Thực trạng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trong lĩnh vực an ninh mạng (Phần II)

10:00 | 24/12/2024 | CHÍNH SÁCH - CHIẾN LƯỢC
Trong phần I của bài viết, nhóm tác giả đã trình bày về thực trạng an ninh mạng của Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời, đưa ra những phân tích sâu sắc về quan điểm hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam và EU. Đó chính là những cơ sở thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam - EU giúp tăng cường năng lực quốc gia trên không gian mạng. Phần II của bài viết sẽ trình bày về những kết quả đã đạt được và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng giữa Việt Nam và EU trong tương lai.

KẾT QUẢ HỢP TÁC VIỆT NAM - LIÊN MINH CHÂU ÂU TRONG LĨNH VỰC AN NINH MẠNG THỜI GIAN QUA

Trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật

Nhận thức rõ về mối đe dọa đối với an ninh mạng, EU đã sớm chú trọng việc xây dựng hành lang pháp lý để đối phó với những rủi ro xuất phát từ sự phát triển của Internet và mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin xấu, độc hại có nguy cơ gây rối an ninh, trật tự xã hội, đe dọa an ninh mạng của các quốc gia châu Âu. Hành lang pháp lý EU xây dựng là cơ sở để đảm bảo an toàn an ninh mạng nội khối, giúp phản ứng hiệu quả nhất đối với các mối đe dọa an ninh mạng xảy ra đối với các quốc gia thành viên [1].

Với bề dày kinh nghiệm và hành lang pháp lý chặt chẽ, Việt Nam đã hợp tác và học tập kinh nghiệm của EU trong lĩnh vực này, từ đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, nâng cao chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Cụ thể là trong quá trình xây dựng Luật An ninh mạng và các Nghị định liên quan, EU đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế và kiến thức pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân với Bộ Công an Việt Nam. EU đã chia sẻ những thách thức của Việt Nam và nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác song phương, hướng tới các giải pháp chung [2]. Việc tìm hiểu pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là từ EU [3] được Việt Nam coi trọng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam và EU đều có mối quan tâm chung đến chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các chuẩn mực của Liên Hợp Quốc về cách hành xử có trách nhiệm của nhà nước. Liên hợp quốc đã thông qua 11 quy tắc tự nguyện về hành vi có trách nhiệm của nhà nước. Việc các quốc gia thông qua và thực hiện các chuẩn mực này sẽ góp phần tạo nên một không gian mạng quốc tế ổn định. Năm 2020, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Phái bộ EU, Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Hội thảo Luật quốc tế về không gian mạng với các chủ đề như Luật quốc tế về hoạt động trên không gian mạng; Chủ quyền trên không gian mạng; Trách nhiệm của nhà nước về hoạt động mạng; Sử dụng vũ lực và tự vệ trên không gian mạng... [4].

Ngoài ra, EU cũng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, quản lý dữ liệu xuyên biên giới và cơ chế bảo vệ dữ liệu trong một số lĩnh vực quan trọng.

Trong lĩnh vực công nghệ

EU đã chia sẻ kinh nghiệm về chiến tranh mạng; giới thiệu, chuyển giao công nghệ, thiết bị, công cụ phục vụ công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, thông qua Dự án Tăng cường hợp tác an ninh với châu Á và tại châu Á (ESIWA), cũng như Dự án YAKSHA.

Các doanh nghiệp, cơ quan của Việt Nam với các nước thành viên EU cũng triển khai hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. Sự hợp tác song phương này là nhân tố then chốt giúp Việt Nam tăng cường phát triển và hiện đại hóa đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của quốc gia, bảo đảm sự phát triển bền vững về an ninh thông tin [5]. Hiện nay, EU đang triển khai 02 dự án khoa học - công nghệ lớn và mở cho các ứng viên từ Việt Nam: Dự án Horizon Europe trong thời gian 7 năm từ 2021-2027 với tổng đầu tư 95.5 tỷ Euro (đây là dự án tiếp nối Horizon 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức nhiều phiên làm việc giới thiệu Dự án ở Việt Nam [6]) và Dự án Chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” (EU’s Global Gateway Strategy) cùng với Chương trình Định hướng Đa niên (EU’s Multi-annual Indicative Programme (MIP) đến 2027 hỗ trợ chuyển đổi số với các nội dung như kết nối mạng an toàn, chuyển đổi số xanh, tăng cường kỹ năng số...

Trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, EU bước đầu đã phối hợp với một số bộ, ban, ngành của Việt Nam thực hiện một số hoạt động hợp tác, đã phối hợp cùng Bộ Công an Việt Nam tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo, họp trực tuyến, tham vấn và trao đổi liên quan một cách thường xuyên liên quan đến an ninh mạng. Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ) phối hợp với Công ty Keyfactor và IQM tại Thụy Điển và Phần Lan hợp tác trong lĩnh vực mật mã hậu lượng tử, tổ chức đào tạo đại học, sau đại học trong lĩnh vực công nghệ và tính toán lượng tử.

EU cũng phối hợp cùng Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình đào tạo về cách thức xây dựng, vận hành và đánh giá năng lực đội ứng cứu sự cố theo mô hình SIM3. Đại học RMIT Việt Nam và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng (TNO) Hà Lan cũng đã ký Biên bản ghi nhớ để tăng cường chuyên môn về mạng trong IoT, Blockchain và web đen nhằm nâng cao nhận thức về an ninh mạng và các phương pháp thực hành tốt nhất cho sinh viên cũng như đội ngũ giảng viên trước các mối đe dọa mạng toàn cầu. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là 2 trong 9 thành viên tham gia Dự án CYCLE đào tạo thạc sỹ về an toàn thông tin hợp tác với các đối tác EU và châu Á [7]. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác an ninh mạng với nước thành viên EU như Hà Lan, Romania, Ý, Séc….

TRIỂN VỌNG HỢP TÁC VIỆT NAM – LIÊN MINH CHÂU ÂU TRONG LĨNH VỰC AN NINH MẠNG THỜI GIAN TỚI

Hợp tác với EU trong lĩnh vực an ninh mạng là một định hướng được Chính phủ Việt Nam ưu tiên ở giai đoạn hiện nay. Cả EU và Việt Nam đều cần thích ứng với môi trường địa - chính trị đang phát triển nhanh chóng, môi trường này ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ, gây bất ổn trên không gian mạng. Mặc dù có sự khác biệt về trình độ kỹ thuật số và công nghệ, năng lực thể chế hóa và xây dựng các khung pháp lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và an toàn thông tin nhưng cả hai bên vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Việt Nam và EU tiếp tục triển khai hợp tác lĩnh vực an ninh mạng trong khuôn khổ “Đối tác Chiến lược ASEAN - EU”

Trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - EU, hai bên nhất trí cho rằng, không gian mạng mang lại những cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức ngày càng lớn đối với hai khu vực, trong đó có nguy cơ gây tổn hại hòa bình và an ninh. ASEAN và EU công nhận sự cần thiết phải tiếp tục hạn chế những mối đe dọa trước mắt, trung hạn và dài hạn trên mạng cũng như tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn và đối phó với những hoạt động độc hại trên mạng. Tuyên bố chung ASEAN và EU năm 2019 tại Bangkok chính là nền tảng để mở rộng các hợp tác về an ninh mạng trong thời gian tới.

Hợp tác trong quản trị không gian mạng

Hiện nay, quản trị không gian mạng của Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung đang chú trọng tới việc xây dựng luật pháp, quy định và quy tắc quốc tế, thúc đẩy chuyển đổi số. Việc hợp tác quản trị không gian mạng sẽ cung cấp cơ sở pháp lý cho việc hợp tác xuyên biên giới. Các lĩnh vực điển hình có thể hướng tới hợp tác chặt chẽ là điều hòa sự phát triển của công nghệ AI, chuyển đổi số, thiết lập các cơ chế điều hòa về dữ liệu… Thông qua trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện các quy chuẩn mạng, Việt Nam và EU có thể hướng tới việc thúc đẩy hành vi có trách nhiệm thông qua các biện pháp ngoại giao; tham gia thảo luận về việc soạn thảo và triển khai các tiêu chuẩn quốc tế liên quan cho các công nghệ mới như mạng di động 5G và thực hiện các nỗ lực chung để nâng cao khả năng phục hồi mạng toàn cầu, thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan ở nhiều cấp độ khác nhau.

Hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng

EU có thể giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách năng lực về an ninh mạng, tội phạm mạng. Kinh nghiệm và cơ chế của châu Âu liên quan đến an ninh mạng có thể đóng vai trò hướng dẫn có giá trị cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực mạng. Hỗ trợ này sẽ mang tính chiến lược, trong đó có thể tập trung vào các vấn đề như giúp xóa bỏ nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, hai bên cần tăng cường tương tác tại các diễn đàn và hội nghị về tội phạm mạng ở châu Âu cũng như tại Ủy ban đặc biệt về xây dựng Công ước quốc tế toàn diện chống sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cho mục đích tội phạm của Liên Hợp Quốc - các cơ chế này có thể tạo các cơ hội cho EU và Việt Nam phối hợp trên các vấn đề quan trọng, vấn đề cùng quan tâm. Ngày nay, tội phạm mạng đang trở nên phổ biến hơn và các dòng tài chính bất hợp pháp có liên quan lên tới hàng nghìn tỷ đô la. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể một mình chống lại những mối đe dọa này. Việt Nam và EU có thể hợp tác để tăng cường các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc điều tra tội phạm mạng xuyên biên giới cùng với các biện pháp phong tỏa và tịch thu tang vật của tội phạm mạng và đề xuất các biện pháp bồi thường cho nạn nhân. Ngoài ra, cần tăng cường cách tiếp cận chung của hai bên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa tội phạm mạng, coi đây là một mắt xích quan trọng cho tất cả các sáng kiến xây dựng năng lực, vì mọi sự khởi nguồn cho vấn đề mất an toàn lại ở chính người dùng.

Hợp tác trong bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu, quản lý và ứng phó sự cố an ninh mạng

Để chuẩn bị cho hợp tác với EU và các quốc gia khác về lĩnh vực an ninh mạng, Việt Nam đã có nhiều cơ quan chuyên trách liên quan đến việc xử lý các vấn đề chung về an toàn, an ninh mạng như: Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an...

Ban Cơ yếu Chính phủ đang triển khai tốt các nhiệm vụ cơ mật và trọng yếu như: (1) Triển khai các giải pháp bảo mật, xác thực, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh mạng các hệ thống trọng yếu như: Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, căn cước công dân và hộ chiếu điện tử...; (2) Đáp ứng 100% hoạt động cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ các dịch vụ công, trao đổi văn bản điện tử, chuyển đổi số; (3) Đẩy mạnh triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin và các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của cơ quản Đảng, Nhà nước; (4) Quản lý nhà nước về mật mã dân sự để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người dân, nhưng không được gây phương hại đến lợi ích của nhân dân, an ninh quốc gia, trận tự an toàn xã hội.

Việc là “điểm nóng” của an ninh mạng trong khu vực và trên thế giới giúp Việt Nam sở hữu một nguồn cơ sở dữ liệu dồi dào về các hình thức tấn công mạng, bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó các sự cố. Trong khi đó, EU là khối liên minh sở hữu hành lang pháp lý chặt chẽ, kinh nghiệm, công nghệ. Vì vậy, hợp tác giữa hai bên trong chia sẻ thông tin và kinh nghiệm sẽ góp phần hình thành những hành động và ứng phó tập thể đối với các sự cố mạng, góp phần giải quyết các sự cố và ngăn chặn những hoạt động gây hại trên không gian mạng một cách hiệu quả, nâng cao khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu là hoạt động thiết yếu trong thời gian tới.

