hoạt động thương mại, dân sự trên Internet.
Nghị định gồm 6 chương với 26 điều. Ngoài Chương V - Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm và Chương VI - Điều khoản thi hành, các chương còn lại quy định chi tiết về các thủ tục liên quan đến sử dụng Internet. Chương I - Những quy định chung gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách quản lý và phát triển Internet, quản lý nhà nước về Internet, các hành vi bị nghiêm cấm. Chương II - Các bên tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet bao gồm: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, chủ mạng Internet dùng riêng, đại lý Internet, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, người sử dụng dịch vụ Internet. Chương III - Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet: Cấp phép cung cấp dịch vụ Internet; cấp phép thiết lập mạng dùng riêng; điều kiện kinh doanh đại lý Internet; kết nối; tài nguyên Internet; tiêu chuẩn chất lượng, giá cước dịch vụ Internet. Chương IV - Quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử trên Internet: Nguyên tắc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử; phát hành báo điện tử, xuất bản trên mạng Internet; cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; đăng ký cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến,
Như vậy, Nghị định 97 ra đời đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của Nghị định 55, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet và bảo đảm lợi ích tối đa cho người sử dụng dịch vụ mà vẫn thực hiện được yêu cầu quản lý nhà nước