Xây dựng hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ nền tảng số do người Việt Nam tự phát triển làm chủ
Sự kiện Internet Day là một hoạt động thường niên do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) chủ trì tổ chức bắt đầu từ năm 2012 để kỷ niệm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet (ngày 19/11/1997). Được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Hội thảo - Triển lãm Internet Day 2018 với chủ đề “Internet và Hệ sinh thái số” đã thu hút sự tham gia của khoảng 500 khách mời là đại diện các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp cùng những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông, Internet, CNTT trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại sự kiện
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định phát triển hệ sinh thái số phục vụ người dân Việt Nam là hướng đi lâu dài, cần thiết, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội và người dân. Dân số xấp xỉ 95 triệu người, trong đó tỉ lệ sử dụng Internet chiếm hơn 60%, thời gian sử dụng Internet trung bình của người Việt lên tới gần 7 giờ/ngày. Điều này cho thấy người Việt Nam đã dành lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng phục vụ các nhu cầu khác nhau....
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng chỉ rõ, hệ sinh thái số trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang thay đổi từng ngày và sẽ dịch chuyển sang các hình thái khác. Sẽ có những yếu tố buộc các loại hình dịch vụ này phải thay đổi để tồn tại, cạnh tranh và phát triển. Như vậy, có 2 yếu tố đóng vai trò chính cho sự thay đổi này trong thời gian sắp tới là AI (Trí tuệ nhân tạo) và Privacy. AI là công nghệ, các doanh nghiệp buộc phải ứng dụng AI để tăng sức cạnh tranh, thay đổi sản phẩm của mình nhanh hơn nữa để thu hút khách hàng; Privacy lại liên quan đến con người và xã hội, đến chính sách. Các doanh nghiệp nội địa muốn tồn tại, phát triển để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xa hơn nữa là vươn ra khu vực thì không thể không quan tâm đến hai yếu tố này.
Để xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn cần đóng vai trò nòng cốt trong việc thực thi. Các sản phẩm và dịch vụ do doanh nghiệp trong nước phát triển cần đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam, mang lại lợi ích chung cho xã hội và được đông đảo người dân đón nhận. Các doanh nghiệp lớn cần dẫn dắt thị trường, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia, cùng phát triển. Đồng thời trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc, Việt Nam hoan nghênh và chào đón sự đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư và chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ sinh thái số để có hướng đi phù hợp cho Việt Nam. Cập nhật các xu thế mới về phát triển hạ tầng, điện toán đám mây, và phần quan trọng là làm thế nào để bảo đảm an toàn không gian mạng khi mà Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.
Khi bàn về yếu tố “Privacy” trong phát triển Hệ sinh thái số tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: Các doanh nghiệp Việt đã đủ năng lực và khát khao để làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường trong nước, thậm chí mang sản phẩm tiến ra khu vực nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính sách, từ thị trường cũng như người dùng. Việt Nam cũng trở thành một điểm đến thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh, hoạt động xuyên biên giới. Tuy nhiên, cái chúng ta đang còn lúng túng, mặc dù các cơ quan quản lý đã có những nỗ lực điều chỉnh, nhưng chúng ta cần thừa nhận có một độ trễ nhất định trong chính sách, khi mà thực tiễn diễn biến quá nhanh và chính sách không thể theo kịp. Đây là vấn đề chung không chỉ ở Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia phát triển. Vậy phải làm thế nào để doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ? Không có cách nào khác ngoài việc phải xây dựng một luật chơi công bằng và bình đẳng, với hiệu lực đủ mạnh để tất cả "người chơi" đều phải tuân thủ.
Hội thảo “Internet và Hệ sinh thái số Việt Nam” với điểm nhấn là Tọa đàm “Hệ sinh thái số Việt Nam - người chơi và luật chơi” cũng đã có các ý kiến tham luận của Hiệp hội Internet Việt Nam, đại diện các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp cùng những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông, Internet, CNTT trong và ngoài nước.
Từ các đóng góp xác đáng của các doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức đang gặp phải, Bộ TT&TT sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách, cơ chế kịp thời, nhằm tạo ra một khung pháp lý phù hợp, bắt kịp xu thế mới nhưng vẫn đảm bảo sự phát triển lâu dài, ổn định, bền vững của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hoàng Hằng