Ưu tiên đưa chuyên ngành An toàn thông tin vào các đề án đào tạo tại nước ngoài

15:00 | 04/07/2018 | AN TOÀN THÔNG TIN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chỉ đạo Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ sở đào tạo về an toàn thông tin ưu tiên đưa chuyên ngành đào tạo an toàn thông tin vào các đề án đào tạo tại nước ngoài.

Ngày 2/7/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các Bộ: TT&TT, Tài chính, GD&ĐT, KH&CN, KH&ĐT, Quốc phòng, Công an và Đại học Quốc gia Hà Nội để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc thực hiện Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) đến năm 2020 (Đề án 99).

Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 13/2/2018, Bộ TT&TT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sơ kết tình hình triển khai đến hết năm 2017 của Đề án 99. Về Đề án này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu của Đề án 99 về số lượt cán bộ chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ sở đào tạo về an toàn thông tin ưu tiên đưa chuyên ngành đào tạo an toàn thông tin vào các đề án đào tạo tại nước ngoài.

Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp cùng các Bộ: TT&TT, GD&ĐT, Quốc phòng, Công an và Đại học Quốc gia Hà Nội rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương hướng tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin chưa được cấp hoặc được cấp chưa đầy đủ kinh phí triển khai “Dự án đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu về an toàn thông tin”.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bố trí dự toán ngân sách nhà nước được giao hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 99, bao gồm các nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin được triển khai theo hình thức lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án đào tạo khác.

Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT tiếp tục triển khai lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình nghiên cứu về an toàn, an ninh thông tin; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về an toàn, an ninh thông tin trong các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ TT&TT bổ sung nhóm đối tượng “Cán bộ làm về an toàn, an ninh thông tin chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, phát triển chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các cấp” và “Giảng viên giảng dạy về an toàn, an ninh thông tin tại các cơ sở đào tạo trọng điểm” tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về an toàn thông tin do Bộ TT&TT tổ chức hàng năm.

Bộ TT&TT còn được giao chủ trì, phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa từ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam.

Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATANTT đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/01/2014 tại Quyết định số 99/QĐ-TTg, với các mục tiêu cụ thể cần đạt được vào năm 2020 gồm: Đưa được 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở nước ngoài, trong đó có 100 Tiến sĩ; Đào tạo được 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về ATANTT chất lượng cao; Đưa được 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; Tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Đề án 99 cũng đã xác định rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về ATANTT ở nước ngoài; Đào tạo kỹ sư, cử nhân ATANTT trong nước; Đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài cho cán bộ ATANTT; Đào tạo ngắn hạn về ATANTT trong nước; Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT; tổ chức điều phối thực hiện Đề án.

Theo thông tin từ Bộ TT&TT - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức thực hiện Đề án 99, sau hơn 3 năm triển khai, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATANTT đã được quan tâm nhiều hơn, thu được những kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, các cơ sở đào tạo trọng điểm đã cử được 91 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có 63 Tiến sĩ, 18 Thạc sĩ. Đây là lực lượng quan trọng trong việc đào tạo, nghiên cứu về ATANTT trong giai đoạn tới.

Thống kê của Ban Điều hành Đề án 99 cho hay, trong giai đoạn 2014 - 2017, đã có 953 kỹ sư, cử nhân, Thạc sĩ về ATANTT tốt nghiệp, đạt trên 47% mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2020. Trong đó có 100 Thạc sĩ, 853 kỹ sư, cử nhân, có 31 kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi và 562 kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp loại khá; trên 80% số lượng tốt nghiệp ra trường đã có việc làm. 4.600 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước đã được tập huấn, đào tạo ngắn hạn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng.

Ban Điều hành Đề án 99 đã phát huy tốt chức năng điều phối, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong việc thực hiện dự án đầu tư; huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực trong và ngoài nước cùng tham gia; gắn kết các cơ sở đào tạo với nhau và với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: hội thảo khoa học, trao học bổng, tọa đàm hướng nghiệp và hội chợ việc làm cho sinh viên. Hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ATANTT cũng đã bước đầu thu được hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 99. Một trong những khó khăn lớn nhất là về nguồn lực tài chính, với mức kinh phí được cấp so với mức được phê duyệt chỉ bằng khoảng 1/5. Cùng với đó, công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án 99 còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cụ thể khác như: các cơ sở đào tạo đã cử đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về ATANTT ở nước ngoài, tuy nhiên số lượng chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra vì số lượng giảng viên, nghiên cứu viên đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí: nộp hồ sơ chuyên ngành ATANTT và đủ điều kiện ngoại ngữ, là tương đối khiêm tốn; đến hết năm 2017, vẫn còn 4/8 cơ sở đào tạo trọng điểm chưa thực hiện được dự án đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu; mục tiêu đến năm 2020 đưa được 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài là khó khả thi trong bối cảnh ngân sách và thực tiễn hiện tại.

Theo ICTnews

Tin cùng chuyên mục

Tin mới