Úc thông qua đạo luật an ninh mạng

14:00 | 11/01/2019 | AN TOÀN THÔNG TIN
Mới đây, Úc đã thông qua một đạo luật cho phép cơ quan chức năng có thể truy cập vào các tin nhắn bị mã hoá của người dùng, điều mà từ trước đến nay Google, Facebook hay Apple vẫn luôn phản đối.

Đạo luật này được cơ quan lập pháp Úc thông qua vào ngày 6/12/2018. Theo các nhà lập pháp đây là điều thiết yếu để duy trì an ninh quốc gia và là một công cụ quan trọng của chính quyền trong cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, các dịch vụ có chức năng mã hoá tin nhắn đang được những kẻ khủng bố lợi dụng để liên lạc với nhau, nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Do vậy, các nhà hành pháp cần được cung cấp quyền truy cập để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Trong khi đó, các công ty công nghệ cho rằng đạo luật này sẽ mở cánh cửa cho tin tặc lợi dụng và điều này sẽ ảnh hưởng tới quyền riêng tư của người dùng.

Với đạo luật về an ninh mạng được đưa ra, các cơ quan hành pháp của chính phủ Úc có thể yêu cầu các công ty công nghệ hợp tác chia sẻ thông tin theo 3 cấp độ nhằm giúp các cơ quan này truy cập vào những dữ liệu mã hoá.

Ở cấp độ thứ nhất, chính quyền sẽ gửi yêu cầu về việc trợ giúp tự nguyện nhằm bảo vệ an ninh quốc gia tới các công ty công nghệ. Với cấp độ thứ 2, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp bộ giải mã trong trường hợp họ nắm giữ giải pháp này. Cấp độ thứ 3 cũng là cấp độ nghiêm trọng nhất, Bộ trưởng Bộ tư pháp sẽ đưa ra thông báo yêu cầu các công ty công nghệ phải xây dựng một công cụ giải mã nhằm trợ giúp cho công tác thực thi pháp luật.

Chính phủ Úc khẳng định, việc tăng cường quyền hạn cho cơ quan chức năng nước này là cần thiết để đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố trong dịp lễ hội cuối năm. Theo ý kiến của Công đảng đối lập ở Úc, cần có cơ chế giám sát, bảo vệ khi đạo luật này được áp dụng và cần đánh giá văn kiện trong 18 tháng. Nếu đạo luật có hiệu lực, Úc sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng quyền tiếp cận rộng rãi đối với các công ty công nghệ sau nhiều năm vận động hành lang các cơ quan tình báo tại nhiều nước, nhất là 5 nước trong “Five Eyes” bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand.

Trước thực tế này, các công ty công nghệ và nhiều tổ chức tại Úc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước những nguy cơ xấu có thể xảy ra nếu đạo luật này bị lạm dụng. Họ cho rằng đạo luật này sẽ khiến khả năng bảo mật của các ứng dụng tồn tại lỗ hổng nên dữ liệu người dùng sẽ bị mất an toàn.

ĐT

Tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới