Công nghiệp tin tức và trí tuệ nhân tạo

14:00 | 28/03/2018 | CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Các chuyên gia cho rằng, trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại nhiều cơ hội và cả những thách thức đối với ngành công nghiệp tin tức.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Việc phát triển và ứng dụng AI đang góp phần thay đổi mọi lĩnh vực trong đời sống, trong đó có hoạt động thông tin nói chung và thông tin trên thị trường tài chính - kinh doanh nói riêng.

Tại Việt Nam, AI đã dần xuất hiện và tác động đến hoạt động thu thập, cung cấp, truyền tải và thói quen tiếp nhận thông tin của các đối tượng trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, việc AI đã và sẽ phát triển ra sao? Mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với các cơ quan báo chí, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hay nhà đầu tư?... là những câu hỏi lớn được đặt ra. 

80% tin tức sẽ do máy móc viết

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ, cảm giác đầu tiên khi ông đọc một đoạn tin đầu tiên do máy tính viết năm 2015 rất đặc biệt, dù ông đã từng nghe về Trí tuệ nhân tạo từ nhiều năm trước.

Sau đó, trong giai đoạn ngắn từ 2015-2016 các bước tiến trong lĩnh vực này diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ trong 5-10 năm tới, lượng tin do máy tạo ra sẽ chiếm khoảng 80% tổng số tin tức được sản xuất.

Theo ông Minh, ứng dụng AI trong báo chí thường nhắc đến các máy móc phục vụ viết tin. Hãng tin AP (Mỹ) là đơn vị tiên phong áp dụng từ năm 2015, bắt đầu từ lĩnh vực thể thao và tài chính.

AI cũng đã được hãng BBC sử dụng để chuyển nội dung văn bản nói sau khi phỏng vấn thành văn bản viết, thậm chí có thể dịch sang ngôn ngữ khác.

Trong việc tổng hợp, phân tích các báo cáo, từ thông tin thị trường chứng khoán với số lượng lớn số liệu mà bộ não con người không thể xử lý được một cách nhanh chóng, AI có thể hỗ trợ đưa ra những kết quả rất nhanh và chính xác.

Đáng chú ý, con người cũng dùng AI để theo dõi những xu hướng, chủ đề mà dư luận quan tâm, để có thể nắm bắt kịp thời, xây dựng nội dung các bài báo phù hợp với thị hiếu người đọc.

Đặc biệt, Trí tuệ nhân tạo hướng đến “cá nhân hoá” thông tin. Gần đây nhất, BBC đã đưa hệ thống Chatbot vào sau mỗi bài viết để tăng tương tác với độc giả, qua những câu hỏi trong các Chatbot và câu trả lời nhận về, hệ thống sẽ gợi ý những thông tin khác liên quan và phù hợp với từng người.

Đồng quan điểm, ông Vòng Thanh Cường, Tổng Giám đốc Boomerang, đơn vị hàng đầu về Social listening (Lắng nghe người dùng trên mạng xã hội) tại Việt Nam cho biết, “cá nhân hoá” thông tin đang được Facebook làm rất tốt.

Facebook nghiên cứu hành vi của con người khi giao tiếp với cộng đồng, bạn bè... từ đó đưa những thông tin mới trên Bản tin (News feed) của mỗi tài khoản. Google cũng vậy. Trước đây khi tìm kiếm một từ khóa, người dùng sẽ nhận được những kết quả chung cho hàng tỷ người. Hiện nay, Google đã tích hợp về vị trí, thói quen... giúp cho các câu trả lời phù hợp với nhu cầu tìm kiếm của mỗi người hơn.

Với những ứng dụng trên, theo ông Lê Quốc Minh, trí tuệ nhân tạo đang có những đóng góp rất lớn trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Đó là những nhân viên có thể làm việc 365 ngày, không nghỉ ốm, không đòi tăng lương và rất chính xác. Tính ra chi phí để sản xuất một tin bằng AI thấp hơn rất nhiều so với dùng con người.

Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với những người làm báo. Khi đó, các phóng viên, biên tập viên sẽ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, phân tích, bình luận chuyên sâu vào những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, nếu không có một sự chuẩn bị, điều chỉnh, vẫn giữ cách tác nghiệp như những năm đầu 80, 90 thì sẽ tụt hậu so với chính những “sản phẩm” do con người tạo ra.

Bên cạnh đó, ông Minh cho biết, theo dự báo, khi AI trở nên phổ biến trong xã hội, giúp cho các cơ quan báo chí chính thống sản xuất tin tức, thì đồng thời cũng sẽ là công cụ cho những đối tượng xấu tạo nên những tin giả với số lượng lớn. Trong 2 năm gần đây, ngành truyền thông thế giới đang phải đối mặt với “khủng hoảng” tin giả, dự kiến còn lan rộng hơn rất nhiều. Tin giả không chỉ là những tin tức chỉ tác động tới một số cá nhân, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, gây rối loạn xã hội, thậm chí đe doạ thể chế. Vì vậy, nếu con người không có sự phòng ngừa và sử dụng các biện pháp ngăn chặn thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Đâu là cách ứng xử thông minh?

“Hãy để máy tính là làm việc của máy tính và con người làm việc của con người”, ông Minh nêu quan điểm. Khi công nghệ đã đủ để thực hiện những công việc tính toán, tỉ mỉ, hãy để máy móc thực hiện. Mỗi người sẽ có thời gian tập trung vào những câu chuyện sâu xa hơn.

Đối với báo chí Việt Nam, dù việc ứng dụng AI còn rất sơ khai và chưa phổ biến, nhưng cần có tư duy thay đổi để áp dụng. Cần phải thử nghiệm, đặt mục tiêu hàng đầu là phục vụ độc giả, đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời.

Đồng thời, cần xác định việc làm báo thời điểm này đã khác rất nhiều, ngoài những kỹ năng cơ bản như viết bài, chụp ảnh, quay video cần trau dồi kiến thức chuyên môn về nhiều lĩnh vực; có khả năng sử dụng các công cụ truyền thông để làm thương hiệu cho tờ báo.

Trong toà soạn, vai trò của người làm công nghệ cũng rất quan trọng, họ phải là những người đồng hành, chia sẻ để cùng một thông tin nhưng thu hút được nhiều người đọc hơn.

Tuy nhiên, việc thông tin phù hợp với mọi đối tượng xã hội là điều không tưởng, vì vậy nên nắm bắt nhu cầu của những độc giả trung thành để kéo họ về với những nguồn tin chính thống.

Chính những người quản lý cũng phải thay đổi tư duy và có trình độ nhất định để cập nhật những xu hướng công nghệ mới đang thay đổi như hiện nay.

HL

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới