Chiến tranh thông tin hiện đại dựa trên các nền tảng mạng xã hội - vũ khí tương lai

08:00 | 06/01/2025 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Hiện tại, chiến tranh thế giới đã trải qua 05 thế hệ [1], cuộc chiến tranh thế hệ thứ năm hay còn gọi là cuộc chiến tranh hiện đại đang được thực hiện chủ yếu thông qua các hành động phi quân sự như kỹ thuật mạng xã hội, thông tin giả, tấn công mạng cùng với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI) và các hệ thống tự động hóa hoàn toàn. Cuộc chiến tranh thế hệ thứ năm được Daniel Abbot mô tả là cuộc chiến tranh của “thông tin và nhận thức” [2]. Mục đích của cuộc chiến tranh hiện đại không giống như các cuộc chiến tranh thế hệ đầu mà tập trung vào việc gây bất ổn chính trị, phá hoại kinh tế…

TỔNG QUAN VỀ CHIẾN TRANH THÔNG TIN

Chiến tranh thông tin [3] là một trong các loại hình chiến tranh hiện đại được định nghĩa là các hành động tập trung vào việc làm mất ổn định hoặc thao túng các mạng thông tin cốt lõi của một nhà nước hoặc tổ chức trong xã hội với mục đích gây ảnh hưởng đến khả năng và ý chí phát huy sức mạnh cũng như nỗ lực chống lại các cuộc tấn công tương tự bởi nhà nước hoặc tổ chức đối lập.

Chiến tranh thông tin có 03 biểu hiện khác nhau gồm chiến tranh mạng (netwar), chiến tranh không gian mạng (cyberwar) và các hoạt động tâm lý (psychological operations). Chiến tranh mạng đề cập đến phương thức xung đột mới trong xã hội trong đó những người đứng đầu sử dụng các hình thức tổ chức mạng và các học thuyết, chiến lược, công nghệ phù hợp với thời đại thông tin. Chiến tranh không gian mạng là các cuộc xung đột diễn ra trong không gian mạng (thế giới ảo và Internet) thay vì trong thế giới thật. Hoạt động tâm lý là một lĩnh vực vô hình, về bản chất, nó là lĩnh vực xung đột liên quan đến tâm trí của con người. Như vậy, theo định nghĩa trên thì chiến tranh thông tin đang diễn ra theo một chuỗi liên tục của nhận thức và công nghệ. Biểu hiện của chiến tranh thông tin gồm 05 môi trường: môi trường công nghệ, môi trường xã hội, môi trường xung đột/chiến tranh, môi trường chính trị và môi trường kinh tế. Nghiên cứu [4] đã xác định sáu mục tiêu của chiến tranh thông tin hiện đại sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội gồm thu thập thông tin tình báo, nhắm mục tiêu (địa lý), tác chiến mạng, chỉ huy và điều khiển, phòng thủ và chiến tranh tâm lý.

CHIẾN TRANH THÔNG TIN HIỆN ĐẠI DỰA TRÊN CÁC NỀN TẢNG MẠNG XÃ HỘI

Viện nghiên cứu cải tiến Quốc phòng và Chính phủ (IDGA) của Mỹ đã có nghiên cứu [5] cho thấy thế giới đang chuyển từ phương thức chiến tranh truyền thống sang phương thức chiến tranh mới hiện đại sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội mà không có ranh giới giữa các quốc gia trên thế giới và cũng khó để xác định ai là đối thủ gây ra chiến tranh. Trong bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng có hai cách để đánh bại kẻ thù, phá vỡ nguồn sức mạnh của đối phương. Một là chấm dứt khả năng chiến đấu sử dụng lực lượng quân sự và hai là phá vỡ ý chí chiến đấu của lực lượng quân sự đối thủ thông qua việc điều khiển các thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram... Trong 20 năm qua, các phương tiện truyền thông xã hội này đã phát triển và mở rộng nhanh chóng, trở thành không gian chiến đấu trên mọi lĩnh vực từ các chiến dịch chính trị đến các hoạt động quân sự [6].

Trái ngược với các hình thức tấn công mạng truyền thống, các hoạt động không gian mạng ngày nay nhắm mục tiêu vào những người trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin cũng như hành vi của họ và làm giảm lòng tin vào Chính phủ. Thế lực thù địch hiện đang tìm cách kiểm soát và khai thác trên các phương tiện truyền thông xã hội để làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, làm mất uy tín của các tổ chức, cá nhân trong Chính phủ, lôi kéo và gây ra các cuộc xung đột trong chính quốc gia đó. Theo [3], chiến tranh thông tin hiện đại được thể hiện dưới hình thức “Chỉ huy điều hướng thông tin” là một lý thuyết tương đối và các phương tiện dùng để thuyết phục người đọc trong mạng xã hội ngày càng trở lên nguy hiểm. Do vậy, thay vì các cuộc tấn công quân sự hoặc tấn công vào hạ tầng trọng yếu quốc gia, thế lực thù địch bên ngoài quốc gia có thể truy cập hợp lệ vào luồng thông tin trực tuyến thông qua phương tiện truyền thông xã hội để tác động đến các nhóm người được kết nối mạng của quốc gia đó.

Sự thích nghi của phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ của chiến tranh hiện đại là do sự phát triển của công nghệ Internet đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh thông tin, cho phép người dùng Internet tạo ra thông tin thay vì sử dụng thông tin trực tuyến. Các thế lực thù địch đã nhanh chóng tìm cách khai thác tính mở đó để phát triển các kỹ thuật khai thác các mạng truyền thông xã hội như một công cụ tuyên truyền thông tin. Mạng xã hội tạo ra một điểm nhấn để tuyên truyền và trở thành mối liên hệ của các hoạt động thông tin và chiến tranh mạng.

Để hiểu được điều này, chúng ta phải xem xét khái niệm quan trọng về xu hướng truyền thông xã hội và các nguyên tắc cơ bản của tuyên truyền thông tin. Các mạng trực tuyến hiện có kết hợp với tài khoản “bot” tự động được sử dụng có thể chèn nội dung tuyên truyền vào một nền tảng phương tiện truyền thông xã hội, tạo ra một xu hướng và nhanh chóng phổ biến một thông điệp nhanh hơn và rẻ hơn bất kỳ phương tiện nào khác. Việc phát tán thông tin dưới hình thức “Chỉ huy điều hướng thông tin” phụ thuộc vào bốn yếu tố: (1) Nội dung thông tin (thông điệp) phù hợp với vấn đề hiện có; (2) Một nhóm người trung thành được định hướng thông tin; (3) Một đội đặc vụ nhỏ hoặc những chiến binh mạng (cyber warriors) và (4) Một mạng lưới các tài khoản “bot” tự động. Có 3 phương pháp để hỗ trợ việc điều khiển chiều hướng thông tin trên các phương tiện truyền thông xã hội gồm: phân phối (lan truyền) chiều hướng, ngăn chặn chiều hướng, tạo chiều hướng.

Hình 1. Mô hình cơ bản của mạng lưới bot trong Chỉ huy điều hướng thông tin

Hình 1 chỉ ra một mô hình cơ bản của mạng lưới các tài khoản bot gồm nhóm chủ chốt nhỏ (Small Core Group) là các tài khoản được kiểm soát bởi con người với một lượng lớn người theo dõi; mạng lưới bot ảo lớn, mạnh (Larger Group with Strong Ties) theo dõi lẫn nhau và theo dõi nhóm chủ chốt nhỏ; nhóm gồm những người trung thành mà không có số lượng lớn người theo dõi (small Outsider with Weak Ties) có nhiệm vụ theo dõi nhóm chủ chốt và các tài khoản bot ảo. Khi có đủ số lượng bot làm việc cùng nhau có thể nhanh chóng khởi tạo một xu hướng hoặc tiếp quản một xu hướng, Hình 2 chỉ ra một ví dụ về quy trình của cách Chỉ huy điều hướng thông tin trên mạng Twitter.

Hình 2. Mô hình Chỉ huy điều hướng thông tin trên mạng Twitter

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÁC NỀN TẢNG MẠNG XÃ HỘI DI ĐỘNG TRONG CHIẾN TRANH THÔNG TIN HIỆN ĐẠI

Cơ hội của việc khai thác phương tiện truyền thông xã hội trong chiến tranh thông tin hiện nay

Các chính phủ trên khắp thế giới đã nhận ra những lợi thế mà mạng xã hội mang lại cho hoạt động của chính phủ. Ngoài những lợi thế nêu trên liên quan đến tốc độ phân phối, phạm vi tiếp cận và chi phí thấp cho mỗi tin nhắn mà mạng xã hội còn mang lại các lợi ích vượt trội cho việc tạo ra các bản tin để thu hút mục tiêu. Các cơ hội có ảnh hưởng đặc biệt có thể có được từ việc phân phối, tiếp nhận thông tin trực tiếp trên màn hình, qua các thiết bị kết nối Internet và các thiết bị điện thoại di động nhằm duy trì hoạt động lâu dài và tác động liên tục.

Những lợi thế khác là chi phí cơ sở hạ tầng cho việc phân phối thông điệp rất thấp so với hầu hết các hình thức liên lạc truyền thống. Ngoài ra, có thể thu được phản hồi chính xác về hiệu quả của hoạt động thông qua việc phân tích dữ liệu truyền thông xã hội. Dựa trên việc kết hợp các thông điệp phù hợp trên các phương tiện truyền thông và các cuộc đàm phán trực tiếp, các nhà truyền thông quân sự có thể tăng tỷ lệ đầu hàng hoặc thuyết phục đối phương khi bước vào trận chiến.

Các thách thức và sự ảnh hưởng của việc khai thác phương tiện truyền thông xã hội trong chiến tranh thông tin hiện nay

Có 05 thách thức đối với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong hoạt động thông tin gồm:

Văn hóa quân sự: Văn hóa quân sự được mô tả là bảo thủ và chậm thay đổi khiến các tổ chức quân đội khó tiếp nhận công nghệ mới.

Đào tạo: Tận dụng những tiến bộ trong học máy và khoa học dữ liệu liên quan đến mạng xã hội cho các ứng dụng quân sự như InfoOps hoặc PSYOPS yêu cầu kiến thức nâng cao và mức độ hiểu biết rất cao về kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn nhân lực hiện tại có thể không đáp ứng đủ yêu cầu này.

Chính sách: Chỉ trong những năm gần đây, quân đội các nước mới áp dụng chính sách truyền thông xã hội và nhiều người vẫn chưa rõ các quy định về việc thu thập dữ liệu.

Văn hóa về tính bí mật: Nhiều chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục được sử dụng để tận dụng trí tuệ truyền thông xã hội nằm trong nghiên cứu truyền thông và cộng đồng tình báo mà có văn hóa phân loại quá mức, ngay cả trong trường hợp dữ liệu được công bố công khai. Điều này dẫn đến tình huống các nhà khai thác thông tin tình báo không có đủ điều kiện để tiếp cận nó.

Không thích rủi ro: Khả năng tiếp cận người dùng toàn cầu và khả năng người dùng toàn cầu tiếp cận tất cả các thông tin liên lạc với người dân địa phương đều có rủi ro và cũng như hiệu quả cao. Rủi ro của việc tranh luận công khai được cân nhắc cực kỳ cẩn thận. Điều này một lần nữa đưa ra câu hỏi làm thế nào các bài đăng có thể kịp thời, đủ thường xuyên để tạo ra các hiệu ứng mong muốn.

Sự ảnh hưởng của việc khai thác phương tiện truyền thông xã hội: Dựa trên việc đánh giá các tài liệu nghiên cứu về phương tiện truyền thông xã hội trong môi trường an ninh cũng như các cuộc phỏng vấn với các nhà điều hành liên quan đến các hoạt động truyền thông xã hội, các khả năng ảnh hưởng trên mạng xã hội hiệu quả nhất gồm định hướng mục tiêu, giám sát, khám phá mục tiêu, phân tích mạng xã hội, phân tích xu hướng xã hội, đo mức tác động, kêu gọi, ảnh hưởng đến sự ủng hộ của công chúng đối với các đối thủ.

KẾT LUẬN

Chiến tranh thông tin hiện đại dựa trên các nền tảng mạng xã hội để chỉ huy định hướng thông tin là rất nguy hiểm, tác động đến tâm lý và nhận thức của số lượng lớn người dùng trên phạm vi rộng lớn của một quốc gia hoặc thế giới một cách nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn, nhằm ảnh hưởng đến niềm tin cũng như hành vi của họ và làm giảm lòng tin vào chính phủ. Hình thức chiến tranh này được nghiên cứu và áp dụng bởi cả hai bên các thế lực thù địch và lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Chiến tranh thông tin hiện đại sử dụng các kỹ thuật, công nghệ cao mang lại những cơ hội mới đồng thời các thách thức cho cả người chỉ huy và những người trực tiếp tham gia chiến đấu trên môi trường mạng xã hội. Tác chiến không gian mạng – môi trường tác chiến thứ 5 là một lĩnh vực mới, khó, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, vừa nghiên cứu và vừa thực hiện là chủ yếu đối với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Do vậy, việc nghiên cứu tiếp cận về mặt lý luận, kỹ thuật công nghệ của chiến tranh thông tin hiện đại của các nước trên thế giới là cần thiết để có thể vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://en.wikipedia.org/wiki/Generations_of_warfare.

[2]. Rianne van Vuuren, “Information warfar as Future weapon of mass-disruption, Africa 2030s Scenarios”, Institute for Futures Research South Africa.

[3]. Jarred Prier, “Commanding the Trend: Social media as Information warfare”, source: Strategic Studies Quarterly, Vol.11, No.4 (WINTER 2017), pp.55-85.

[4]. Beata Bialy, “Social media – From social exchange to Battelfield”, source: The cyber defense review, vol. 2, no. 2, published by Army Cyber Institute.

[5]. https://www.idga.org/archived-content/articles/psychologicalwarfare-in-the-social-media-era-winn?ty-ur.

[6]. Peter W. Singer và Emerson T. Brooking, “likewar the weaponization of social media”, 2018.

[7]. David E. Sanger, “Vũ khí hoàn hảo, chiến tranh, sự phá hoại và nỗi sợ trong kỷ nguyên mạng”, Kỳ Nam dịch, 2020.

[8]. Ritu Gill, “Influence techniques using social media”, Royal military college of Canada, Department of Political Science National Defence, 2018.

TS. Phạm Thị Huyền (Phòng Phần mềm và Cơ sở dữ liệu, Bộ Tư lệnh 86); TS. Nguyễn Anh Tú, ThS. Ngô Thế Quyền (Viện Nghiên cứu 486, Bộ Tư lệnh 86)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới