Từ năm 2025, Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo vận chuyển, in sao đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Việc vận chuyển, in sao đề thi sẽ qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ
Kỳ thi tốt nghiệp THTP quốc gia hằng năm là một kỳ thi lớn nhất trên quy mô cả nước, diễn ra đồng loạt tại tất cả các tất cả các tỉnh, thành phố với cả triệu thí sinh tham dự, thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội. Chính vì vậy, công tác bảo mật đề thi được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Trong bối cảnh đó, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ đảm bảo bảo mật trong toàn bộ quá trình vận chuyển đề thi từ Hội đồng ra đề thi, đến Ban in/sao đề thi tại các tỉnh, thành phố, đảm bảo các yếu tố bí mật, xác thực, nghiệp vụ của đề thi.
Phương thức vận chuyển đề thi hiện nay (ảnh Báo Giáo dục và Thời đại)
Trước yêu cầu đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai các giải pháp bảo mật tổng thể, đồng bộ, hiện đại với công nghệ tiên tiến đảm bảo an toàn tuyệt đối từ việc bảo mật các thiết bị đầu cuối, bảo mật kênh truyền đến các giải pháp an ninh, an toàn cho hệ thống. Trước khi triển khai tại kỳ thi THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT đã phối hợp cùng Ban Cơ yếu Chính phủ thử nghiệm thành công quy trình trong kỳ thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và khu vực hồi tháng 3/2024. Dự kiến, tiếp tục áp dụng trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (dự kiến vào tháng 12/2024).
Việc đổi mới trong quá trình vận chuyển, in/sao đề thi là xu hướng tất yếu. Bởi quy trình này giúp tiết kiệm thời gian, các địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi sẽ không phải chuyển đề bằng tàu cao tốc hay trực thăng như thời gian qua, giúp giảm thời gian in sao đề thi chỉ còn dưới 10 ngày, kể cả khi thời tiết mưa bão. Cùng với đó, việc vận chuyển qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ làm giảm các chi phí nhân lực, vật lực. Đặc biệt là nâng cao khả năng bảo mật, an toàn, an ninh thông tin trong mọi tình huống. Đề thi được đảm bảo tính bí mật, chính xác, toàn vẹn dữ liệu chống chối bỏ.
Động thái này cũng ghi nhận quyết tâm của của Bộ GD&ĐT trong việc đẩy mạnh chuyển đổi các hoạt động lên không gian mạng và tăng cường áp dụng công nghệ số trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư.
Đổi cách xếp phòng, vận chuyển đề thi tốt nghiệp từ năm 2025
Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 gồm bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; hai môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học ở THPT, gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Đề thi Ngữ văn vẫn giữ hình thức tự luận. Các môn còn lại theo dạng trắc nghiệm với các câu hỏi chọn phương án đúng, đáp án đúng/sai và trả lời ngắn.
Với nội dung hướng đến đánh giá năng lực học sinh theo chương trình mới, Bộ cho biết sẽ xây dựng thư viện câu hỏi thi có tính "mở", huy động sự đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành.
Hàng nghìn giáo viên trong cả nước đã được tập huấn về quy trình, nghiệp vụ, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi thi với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và Viện Khảo thí Mỹ (ETS). Các Sở Giáo dục và Đào tạo đang cho giáo viên xây dựng đề thi theo cấu trúc mới.
Từ đó, Bộ mời các chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi, thử nghiệm tại các địa phương, sau đó lựa chọn những câu hỏi tốt bằng nguyên tắc khảo thí. Cuối cùng, Bộ kết hợp các góp ý để đưa chúng vào ngân hàng câu hỏi thi "đóng" (ngân hàng chuẩn hóa), làm cơ sở xây dựng đề thi cho các năm.
Thí sinh tham gia kỳ thi THPT (ảnh Internet)
Về thời gian thi tốt nghiệp THPT, từ năm 2025, kỳ thi được tổ chức trong hai ngày với 3 buổi thi, thay vì 4 buổi như trước. Trong đó, một buổi thí sinh làm bài Ngữ văn, một buổi thi Toán và một buổi làm bài hai môn tự chọn.
Với 36 tổ hợp có hai môn tự chọn, Bộ nhận định đây là thách thức lớn cho công tác tổ chức thi. Để sắp xếp phòng thi tối ưu, hạn chế việc thí sinh phải di chuyển nhiều, Bộ đưa ra nguyên tắc: "Các thí sinh dự thi cùng tổ hợp hai môn tự chọn sẽ được sắp xếp cùng một phòng thi". Theo đó, các địa phương khảo sát nguyện vọng môn thi của học sinh từ tháng 12 năm nay để xây dựng phương án và thử nghiệm.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng hệ thống phần mềm mới để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025.
Ngọc Mai
(tổng hợp)