Hợp tác trong quản lý luồng dữ liệu xuyên biên giới

Việt Nam là một trong mười quốc gia có lượng dữ liệu xuyên biên giới lớn nhất thế giới và có tốc độ tăng trưởng về luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới vào nhóm cao nhất trong khu vực châu Á. Tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức mà dòng dữ liệu cá nhân xuyên biên giới đem lại, Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác đa phương về quản trị dữ liệu và thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các chủ thể liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu, trong đó, EU là một trong những đối tác uy tín. EU có thể giới thiệu với thế giới một cách tiếp cận mới để tạo ra các tiêu chuẩn trong hai lĩnh vực, đó là cách quản trị dữ liệu có thể được tiến hành và cách dữ liệu có thể được chia sẻ nhanh chóng.

Hợp tác khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực

Việc thực hiện các hoạt động xây dựng năng lực chung và các biện pháp xây dựng lòng tin (thông qua đào tạo, chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất) là một nội dung cần thiết trong hoạt động hợp tác. EU và Việt Nam cần thúc đẩy nhiều hoạt động hơn nữa, chẳng hạn như xây dựng năng lực mạng chung, hợp tác chủ động chống lại các cuộc tấn công ransomware và tội phạm mạng, nâng cao nhận thức của người dân về việc đối đầu và ngăn chặn tội phạm mạng. Những vấn đề này cần phải đưa vào các cuộc thảo luận song phương chính thức cũng như tại các diễn đàn quốc tế về an ninh mạng có sự tham gia của cả EU và Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trong suốt thời gian qua, Việt Nam và EU đã có sự hợp tác chặt chẽ với kết quả rất tốt đẹp. Việt Nam đã trở thành đầu mối hợp tác quan trọng giúp cho EU đẩy mạnh quan hệ với khu vực ASEAN và châu Á nói chung và ngược lại, EU cũng là đầu mối quan trọng của Việt Nam trong mối quan hệ với toàn thể châu Âu. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa hai bên rất rộng mở. Việt Nam và EU cần có nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực mới nổi, trong đó có an ninh mạng. Hai bên cần chủ động và tích cực hơn nữa để thiết lập các nền tảng pháp lý cho hoạt động hợp tác an ninh mạng trong thời gian tới với nhiều triển vọng như hợp tác trong xây dựng hành lang chính sách pháp luật, trong quản trị, trong đấu tranh tội phạm an ninh mạng, trong bảo vệ cơ sở hạ tầng ICT trọng yếu và trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. https://antoanthongtin.vn/chinh-sach---chien-luoc/hanh-langphap-ly-ve-dam-bao-an-ninh-mang-o-lien-minh-chau-au-108006.

[2]. EU data protection sets benchmark for cyber security in Vietnam; https://engage.eu/activities/eu-data-protection-setsbenchmark-for-cyber-security-in-vietnam/.

[3]. https://gdpr.eu/what-is-gdpr/.

[4]. https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Luat-quoc-te-trenkhong-gian-mang-nen-tang-bao-dam-quyen-con-nguoi-va-loiich-quoc-gia-i578481/.

[5]. “Vietnam, Czech firms sign MoU on cyber security cooperation,” 2017. [Online]. Available: https://en.vietnamplus.vn/vietnam-czech-firms-sign-mou-on-cyber-securitycooperation/110283.vnp.

[6]. https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/23883/viet-nam---eu-daymanh-hop-tac-nghien-cuu-va-doi-moi-sang-tao-.aspx.

[7]. https://www.haui.edu.vn/vn/tin-tuc/khoi-dong-du-an-cyclenghien-cuu-bao-mat-va-trien-khai-khoa-dao-tao-thac-si-ve-antoan-thong-tin-mang/64719

[8] https://www.gov.uk/government/publications/national-ai-strategy.

 

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hữu Hùng (Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ); PGS.TS. Bùi Thu Lâm (Học viện Kỹ thuật mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới