Bùng nổ AI tạo sinh tại Trung Quốc: Hơn 600 triệu người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ
Theo ông Zhao Zhiguo, kỹ sư trưởng tại MIIT, gần 200 mô hình dịch vụ AI tạo sinh đã được đăng ký và có sẵn cho công chúng sử dụng. Ông lưu ý rằng việc tăng cường cơ sở hạ tầng AI cho các dịch vụ công cộng và thiết lập các nền tảng phát triển AI có thể tiếp cận, thích ứng và có sẵn để tăng tốc quá trình đào tạo, tối ưu hóa và ứng dụng trên quy mô lớn của các mô hình AI, là những yếu tố rất quan trọng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần nỗ lực để nâng cao khả năng cung ứng các cơ sở điện toán và xây dựng hệ thống điện toán quốc gia thống nhất, qua đó tăng cường đóng góp vào các nguồn lực điện toán thông minh.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), trong thập kỷ qua, trên toàn thế giới có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ AI tạo sinh, như khả năng tạo văn bản, hình ảnh, mã máy tính, âm nhạc. Trong đó, 25% số bằng được nộp năm 2023. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ phát minh về AI tạo sinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2023, gấp 6 lần so với 6.276 phát minh được Mỹ nộp cùng kỳ.
Công ty viễn thông nhà nước Trung Quốc China Mobile đã đưa ra tiêu chuẩn đánh giá về các mô hình AI lớn nói chung với Viện Tiêu chuẩn hóa điện tử Trung Quốc và 16 doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp tài liệu tham khảo cho các công ty này để lựa chọn các mô hình AI chất lượng cao.
Tiêu chuẩn này được thúc đẩy dựa trên nhu cầu thực tế từ các ngành công nghiệp chủ chốt, tập trung vào 6 yếu tố gồm: chức năng, độ chính xác, độ tin cậy, sự an toàn, khả năng tương tác và khả năng ứng dụng, để đánh giá toàn diện năng lực cốt lõi trong việc ứng dụng các mô hình AI lớn.
Tiêu chuẩn trên bao gồm một loạt các viễn cảnh liên quan đến ngành công nghiệp, trong đó có các viễn cảnh về viễn thông, vận tải, năng lượng và sản xuất.
Lưu Giáp