Tình hình triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ năm 2017 và dự báo năm 2018
Triển khai nhiệm vụ năm 2017
Năm 2017, tình hình an toàn thông tin mạng trên thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều nguy cơ như: gián điệp mạng, tội phạm công nghệ cao; Nhiều cuộc tấn công mạng sử dụng các loại mã độc diễn ra với quy mô lớn, phạm vi rộng, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Nhiều tổ chức an ninh mạng đã cảnh báo về mức độ nhận thức và sẵn sàng ứng phó các sự cố về an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước còn hạn chế, nhiều cuộc tấn công mạng đã xảy ra gây mất an toàn thông tin và để lại hậu quả nặng nề.
Cùng với những lợi ích mà CNTT đem lại, các cơ quan Đảng, Nhà nước tập trung triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết về ứng dụng CNTT, đặc biệt là trong hoạt động điều hành, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhu cầu trao đổi thông tin, sử dụng các hệ thống thông tin trực tuyến ngày càng cao, cùng với đó, yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, sử dụng các dịch vụ chứng thực chữ ký số ngày càng tăng mạnh.
Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực tham mưu đề xuất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan triển khai pháp luật về cơ yếu, các chủ trương, chính sách, chỉ đạo về công tác cơ yếu, bảo mật thông tin, chứng thực chữ ký số phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Tổ chức chính trị - xã hội. Năm 2017, nhằm đáp ứng nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin, công tác triển khai về chứng thực chữ ký số đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:
Tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số
Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (CTS&BMTT) đã tham mưu, giúp Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ (BCYCP) thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số. Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), ngay từ đầu năm 2017, BCYCP đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sửa Nghị định 26/2007/NĐ-CP. Để việc ứng dụng chữ ký số rộng rãi hơn, Cục CTS& BMTT đã trực tiếp tham gia xây dựng, góp ý vào dự thảo Thông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan nhà nước do Bộ Nội vụ chủ trì; Dự thảo Thông tư quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước do Bộ TT&TT chủ trì.
Nhằm tăng cường công tác quản lý hệ thống chứng thực chữ ký số được BCYCP giao, Cục CTS&BMTT đã tổ chức nhiều nhiệm vụ quan trọng như: rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của BCYCP và Bộ TT&TT tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng và triển khai chữ ký số tại 03 cơ quan cấp bộ và 06 cơ quan cấp tỉnh. Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, đề xuất và chỉ đạo thực hiện các biện pháp giải quyết phù hợp; Chủ trì tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2012 - 2017 và đề ra phương hướng thúc đẩy triển khai ứng dụng trong giai đoạn kế tiếp.
Triển khai các nhiệm vụ chính trị
Với quan điểm về hạ tầng kỹ thuật là nền tảng quan trọng, hạ tầng chứng thực chữ ký số của BCYCP được quản lý, duy trì hoạt động ổn định, an toàn, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trực tuyến đáp ứng hàng triệu lượt truy cập vào mạng dịch vụ từ các cơ quan nhà nước. Năm 2017, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của hạ tầng kỹ thuật với việc hoàn thành đầu tư mới trung tâm dữ liệu, trang thiết bị phần cứng, phần mềm chứng thực đồng bộ, hiện đại, có khả năng quản lý hàng triệu chứng thư số. Nhiều giải pháp bảo mật, an toàn, an ninh thông tin cho hạ tầng kỹ thuật được triển khai áp dụng đồng bộ nhằm nâng cao mức an toàn, bảo mật của toàn bộ hệ thống.
Trên cơ sở hạ tầng ổn định, một trong những nhiệm vụ chính của Cục CTS&BMTT là cung cấp chứng thư số đáp ứng yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương. Cục đã tiếp nhận, thẩm tra và quản lý các hồ sơ yêu cầu cấp phát, gia hạn, thu hồi chứng thư số theo quy định; Cung cấp và tổ chức quản lý chứng thư số, thiết bị lưu khóa đạt hơn 33.000 chứng thư số cho 76 đầu mối (19 đầu mối cấp Bộ và 57 đầu mối cấp Tỉnh), tăng 150% so với năm 2016; Gia hạn 2.880 chứng thư số, thu hồi trên 2.000 chứng thư số cho 42 đầu mối (gồm 9 đầu mối bộ và 33 đầu mối cấp Tỉnh) bảo đảm đúng quy định, an toàn, kịp thời. Để rút ngắn thời gian cung cấp chứng thư số, quy trình cung cấp đã được đổi mới thông qua việc triển khai hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, đăng ký cấp, gia hạn, thu hồi chứng thư số qua mạng, (thay đổi quy trình đăng ký chứng thư số từ văn bản giấy sang văn bản điện tử giữa Cục với các cơ quan Đảng, Nhà nước) và thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh của ViettelPost, nhằm chuyển giao chứng thư số tới người quản lý thuê bao nhanh chóng, kịp thời.
Công tác nghiên cứu khoa học đã tập trung trong tham mưu các nội dung chuyên sâu về ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số và định hướng phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong thời gian tới. Một số sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao như đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ công cụ ký số và xác thực dữ liệu trên thiết bị di động”, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý cấp phát chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Công tác hỗ trợ kỹ thuật đã trực tiếp giúp đỡ các cơ quan Đảng, Nhà nước ứng dụng chữ ký số hiệu quả, với trên 18.000 lượt yêu cầu qua thư điện tử, điện thoại; thực hiện khôi phục mật khẩu cho hơn 1.200 lượt yêu cầu; phục vụ tốt 100% các yêu cầu tư vấn cấp phát, thu hồi chứng thư số; tư vấn ứng dụng, hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh đó, công tác huấn luyện triển khai ứng dụng chữ ký số đã được thực hiện tới hơn 10 đầu mối cấp Bộ và cấp Tỉnh, phối hợp triển khai tích hợp chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số vào các hệ thống thông tin của 07 Bộ và 07 địa phương. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin về hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được tăng cường, với sự phối hợp của một số đơn vị truyền thông.
Dự báo việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số năm 2018
Năm 2018, tình hình an toàn thông tin mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn hiện hữu và cần nhiều nỗ lực của toàn xã hội để đối phó và khắc phục. Do vậy, nhu cầu bảo mật, an toàn thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tiếp tục tăng mạnh.
Trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Luật Cơ yếu, Luật An toàn thông tin mạng và các VBQPPL có liên quan. Các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như việc sớm ban hành Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Cục CTS&BMTT cần tập trung hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một số mục tiêu
Tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Đẩy mạnh tham mưu, xây dựng, bổ sung, sửa đổi các VBQPPL phù hợp với tình hình thực tế về quản lý, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số; các quy chế, quy định về công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong triển khai ứng dụng chữ ký số. Tăng cường kiểm tra, đánh giá, tình hình quản lý chứng thư số, ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Bảo đảm hạ tầng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ an toàn tuyệt đối, hoạt động liên tục, ổn định. Quản lý và cung cấp kịp thời chứng thư số, hỗ trợ kỹ thuật và tích hợp chữ ký số vào phần mềm điều hành tác nghiệp phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử. Cục CTS&BMTT tập trung nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng các dịch vụ chứng thực chữ ký số phù hợp trong các hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Tổ chức chính trị - xã hội.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; Tiếp tục triển khai thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BQP quy định về cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Triển khai các nội dung liên quan khi Nghị định thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP được Chính phủ ban hành. Tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong một số cơ quan nhà nước theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý và duy trì hoạt động hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chứng thực số chuyên dùng Chính phủ hoạt động liên tục, an toàn, ổn định. Vận hành hệ thống trung tâm dữ liệu và hệ thống phần mềm chứng thực chữ ký số mới.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động cung cấp, quản lý chứng thư số; Bảo đảm cung cấp chứng thư số đáp ứng kịp thời 100% nhu cầu ứng dụng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Triển khai rộng rãi hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, đăng ký cấp, gia hạn, thu hồi chứng thư số tới các Bộ, ngành và địa phương. Xây dựng quy chế chuyển giao chứng thư số tới người quản lý thuê bao thông qua dịch vụ chuyển phát Viettel Post bảo đảm an toàn, đúng quy định.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ kỹ thuật giúp đỡ các cơ quan Đảng, Nhà nước ứng dụng chữ ký số hoạt động hiệu quả. Phục vụ tốt các yêu cầu tư vấn, huấn luyện, tích hợp chữ ký số vào các phần mềm chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng nâng cao nhận thức, tuyên truyền rộng rãi trong cả nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.
Thực hiện tốt công tác nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ về chứng thực chữ ký số và bảo mật thông tin; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các ứng dụng xác thực và bảo mật thông tin sử dụng các dịch vụ chứng thực chữ ký số, đặc biệt là các nghiên cứu triển khai chữ ký số cho thiết bị di động, các công nghệ xác thực mới, hộ chiếu điện tử, căn cước, thị thực điện tử.
Vũ Huy Hoàng, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