Xây dựng nền tảng, nâng cao nhận thức về công tác chuyển đổi số trong Ban Cơ yếu Chính phủ

22:00 | 09/05/2024 | AN TOÀN THÔNG TIN
Chiều ngày 09/5, tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Ban Cơ yếu Chính phủ (CYCP) tổ chức thành công Hội thảo chuyển đổi số 2024.

Hội thảo có sự tham dự của Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban; đại diện Lãnh đạo các hệ Cơ yếu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban; thành viên Tổ giúp việc và cán bộ tham mưu chuyển đổi số thuộc các cơ quan, đơn vị trong Ban CYCP.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết phương pháp luận, mô hình chuyển đổi số; quy trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin, an toàn thông tin, bảo mật thông minh, hiện đại và vận hành duy trì, nâng cấp, giám sát hoạt động các sản phẩm.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban CYCP chia sẻ: “Trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, từ phạm vi toàn cầu, quốc gia, đến từng cơ quan đơn vị, việc áp dụng công nghệ số không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình làm việc mà còn tăng cường sự minh bạch, hiệu suất lao động, trên cơ sở đó cung cấp được những sản phẩm và dịch vụ hoàn thiện hơn, tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn”.

Đồng chí nhận định việc định kỳ tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số là việc cần thiết để có thể cùng nghiên cứu, xem xét, bàn luận và xác định rõ lộ trình, nội dung triển khai thực hiện chuyển đổi số được thiết thực, hiệu quả.

Nổi bật tại Hội thảo là tham luận của GS.TS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM); Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh về phương pháp luận, mô hình ST - 235 cho chuyển đổi số. Theo đó, mô hình ST - 235 có cốt lõi là tư duy hệ thống được mô tả với hai phần. Phần một (ST) xác định mô hình hệ sinh thái thực - số của các tổ chức với 8 hợp phần chia thành các nhóm về hoạt động chính (sản phẩm - dịch vụ, quy trình vận hành, quản trị quản lý); về nhân tố thành bại (con người, thể chế, công nghệ), về dữ liệu và kết nối, về an toàn an ninh hệ thống.

Chuyển đổi số của một tổ chức về bản chất là xây dựng hệ sinh thái thực - số của mình từ hệ sinh thái hiện tại và việc này được thực hiện theo phương thức mô tả ở phần hai (235) của ST-235, với 2 nguyên lý, 3 cặp nguyên tắc và 5 nội dung cơ bản cần làm. Phương pháp luận ST-235 của chuyển đổi số khẳng định 2 nguyên lý chủ đạo và dẫn dắt toàn bộ quá trình thay đổi: "Chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách hệ thống" và "Chuyển đổi số là quá trình liên tục đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu và kết nối". Cả hai nguyên lý đều dựa trên 2 đặc điểm tiêu biểu về dữ liệu và kết nối của môi trường thực - số: Dữ liệu tạo ra kết nối làm nền tảng để thực hiện mọi hoạt động có tính hệ thống; Khai thác được dữ liệu và kết nối với khoa học dữ liệu chính là con đường hiệu quả để thực hiện đổi mới sáng tạo. Một cách ngắn gọn, khoa học dữ liệu chính là bệ phóng cho chuyển đổi số. Mà chuyển đổi số, cho đến thời điểm này đã hiện diện ở tất cả mọi phương diện của xã hội loài người.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ông Lê Ngọc Úy, Giám đốc Trung tâm nền tảng IoT, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech) đã trình bày về việc phát triển - kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin. Trong đó, phương pháp tiếp cận sản phẩm mới; quá trình nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, thiết bị công nghệ thông tin; tổ chức đội nhóm và thực hiện kinh doanh là những nội dung cốt lõi cho quá trình phát triển - kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin.

“Làm chủ công nghệ là yếu tố sống còn của mọi sản phẩm công nghệ thông tin", ông Lê Ngọc Úy nhấn mạnh.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang tiến triển mạnh mẽ, chuyển đổi số và tự động hoá trở thành các yếu tố không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là an ninh mạng. Trong nước, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặt mục tiêu tập trung chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Chương trình, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Để góp phần hoàn thành các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Ban CYCP đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ xác thực, bảo mật thông tin phục vụ cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hoàn thành các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hà Chi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới