Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước; Đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 chúng ta đã đề cập nhiều, giờ là lúc chúng ta phải hành động. Chúng ta phải “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng này. Phó Thủ tướng kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội phải kết nối với nhau, chia sẻ với nhau, cùng phối hợp hành động để tạo nên sức mạnh vì CMCN lần thứ 4 là chia sẻ, là kết nối”. Phó Thủ tướng yêu cầu: Phải xây dựng hạ tầng CNTT hoàn chỉnh, đi trước một bước so với nhu cầu phát triển, đặc biệt là hạ tầng băng thông rộng, 4G, tiến tới 5G; đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, các cơ quan nhà nước phải mạnh dạn hơn nữa trong, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng và thuê dịch vụ CNTT.
Về nguồn nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng nhận định các bộ, ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ TT&TT… đã hình thành chính sách đổi mới về đào tạo nhân lực CNTT, nhưng rất cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp CNTT; sinh viên CNTT tốt nghiệp ra trường chưa có những kiến thức sát với nhu cầu doanh nghiệp; cần dành thời gian nhiều hơn để sinh viên tìm hiểu những vấn đề thực sự cần thiết.
Về vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong CMCN lần thứ tư, Phó Thủ tướng bày tỏ, gần đây, Việt Nam đã đón nhiều thông tin vừa mừng vừa lo. Mừng vì năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc, lần đầu đứng thứ 47 trên thế giới, trong đó có phần đóng góp của giới CNTT; chỉ số về Chính phủ điện tử công bố tháng 7/2016 Việt Nam tăng được 10 bậc (đứng thứ 89). Nhưng Việt Nam lại đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam, mã độc tấn công mạnh trong các doanh nghiệp, cơ quan… Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý vấn đề an ninh, an toàn mạng. Đây không chỉ là cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước dần phải có văn bản hoàn thiện về vấn đề này, từ nhân lực, kỹ thuật, cơ chế bảo đảm an toàn mạng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định quyết tâm của Bộ trong việc thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ sẽ xây dựng và đề xuất các chính sách để đảm bảo phát triển hạ tầng số; đảo bảo an toàn hệ thống thông tin quốc gia; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực CNTT; cơ chế ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ cũng đề xuất, cần thông báo công khai các dự án, kế hoạch và nhu cầu ứng dụng CNTT khu vực công, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại khu vực này. Đặc biệt, Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh đổi mới giáo dục, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển của CMCN lần thứ tư.
Tại Diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Trước thực tiễn CMCN lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa và phạm vi tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu và đang từng bước gõ cửa từng gia đình, chạm đến từng người trong chúng ta. VINASA và Ban tổ chức đã chọn chủ đề của Diễn đàn năm nay về chuyển đổi số trong CMCN lần thứ 4, với nội dung chính tập trung thảo luận về xây dựng chiến lược chuyển đổi số của việt Nam; phát huy các thế mạnh kinh tế số của Việt Nam; phát triển thành phố thông minh; xây dựng hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đây đều là những vấn đề quan trọng được nêu ra trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.
TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương và đại diện của Microsoft Việt Nam đã có bài báo cáo chính về sự phát triển mạnh mẽ của CMCN lần thứ 4 trên thế giới, những tác động tới Việt Nam và những giải pháp hiệu quả giúp Việt Nam tiếp cận, tiến nhanh, mạnh mẽ trong cuộc cách mạng này.
Sau phiên khai mạc, các đại biểu đã lần lượt thảo luận tại 4 phiên tọa đàm chuyên sâu, với các chủ đề: Nhận thức về Việt Nam 4.0; Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh; Thành phố thông minh/Smart City; Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra như: Các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam cần làm gì để hòa nhập vào Công nghiệp 4.0? Chuẩn và tiêu chí nào để đánh giá thành phố thông minh?... đều được chủ trì hội thảo và các diễn giả giải đáp đầy đủ.
Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng cho CNCN lần thứ 4?
Theo khảo sát của VINASA (với trên 300 đơn vị liên quan tới cuộc CMCN lần thứ 4), 35,2% số các tổ chức, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN lần thứ 4. Trong đó, đa số là các doanh nghiệp thuộc khối ngân hàng, một số doanh nghiệp thuộc khối CNTT.
Ngoài ra, có 58% các doanh nghiệp đã tìm hiểu về CMCN lần thứ 4, nhưng chưa biết phải chuẩn bị những gì. Chỉ có 6,1% các doanh nghiệp chưa tìm hiểu gì và chưa biết phải chuẩn bị như thế nào trước các cơ hội và thách thức của cuộc CMCN lần thứ 4.
Bên cạnh đó, còn các yếu tố như "nhận thức và quyết tâm hành động của Chính phủ” (70,4%), "Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông” (59,1%) và “nguồn nhân lực” (77,7%) được các đơn vị đánh giá là thế mạnh của Việt Nam trong làn sóng CMCN 4.0, cần khai thác để chiếm lấy ưu thế.
Để hiện thực hoá những lợi thế này, Việt Nam cần tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp và sáng tạo. Các doanh nghiệp và tổ chức cũng đề xuất một số ngành kinh tế cần chú trọng phát triển để tận dụng những lợi thế, bao gồm các ngành CNTT, Du lịch, Nông nghiệp, Tài chính ngân hàng và Logistic. |